(HNM) – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh dự kiến sẽ điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên mức 11 triệu đồng mỗi tháng; cùng với đó, mức giảm trừ của người phụ thuộc sẽ điều chỉnh tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về mức giảm trừ mà Bộ Tài chính đưa ra.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục quyết toán thuế năm 2019 tại Chi cục Thuế quận Đống Đa. Ảnh: Đức Anh
Người nộp thuế được lợi, thu ngân sách vẫn tăng…
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực vào tháng 7-2013 nêu rõ, khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, nhằm giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng. So với thời điểm tháng 7-2013, CPI cuối tháng 12-2019 đã tăng 23,2% và đây là lý do để Bộ Tài chính đưa ra dự thảo nghị quyết lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, nhân dân… từ ngày 28-2 đến 14-3. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Nếu kiến nghị được Quốc hội chấp thuận sẽ áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới cho kỳ tính thuế của năm 2020.
Phân tích thêm về việc này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nêu ví dụ: “Đơn cử, người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) phải nộp thuế ở mức 120.000 đồng/tháng thì theo quy định mới sẽ không phải nộp thuế. Người có thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) hiện nộp thuế 490.000 đồng/tháng (tương đương 2,5% thu nhập) thì theo mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ nộp 230.000 đồng/tháng, giảm hơn 48% số thuế phải nộp so với hiện hành”.
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh lên ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, ngân sách sẽ giảm thu hơn 10.000 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, số thuế có thể sẽ sụt giảm không lớn so với tốc độ tăng thu từ thuế thu nhập cá nhân. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế thu nhập cá nhân luôn tăng qua từng năm. Nếu như năm 2016 số thu từ thuế này đạt 49.152 tỷ đồng thì đến hết năm 2019 đạt 79.219 tỷ đồng, tăng hơn 30.000 tỷ đồng. Tổng số người thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân là 4,38 triệu người vào năm 2016 thì đến hết năm 2019 là 6,88 triệu người (trong tổng số 28 triệu người có thu nhập từ tiền lương, tiền công). Cũng theo tính toán của Tổng cục Thuế, trong dự toán ngân sách năm 2019, tổng số tiền thuế thu nhập cá nhân là 113.000 tỷ đồng và con số này theo kế hoạch năm 2020 là 128.600 tỷ đồng (nếu áp dụng điều chỉnh, số thu còn 118.600 tỷ đồng).
Như vậy, có thể thấy nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, những người đang nộp thuế thu nhập cá nhân đều được lợi, đặc biệt là đa số những người đang nộp thuế ở bậc 1 (thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng) – bậc của những người có thu nhập thấp nhất trong xã hội, sẽ không phải nộp nữa trong khi những người nộp thuế ở những bậc tiếp theo (bậc 2 đến bậc 7) cũng đều được giảm số tiền thuế phải đóng. Bên cạnh đó, thu ngân sách từ nguồn này vẫn tăng 5.600 tỷ đồng so với năm 2019.
… Nhưng vẫn cần nâng tiếp mức giảm trừ gia cảnh
Thực hiện tốt chính sách thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần nuôi dưỡng nguồn thu, hướng tới sự công bằng. Ảnh: Đức Anh
Dự thảo nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế thu nhập cá nhân đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Dưới góc độ người nộp thuế, chị Đỗ Thanh Tú (Khu đô thị Royal City, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) cho rằng, người dân mong chờ việc điều chỉnh này đã lâu, bởi thời gian qua, bình quân mỗi năm Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 6,5% và người dân phải được hưởng thành quả này để tích lũy và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhận xét về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu câu hỏi: “Vì sao mức giảm trừ gia cảnh lại không dựa trên mức tăng lương cơ sở?”. đồng thời cho rằng, quy định mức tăng lạm phát trên 20% mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh là chưa hợp lý. Bởi luật đã quy định chỉ thu thuế sau khi bảo đảm đời sống cho người dân, thì mỗi năm khi CPI tăng dù chỉ 2-3%, việc tính thu thuế thu nhập cá nhân cũng phải thay đổi, không cần đợi đến lúc CPI tăng tới 20% mới điều chỉnh.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Quang Tín nhận xét, mức điều chỉnh mà Bộ Tài chính đề xuất chưa tương xứng với sự phát triển của kinh tế và đời sống người dân. Về mặt nguyên tắc, thu nhập chịu thuế phải biến đổi tỷ lệ thuận với mức độ lạm phát. Trong khi lạm phát tính hằng năm, thu nhập đạt ngưỡng chịu thuế lại ấn định trong nhiều năm, khiến thu nhập thực tế của người lao động ngày càng giảm. Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, cần bổ sung những tham số khác liên quan đến cuộc sống của người dân để nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tiễn. Giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc là giải pháp để người dân đạt mức sống tối thiểu, chỉ những thu nhập trên ngưỡng tối thiểu mới bị tính thuế. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng, dịch vụ sinh hoạt phát sinh nhiều cộng với nhu cầu chi tiêu cao, nhưng thu nhập của những người phụ thuộc không tăng, hoặc tăng chậm. Điều này dẫn tới người nộp thuế phải bù thêm chi phí để chăm sóc cho người phụ thuộc, mà không được tính khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng đã làm rõ thêm những băn khoăn liên quan đến đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo bà Vũ Thị Mai, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải căn cứ quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng như các quy định của pháp luật, để bảo đảm công bằng cho người nộp thuế nói chung.
Mới nhất, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Chính phủ trong tháng 3-2020 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người dân.
Đức Anh
————
Hà Nội mới (Kinh tế) 11-3-2020:
(119/1.395)