2.485. Sửa đổi Nghị định 20: Không cho phép hồi tố chẳng khác nào rút “bình oxy” của DN đang “thoi thóp”!

(BĐS) – Sau một “vòng luẩn quẩn” lấy ý kiến Bộ Tư pháp, các tổ chức hội cùng hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính lại vô tư “gạt” điều khoản doanh nghiệp mong chờ nhất ra khỏi bản dự thảo, không cho phép hồi tố.

Kinh doanh đình trệ, thanh khoản thấp, nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, lay lắt sống qua ngày.  Trong bối cảnh đó, hy vọng duy nhất để họ có thể cầm chừng, giải quyết được gánh nặng tài chính là được hồi tố, trả lại khoản thuế lớn đã “nộp oan” do những sai sót của Nghị định 20.

Khó khăn chồng chất, hàng nghìn doanh nghiệp sống mòn chờ “giải cứu”

Bức tranh ảm đạm do vướng mắc thủ tục hành chính khiến nguồn cung khan hiếm, cùng với những diễn biến phức tạp của dịch Corona đã khiến thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2020 gặp khó khăn và có dấu hiệu sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác. Tình hình dịch bệnh cũng đã dẫn đến bức tranh u ám của ngành du lịch nói chung và lưu trú khách sạn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… của tất cả doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ngay cả những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường cũng đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp cho hay, họ đang phải đối mặt với tình cảnh nợ Ngân hàng ngập đầu, không có tiền tiếp tục triển khai dự án, trả nợ cho nhà thầu, sàn môi giới, thậm chí nợ cả tiền lương nhân viên… Nếu không trả được các khoản nợ này thì nhà thầu không thi công tiếp, nợ ngân hàng cũng đến hạn nếu không trả được, ngân hàng xử lý tài sản thế chấp theo quy định.

Chia sẻ trên báo Thanh niên, ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình cho biết, có đến 90% doanh nghiệp địa ốc đã “chết lâm sàng” vì không tiếp cận được vốn và gần như 100% sản phẩm không có thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thoi thóp, “sống không được, chết không xong”.

Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh ngoi ngóp, “sống không được, chết không xong”. Ảnh minh họa.

Trước thực tế này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thay mặt các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế. Cụ thể, kiến nghị ngành Ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú… Như giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát; xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp…

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế GTGT và lùi thời gian nộp thuế.

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.

Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kì của người nộp thuế”. Hiểu đơn giản, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Như vậy, có thể thấy Nghị định 20 sẽ khiến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Với mục tiêu chống chuyển giá, nhưng trên thực tế, việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay đang tác động lớn đến các tập đoàn tư nhân trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản.

Với doanh nghiệp bất động sản, họ cần nguồn vốn rất lớn và hoạt động kinh doanh theo chu kỳ gồm giai đoạn đầu tư, giai đoạn phát triển sản phẩm, giai đoạn bán hàng. Giai đoạn đầu tư ban đầu cần có chi phí lớn trong khi chưa phát sinh doanh thu. Do đó, việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư (với chi phí lãi vay không được vốn hóa) và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Do vậy, theo các doanh nghiệp, trong tình thế khó khăn chồng khó khăn hiện tại, hơn ai hết, họ cần được “giải cứu” ra khỏi “mớ bòng bong” những bất cập liên quan đến chi phí lãi vay của Nghị định 20, khi đã thực sự “thấm đòn”, phải nộp oan hàng tỷ đồng tiền thuế dù doanh nghiệp đang lỗ nặng. Theo đó, việc sửa đổi Nghị định 20 theo hướng khắc phục tối đa những hệ lụy đã “đổ đầu” doanh nghiệp (cho phép hồi tố phần chi phí lãi vay chưa được trừ) sẽ là “bình oxy” giúp các doanh nghiệp đang “thoi thóp” có thể sống sót qua giai đoạn khó khăn này.

Việc sửa đổi Nghị định 20 theo hướng khắc phục tối đa những hệ lụy đã “đổ đầu” doanh nghiệp (cho phép hồi tố phần chi phí lãi vay chưa được trừ) sẽ là “bình oxy” giúp các doanh nghiệp đang “thoi thóp” có thể sống sót qua giai đoạn khó khăn này.

Bộ Tài chính có “bỏ ngoài tai” lời kêu cứu của doanh nghiệp?

“Khống chế lãi vay tại Nghị định 20 chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc này Thủ tướng đã nhắc 3 lần. Tinh thần của Chính phủ vướng đến đâu gỡ đến đấy, không phải chờ sửa luật”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Sau một thời gian dài hàng nghìn doanh nghiệp mong ngóng được gỡ vướng như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo, dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã được Bộ Tài chính hoàn tất.

Tuy nhiên, sau một “vòng luẩn quẩn” lấy ý kiến Bộ Tư pháp, các bộ ngành và các tổ chức hội đặc biệt là kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính lại vô tư “gạt” điều khoản doanh nghiệp mong chờ nhất ra khỏi bản dự thảo: Đó là không cho phép hồi tố. Dù trong các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, những văn bản đề xuất hay những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp lên ngành thuế đều nhất quán một nguyện vọng mong việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 sẽ được áp dụng hồi tố lại cho kỳ tính thuế 2017, 2018.

Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng không hề phản đối hồi tố. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Bộ Tài chính lại lấy ý kiến một đằng, còn “tiếp thu” một nẻo khiến gánh nặng “thuế chồng thuế” của doanh nghiệp bao năm nay vẫn chưa được trút bỏ. Hành động của Bộ Tài chính đang cho thấy sự chậm chạp, gây khó cho doanh nghiệp, không theo tinh thần đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp như Chính phủ đặt ra.

“Lẽ ra sau khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp và thấy hợp lý thì có thể sửa ngay bằng cách kiến nghị dừng áp dụng quy định này cho đến khi thay đổi bằng một Nghị định mới. Không thể chấp nhận việc kéo dài một quy định gây khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ, từ đó khiến kinh tế Việt Nam đi xuống”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc công ty Luật My Way đánh giá, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lâm vào trình trạng khó khăn, phía cơ quan Nhà nước nên có động thái “giải cứu doanh nghiệp”, người mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động với các giải pháp như miễn, giảm thuế, cho phép giãn thời hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội, đơn giản hoá thủ tục hành chính…

“Tuy nhiên, với việc Bộ Tài chính đề xuất chỉ áp dụng Nghị định sửa đổi này từ kỳ tính thuế 2019 thì cá nhân tôi cho thấy phía cơ quan Nhà nước chưa đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Việc lập pháp có thể có sai sót khi ban hành, tuy nhiên việc sửa đổi phải mang tính chất triệt để. Sai từ năm 2017 thì việc áp dụng hồi tố cũng phải áp dụng từ năm 2017, sai ở đâu thì phải sửa ở đó”, luật sư Hồi khẳng định.

Theo các chuyên gia, chi phí lãi vay là chi phí thực của doanh nghiệp nhưng hơn 2 năm qua chưa được công nhận. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản có dự án đầu tư với quy mô vốn lớn, phải đi vay nhiều. Nếu không hồi tố, việc sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp sẽ đi vào bế tắc nhất là trong điều kiện doanh nghiệp vẫn đang cần thêm các gói hỗ trợ từ dịch bệnh như hiện nay.

“Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang xoay sở với những khó khăn mà dịch cúm Covid-19 gây ra, nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 20 không cho hồi tố năm 2017 và 2018 thì quá sốc đối với các doanh nghiệp, dồn họ vào đường cùng. Họ đang muốn “khó thở” thì lăn ra “chết luôn”.

“Việc quy định chỉ cho hồi tố năm 2019 mà không cho áp dụng năm 2017 và 2018 là bất cập, ép doanh nghiệp quá bởi quy định này ban hành và thực hiện từ năm 2017 chứ không phải từ năm 2019. Trong dự thảo cũ, ban soạn thảo đã cho chuyển tiếp những khoản đã thực hiện của năm 2017 và 2018 sang các năm tiếp theo là một cách để giải quyết bất cập và phù hợp với tình hình thực tế, nhưng lại đưa ra phân biệt áp dụng cho doanh nghiệp chưa thanh kiểm tra đã nhận được sự góp ý là phân biệt đối xử trong chính sách. Thế nhưng trong tờ trình mới nhất lại loại bỏ tất cả chứ không riêng gì sự phân biệt đối xử này”, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang chia sẻ với báo chí.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đang mong mỏi ngành thuế có sự sửa đổi thấu đáo hơn để tháo gỡ hàng tỷ đồng tiền thuế đang bị treo từ năm 2017, khi kỳ quyết toán thuế năm 2019 (hạn 31/3/2020) đã đến gần và cộng đồng doanh nghiệp còn đang ngắc ngoải phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do thủ tục hành chính và dịch bệnh.

“Nghị định 20 sửa đổi cần phải áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2017 bởi hiện nay công ty nộp thuế cho kì 2017 – 2018 rất lớn. Phải làm được điều này thì mới gọi là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Đã không phù hợp thì phải sửa để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tránh việc lợi nhuận giảm mà khoản thuế thu nhập phải nộp vẫn lớn hơn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện một Tập đoàn Bất động sản bày tỏ.

Nguyễn Hà

————-

Bất động sản (Tài chính Bất động sản) 12-3-2020:

http://reatimes.vn/khong-cho-phep-hoi-to-chang-khac-nao-rut-binh-oxy-cua-dn-dang-thoi-thop-20200307235238253.html

(87/2.288)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,843