(DV) – Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, khi mới thành lập, doanh nghiệp khai bao nhiêu vốn cũng được, nhưng sau 3 tháng thì phải góp đủ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, thì phải góp đủ rồi mới được phép đăng kí tăng vốn. Do đó, doanh nghiệp chỉ bị phạt vi phạm khai khống sau khi thành lập.
Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong tháng 1, một doanh nghiệp đã đăng kí thành lập mới với số vốn đăng kí 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). Trụ sở chính tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Thông tin này khiến giới tài chính xôn xao bởi số vốn điều lệ “siêu khủng” của doanh nghiệp này vượt qua số vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel), của 4 ngân hàng thương mại nhà nước cộng lại và chỉ ‘thua’ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Hình ảnh bất ngờ về trụ sở doanh nghiệp đăng kí vốn 144.000 tỷ đồng
Điều đáng ngạc nhiên, khác với suy nghĩ của nhiều người về quy mô tầm vóc một doanh nghiệp “siêu khủng”, địa điểm đăng kí kinh doanh của công ty này là ngôi nhà nhỏ sơn màu xanh nằm trong xóm.
Chủ nhân ngôi nhà là bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông sáng lập công ty có vốn góp 43.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, bà Phương cho biết: “Tôi có biết gì đâu, tôi chưa góp vốn đồng nào. Tôi làm gì có tiền, ăn còn chẳng đủ”.
Cổ đông lập DN “siêu khủng”: “Tôi làm gì có tiền, ăn còn không đủ!”
Kể về hai “cộng sự” còn lại rủ lập công ty vốn trăm nghìn tỷ, bà Phương cho biết, ông Trần Gia Phong – người đại diện pháp luật của công ty mới thành lập này là một người kinh doanh gỗ tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, còn ông Nguyễn Hoàn Sơn (cổ đông góp 40% vốn điều lệ theo đăng kí kinh doanh) cũng đi buôn nước khoáng. Qua lời kể của bà Phương thì cả hai người này cũng đều “không có tiền”.
Về doanh nghiệp mới đăng kí thành lập với vốn 144.000 tỷ đồng, bà Phương cho hay ông Phong là người gợi ý.
“Hôm đó, anh Sơn đi làm nước cùng với tôi, Phong bảo là 3 chị em mình mở công ty đi. Mở thì mở thôi chứ mình có đồng nào đâu. Mình làm được thì làm, chẳng làm được thì thôi, chứ có phải góp vốn gì đâu”, bà Phương nói.
Đồng ý cùng ông Trần Gia Phong (huyện Đan Phượng, Hà Nội) và ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) mở công ty, tuy nhiên, bà Phương cho biết không nắm được công ty sẽ làm gì, mình đóng vai trò ra sao trong công ty.
“Họ cầm chứng minh thư để đi làm (đăng kí thành lập doanh nghiệp – pv), bảo ký thì tôi ký chứ mình biết gì đâu. Nếu họ bảo phải đóng 100 triệu vào đây, thì ai dám ký. Còn giờ có mất cái gì của mình đâu. Cứ nói mồm thế, làm được thì làm, chẳng được thì thôi. Tiền đâu ra mà góp, tiền ăn, nuôi con còn chẳng đủ. Thực sự nhà tôi ăn bữa nọ, chạy bữa kia, nhà còn đang cắm cái đây này. Sang tên cho người ta rồi mà giờ còn chưa có tiền chuộc lại được, làm gì có đồng nào”, bà Phương tâm sự.
Đăng kí “khống” vốn điều lệ là quyền của doanh nghiệp?
Liên quan đến doanh nghiệp có vốn điều lệ đăng kí lên tới 144.000 tỷ đồng này, một lãnh đạo Cục Quản lý đăng kí kinh doanh cho biết, có khả năng đây là kê khai vốn ảo. Vì việc kê khai này hiện đang được diễn ra trên mạng, nên các cán bộ nhân viên của Cục không thể gặp gỡ trực tiếp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp mà chỉ trao đổi thông tin trên điện thoại.
Vì số vốn đăng kí quá lớn, nên cán bộ Cục Quản lý đăng kí kinh doanh phải hỏi đi hỏi lại người đại diện doanh nghiệp xem có kê khai nhầm từ 1,4 tỷ đồng thành 144.000 tỷ đồng không. Tuy nhiên, người đại diện doanh nghiệp này khẳng định không nhầm và cam kết sẽ góp đủ vốn trong 90 ngày theo quy định pháp luật.
“Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước nếu hợp lệ thì cấp cho người ta. Nhưng trường hợp, nếu phát hiện bất thường thì thông báo cho cơ quan liên quan để phối hợp quản lý. Với trường hợp này, cơ quan đăng kí kinh doanh đã thấy và ngay từ đó đưa vào diện theo dõi đặc biệt”, lãnh đạo Cục Quản lý đăng kí kinh doanh cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, đại diện Cục Đăng kí kinh doanh cho biết đã khoanh vùng, theo dõi chặt chẽ, giám sát quá trình góp vốn theo số vốn đã đăng kí của doanh nghiệp này.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, 99,99% là nhầm lẫn hay “nổ”, bởi kinh doanh bất động sản cũng chỉ cần 20 tỷ đồng, giả sử có cần nhiều vốn thì cũng tăng từ từ khi cần.
“Đây là số vốn không tưởng đối với cá nhân. Giả sử có số tiền đó thì đem gửi ngân hàng lấy lãi, sau đó nộp thuế thu nhập 20% rồi chia cho cố đông, sau đó nộp thuế tiếp 5% nữa… Còn nếu cá nhân gửi tiền vào ngân hàng thì không phải mất đồng thuế nào… ”- Luật sư Đức phân tích.
Luật sư Đức cho biết, vốn điều lệ không có nhiều ý nghĩa khi đăng kí thành lập doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu (hay vốn tự có) mới là chỉ tiêu quan trọng. “Nếu là tôi, tôi đăng kí hẳn 100 tỷ USD chứ không phải là 6 tỷ USD. Có thể họ không hiểu Luật hoặc cứ đăng kí thế, 3 tháng sau không đủ họ có quyền đăng kí lại và góp đủ theo con số này là được”- Luật sư Đức khẳng định.
Như vậy có nghĩa rằng, trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp “nổ” với số vốn điều lệ khủng đó là quyền của doanh nghiệp.
“Có 2 giai đoạn đăng kí vốn điều lệ hoàn toàn khác nhau, Khi mới thành lập, khai bao nhiêu cũng được, nhưng sau 3 tháng thì phải góp đủ (sau điều chỉnh – nếu có). Còn trong quá trình hoạt động, thì phải góp đủ rồi mới được phép đăng kí tăng vốn. Do đó, DN chỉ bị phạt vi phạm khai khống sau khi thành lập…”- Luật sư giải thích thêm.
Theo Luật Doanh Nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng kí mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng kí mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn và không đăng kí điều chỉnh vốn điều lệ, theo Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về việc Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp, hành vi không đăng kí thay đổi với cơ quan đăng kí kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng kí sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải khắc phục hậu quả, bằng cách đăng kí điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm. |
Nhật Minh
————–
Dân Việt (Kinh tế) 27-02-2020:
(380/1.425)