2.472. Xung quanh vụ việc doanh nghiệp đăng ký 144 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ: Pháp luật “xử” ra sao khi doanh nghiệp thích “nổ”?

(HQ) – Câu chuyện doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn lên tới 144 nghìn tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ của Tập Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), của 4 ngân hàng thương mại lớn nhất nền kinh tế cộng lại… đã làm xôn xao dư luận. Pháp luật quy định vấn đề này ra sao khi người đăng ký thành lập doanh nghiệp mới thích “nổ” vốn lên bao nhiêu tùy thích?

 

Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp không quyết định uy tín kinh doanh. Ảnh: ST.

Nên mừng hay lo?

Tự do kinh doanh là một quyền quan trọng đã được ghi nhận trong hiến pháp, vì thế, chuyện doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp. Các chuyên gia cho hay, nếu như Luật Doanh nghiệp trước kia có điều kiện quy định về vốn pháp định, thì hiện nay vốn pháp định chỉ áp dụng với một số ngành nghề nhất định, ví dụ như kinh doanh ngân hàng, bảo hiểm… Luật Doanh nghiệp hiện nay đã đưa ra tư duy mới về thúc đẩy kinh doanh, giúp phát triển kinh tế tư nhân cũng như cách quản lý nhà nước, làm giảm thiểu tối đa các hàng rào gia nhập thị trường, tạo điều kiện cho thành lập doanh nghiệp được dễ dàng.

Chính vì những quy định này mà trong năm 2019, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 177.560 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với năm 2018 – mức cao nhất so với các năm trước. Đặc biệt, ở giai đoạn 2015 – 2019, tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong năm đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong đó, số vốn đăng ký là trên 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018. Con số này đã giúp số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018. Tiếp đà mạnh mẽ từ năm 2019, trong 2 tháng đầu năm 2020, dù tình hình kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19, cả nước vẫn có 7,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019 với tổng số vốn đăng ký là 220 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), với các doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn, nếu là thông tin doanh nghiệp “nổ” mà không gây thiệt hại thì doanh nghiệp chỉ phải chịu phạt hành chính theo quy định, còn nếu vì mục đích lừa đảo, gây hại thì là vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ sẽ có chế tài xử lý, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, theo Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về việc vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải khắc phục hậu quả bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, nói thêm về hướng xử lý nếu doanh nghiệp “nổ” về số vốn đăng ký thành lập, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, có 3 cách giải quyết cho trường hợp này: Thứ nhất, sửa lại đăng ký doanh nghiệp do nhầm lẫn; thứ hai, làm thủ tục giảm vốn; thứ ba, giải thể doanh nghiệp. Với hai cách đầu, Luật sư Đức cho rằng quy định không rõ, khó thực hiện; giảm vốn thì phải sửa điều lệ, ra nghị quyết. Với cách thứ ba thì doanh nghiệp chưa hoạt động có thể thông báo giải thể được, nhưng vẫn phải làm các thủ tục theo quy định, bởi khi doanh nghiệp thành lập sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ với những bên thứ ba.

Tăng cường giám sát

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dư luận không nên nhìn nhận câu chuyện doanh nghiệp đăng ký vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ là xấu hay tiêu cực, mà có khi phải “vui mừng” vì biết đâu nền kinh tế đang có một doanh nghiệp siêu lớn. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), doanh nghiệp muốn đăng ký như thế nào là quyền tự do kinh doanh của họ, không thể dựa trên số vốn để đánh giá doanh nghiệp này hoạt động mạnh hay yếu.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các cơ quan nhà nước không nên sử dụng vốn đăng ký doanh nghiệp như một con số thành tích, bởi bản chất của vốn đăng ký kinh doanh chỉ là dự định kinh doanh trong giai đoạn đầu, trong chừng mực nào đó có thể dùng để đánh giá xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp theo ngành hàng, địa bàn. Chính vì thế, pháp luật mới đưa ra quy định về thời hạn góp vốn đầy đủ trong 90 ngày. Bởi một doanh nghiệp có nhiều người cùng góp vốn, có người góp bằng tiền, có người góp bằng tài sản, người góp bằng thương hiệu… nên cần có thời gian để họ thu xếp vốn. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thời hạn 90 ngày rất ngắn, nên các cơ quản quản lý cần linh hoạt.

Từ vụ việc nêu trên, các chuyên gia cho rằng, thông qua hệ thống đăng ký quản lý kinh doanh tập trung, cơ quan quản lý có thể giám sát, phát hiện ra những doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ khai báo về vốn không trung thực để thực hiện thanh, kiểm tra. Hơn nữa, Luật sư Trương Thanh Đức cũng lưu ý, trường hợp này là một thực tế để Luật Doanh nghiệp sửa đổi tới đây có những điều chỉnh để không xảy ra những trường hợp “dở khóc, dở cười” như vậy…    

Hương Dịu

—————

Hải quan (Doanh nghiệp) 03-3-2020:

https://haiquanonline.com.vn/xung-quanh-vu-viec-doanh-nghiep-dang-ky-144-nghin-ty-dong-von-dieu-le-phap-luat-xu-ra-sao-khi-doanh-nghiep-thich-no-121329.html

(232/1.190)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,851