2.463. Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: Từ cấp bách sang ì ạch

(TN) – Điểm vướng lớn nhất khiến dự án cấp bách mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đến nay chưa thể triển khai là tính “chính danh” khi giao thầu cho ACV, dù dự án phải khởi công trong năm nay nếu muốn hoàn thành vào 2022.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh CAA

Trước áp lực giải quyết tình trạng quá tải cho Tân Sơn Nhất (lên công suất 50 triệu hành khách/năm) khi sân bay Long Thành (Đồng Nai) dự kiến tới 2025 mới đi vào hoạt động, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề nghị Chính phủ đưa dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (quy mô 20 triệu khách/năm) vào danh mục dự án cấp bách.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện bằng vốn đầu tư của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn ngân sách.

Đề xuất này của Bộ GTVT nhận được sự ủng hộ của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT). Uỷ ban này đã có văn bản gửi Chính phủ, thống nhất đề xuất cho phép ACV được chỉ định làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ga T3.

Cuối tháng 11.2019, Bộ KHĐT cũng đã có Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, giao cho ACV làm nhà đầu tư.

Tuy nhiên, giữa tháng 1.2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản yêu cầu Bộ KHĐT khẩn trương có ý kiến kết luận rõ ràng dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách.

Trên thực tế, dù có rất nhiều lợi thế về kinh nghiệm, vốn, song việc giao thầu cho ACV làm nhà ga T3, thay vì đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư, là mấu chốt khiến dự án chưa nhận được đồng thuận.

Việc giao thầu cho ACV do đây là dự án cấp bách là không thoả đáng, do ACV không đủ cơ sở pháp lý để được chỉ định thầu. Dù nhà nước chiếm cổ phần chi phối 95,4% tại ACV, nhưng doanh nghiệp này đang hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần.

Cần đấu thầu công khai để “rộng cửa” cho nhiều nhà đầu tư

Với tính chất hấp dẫn nhờ khả năng sinh lời cao trong tương lai, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là “miếng bánh” hấp dẫn với rất nhiều nhà đầu tư, không riêng gì ACV. Tháng 2.2019, Bộ GTVT đã nhận được đề nghị của Tập đoàn FLC muốn đầu tư, nhưng theo Bộ GTVT, doanh nghiệp này chưa có nghiên cứu cụ thể, trong khi ACV đã có nghiên cứu chi tiết.

Trước FLC và ACV, Công ty cổ phần Vietstar Airlines (Vietstar) từng là nhà đầu tư được lựa chọn và đã có nghiên cứu chi tiết về nhà ga lưỡng dụng T3 (công suất 9,8 triệu khách/năm và có quy hoạch giai đoạn 2 thêm 10 triệu khách/năm).

Tháng 12.2019, Vietstar đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 (dùng chung cho cả dân sự và quân sự) tại Tân Sơn Nhất.

Theo báo cáo của Vietstar, vị trí xây dựng nhà ga 20 triệu khách theo quy hoạch mới nhất của Bộ GTVT (khu đất 16,37 ha) hiện là đất quốc phòng, tiếp giáp và chồng lấn với khu đất 10 ha mà Quân chủng Phòng không – Không quân đã bàn giao cho doanh nghiệp này từ năm 2010. Nhà đầu tư này cho rằng, có “đầy đủ pháp lý để triển khai dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt trong thời gian 18 tháng”, trên khu đất 10 ha đã được giải phóng mặt bằng sạch.

Theo đề án được Vietstar xây dựng năm 2015, dự án có tổng mức đầu tư 2.126 tỉ đồng, đã được các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thông qua với tên gọi “Nhà ga hàng không giá rẻ tại Tân Sơn Nhất” và yêu cầu Vietstar sớm khởi công. Vietstar đã chuẩn bị đầu tư nhà ga T3 lưỡng dụng theo quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được Bộ GTVT phê duyệt từ 2015 (theo Quyết định 3193/2015/QĐ-BGTVT). Doanh nghiệp này cho rằng, việc Bộ KHĐT kiến nghị cho ACV làm chủ đầu tư dự án mà không xem xét đến dự án của Vietstar đã được các bộ, ngành trung ương thẩm định từ tháng 9.2016 đã gây hoang mang cho doanh nghiệp, do đã tốn nhiều chi phí theo đuổi dự án.

Đáng chú ý, ngày 31.1.2020, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời Vietstar cho rằng, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt năm 2015 không có nhà ga hàng không lưỡng dụng và quy hoạch mới điều chỉnh năm 2018 cũng không có nhà ga lưỡng dụng như doanh nghiệp đề cập.

Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư T3 lưỡng dụng của Vietstar nằm trên phạm vi đất quốc phòng trước đây không nằm trong quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015, nên đề nghị doanh nghiệp làm việc lại với Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vietstar, đã có sự thay đổi nội dung quy hoạch của Bộ GTVT, lý do trong Quyết định 3193 đề cập sân bay lưỡng dụng, song Quyết định 1942/QĐ-BGTVT năm 2018 điều chỉnh quy mô sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm, xây mới nhà ga có sức chứa 20 triệu khách/năm, thì không còn mô hình nhà ga lưỡng dụng, nên Vietstar bị “gạt” ra ngoài, không được bàn bạc. Nhà đầu tư này mong muốn được tham gia đầu tư T3 Tân Sơn Nhất theo dự án cũ, hoặc tham gia liên danh để xây dựng T3 theo quy mô mới 20 triệu khách/năm.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, về nguyên tắc, để đạt được công trình với tiến độ, chất lượng, chi phí tốt nhất, các dự án phải đấu thầu, khi không có nhiều nhà đầu tư tham gia mới phải tính phương án khác.

Với dự án mang tính cấp bách như T3 Tân Sơn Nhất, Chính phủ hoàn toàn có thể tạo cơ chế để giảm bớt các thủ tục, đẩy nhanh quá trình đấu thầu, nhưng không nên chỉ định thầu. Nếu không giải quyết thấu đáo bài toán nhà đầu tư, dự án T3 Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảm tải ách tắc hạ tầng tại cảng hàng không lớn nhất nước này.

Các tranh cãi quanh dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

– Năm 2009, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 882/QĐ-BQP phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng, trong đó diện tích đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất giao cho Vietstar Airlines đầu tư (10 ha).

– Năm 2015, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – không quân đã phê duyệt quy hoạch mặt bằng tổng thể cho khu đất, với công trình trọng điểm là nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 và hangar bảo dưỡng máy bay của Vietstar (phù hợp quy hoạch chi tiết tại quyết định 3193).

– Tháng 6.2016, Bộ GTVT có công văn số 6856/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Quốc phòng đề nghị sớm cho triển khai nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 tại Tân Sơn Nhất.

– Tháng 10.2016, Vietstar trình Quân chủng Phòng không – Không quân hồ sơ thiết kế nhà ga hàng không lưỡng dụng. Cục Hàng không cũng đã tổ chức họp xem xét hồ sơ thiết kế nhà ga của Vietstar.

– Cuối 2017, Cục Hàng không Việt Nam ký hợp đồng tư vấn rà soát quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất với công ty tư vấn Pháp ADPi.

– Tháng 8.2018, Bộ GTVT ký quyết định 1942 phê duyệt điều chỉnh chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất với quy mô bổ sung nhà ga T3 ở phía nam với công suất 20 triệu khách/năm.

-Tháng 3.2019, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao ACV đầu tư nhà ga T3 với tổng mức đầu tư hơn 11.400 tỉ đồng.

Minh Nhật

————-

Thanh niên (Tài chính Kinh doanh) 20-02-2020:

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/du-an-nha-ga-t3-tan-son-nhat-tu-cap-bach-sang-i-ach-1184989.html

(51/1.507)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,855