(ĐV) – Việc áp dụng chỉ số CPI để tính toán ngưỡng giảm trừ gia cảnh là điều bất hợp lý, dễ ảnh hưởng tới năng suất lao động người dân.
Ngày 3/3/2020, trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính mới công bố có thể dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực bởi cách tính toán đưa ra các con số chưa phù hợp với thực tiễn.
“Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, nhiều người cho rằng mức thuế thu nhập cá nhân trong dự thảo mà Bộ Tài chính công bố thay đổi, nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 11 triệu đồng/ tháng là chưa phù hợp. Nguyên nhân là do cách tính toán chưa hợp lý nếu chỉ dựa trên chỉ số giá tiêu dùng – CPI năm 2019.
Trên thực tế, giá cả tiêu dùng thay đổi theo thời gian và với nhiều mặt hàng lại không trùng khớp với chỉ số CPI mà Bộ Tài chính đưa ra. Vì thế, có nhiều trường hợp người dân thu nhập chưa phải là cao nhưng phải đóng thêm thuế thu nhập cá nhân là cho đời sống của họ càng khó khăn hơn” – bà Tuyết cho biết.
Ngưỡng giảm trừ gia cảnh với người thu nhập 11 triệu đồng/tháng sẽ ảnh hưởng tới năng suất người lao động (Ảnh minh họa). |
Theo ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết, việc áp dụng mức thuế cá nhân không chỉ dựa trên chỉ số CPI mà còn nên dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh. Nếu năm 2010 thu được khoảng 26.000 tỷ thì hiện nay đã đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng 4 lần. Điều này phản ánh thực tế đối tượng chịu thuế suất lớn (số người có thu nhập chịu thuế từ 10 triệu đồng trở lên) đang trở thành số đông.
“Cơ quan thuế cần tính toán cụ thể, áp dụng cả hai chỉ số này vào cách tính thuế thu nhập cá nhân sao cho phù hợp với thực tiễn. Từ đó nâng mức giới hạn thu thuế thu nhập cá nhân để đúng với thực tiễn.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân không đúng có thể dẫn tới hệ quả là mất năng suất lao động. Khi mà nhiều người thu nhập thấp, đời sống không ổn định lại phải chịu thêm những khoản thuế thì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý người lao động và ảnh hưởng tới cả đời sống vật chất của họ.
Thuế thu nhập cá nhân làm sao phải khuyến khích được sức lao động, sáng tạo của người dân chứ không phải làm cho họ chán nản rồi nâng suất lao động giảm đi” – ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, thuế suất thuế thu nhập cá nhân được đề xuất chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và rất cao so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia…
Do đó, ông Đức cho rằng, cần sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu. Làm như thế thì thuế thu nhập cá nhân mới công bằng và bền vững.
“Mức thuế thu nhập cá nhân như hiện nay chưa hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Tôi đề xuất chỉ nên giảm xuống 4 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay, các mức thuế càng ít, càng đơn giản thì càng tốt”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Vân Khánh
————–
Đất Việt (Kinh tế) 04-3-2020:
(160/706)