2.487. Sửa quy định giao dịch liên kết: Doanh nghiệp đòi hồi tố

(TL) – Theo nhiều chuyên gia, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 nên được sửa đổi theo hướng cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Việc chỉ nâng trần lãi vay lên 30% trong việc sửa đổi Nghị định 20 là chưa đủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực từ 1/5/2017 và nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp ở những doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi của nghị định này là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Theo đó, Khoản 3 Điều 8 của nghị định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Điều này có nghĩa, nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá mức trần sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Mục đích của quy định này là nhằm chống chuyển giá, trốn thuế thông qua công cụ lãi vay hiện đang rất phổ biến tại các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đặc biệt là khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Sở dĩ phải thực hiện quy định khống chế lãi vay với chi phí lãi vay không được vượt quá 20% lợi nhuận trước thuế, chưa tính lãi vay và khấu hao – (chỉ số Ebitda) là do đây là chỉ tiêu để các doanh nghiệp có thể so sách được với nhau về cơ cấu vốn, tài sản.

Có những doanh nghiệp lãi trước thuế rất cao, nhưng báo cáo tài chính thể hiện doanh nghiệp vẫn lỗ vì khấu hao quá nhiều, vay vốn quá nhiều, dẫn đến kết quả cuối cùng vẫn âm.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp lãi trước thuế, trước khấu hao, trước lãi vay ở mức vừa phải, nhưng do quản trị tài chính tốt, có vốn đầy đủ, cơ cấu tài sản hợp lý, không lãng phí tài sản thì lãi thực của họ rất cao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chi phí của doanh nghiệp về lãi vay khấu hao quá cao là do doanh nghiệp đó đầu tư nhiều tài sản thì khấu hao cao và doanh nghiệp ít vốn, phải vay nhiều, vay nhiều tất yếu phải trả lãi nhiều.

Mặt khác, cần phải hiểu các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, tài sản hữu hình, tài sản vô hình, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.

Các công ty có quan hệ liên kết là thường có mối quan hệ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn vào công ty khác. Các công ty này trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một công ty khác. Hình thức quan hệ liên kết này thường xuất hiện ở các công ty mẹ – con, công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, nếu khống chế trần lãi vay đối với giao dịch liên kết, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ sẽ tái cơ cấu khoản nợ qua ngân hàng trung gian, các công ty liên kết, mẹ con. Kết quả là các công ty này lợi nhuận trước thuế rất cao nhưng sau khi trừ đi lãi vay và các chi phí khác thì lại hạch toán lỗ khiến doanh nghiệp sẽ trốn được thuế.

Chính vì vậy, việc ra đời của Nghị định 20 được nhiều chuyên gia đánh giá là công cụ tốt để có một khung khổ pháp luật ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá và sai lệch kết quả kinh doanh.

Thực tế, kể từ khi thực hiện Nghị định 20 từ 1/5/2017 tới hết năm 2018, đã có khoảng 11.970 đơn vị kê khai quan hệ liên kết. Trong đó, năm 2017 có 6.604 đơn vị và năm 2018 là 7.785 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%. Còn lại 15% là doanh nghiệp trong nước có phát sinh giao dịch liên kết.

Việc thực hiện các quy định về chống chuyển giá theo Nghị định 20 đã giúp cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính thu về ngân sách mỗi năm 11.089 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt là 2.089 tỷ đồng, giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng, giảm lỗ 8.925 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân là 7.732 tỷ đồng.

Gây khó cho doanh nghiệp Việt

Mặc dù mang lại nhiều ý nghĩa tích cực trong việc chống chuyển giá, trốn thuế đối với các công ty nước ngoài, song theo nhiều chuyên gia, quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 lại đang gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là những lĩnh vực đặc thù, cần nguồn vốn lớn như bất động sản.

Nguyên nhân được luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra là do khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.

Do vậy, nếu các cơ quan thuế yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.

Trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các doanh nghiệp Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Đặc biệt, ở nhiều tập đoàn, công ty con do năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn và phân bổ xuống các công ty con. Vì vậy, nếu tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng nên được chấp nhận.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể.

Quy định này đang gây trở ngại cho sự phát triển của các mô hình tập đoàn kinh tế và công ty mẹ – con do hạn chế việc huy động vay vốn từ công ty mẹ và chuyển xuống cho các công ty con vay.

Thực tế sau thời gian triển khai, quy định quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết đang khiến nhiều doanh nghiệp bỗng dưng rơi vào tình cảnh thua lỗ hàng trăm tỉ đồng.

Năm 2018, số thuế thu nhập doanh nghiệp tại các công ty thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải nộp tăng rất nhiều như EVN GENCO 1 nộp thuế tăng khoảng 339 tỉ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỉ đồng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của EVN và các công ty, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cũng chịu lỗ tăng thêm 490,6 tỉ đồng khi thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20. Theo đó, thu nhập doanh nghiệp giảm gần 335,3 tỉ đồng và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 155,5 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cần “sửa sai” toàn diện

Sau hơn hai năm đưa vào thực hiện, trước những khó khăn thấy rõ của doanh nghiệp, Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng một dự thảo tờ trình Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.

Theo văn bản này, cơ quan quản lý thuế đã có một số động thái “sửa chữa” so với quy định hiện hành. Cụ thể là tỷ lệ khống chế đã được điều chỉnh từ 20% lên 30% Ebitda, cho phép tính chi phí lãi thuần và ngoại trừ một số sẽ không áp dụng Nghị định 20 như tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các khoản vốn ODA.

Các chuyên gia cho rằng, động thái này đã phần nào tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và đưa Nghị định 20 hợp lý hơn. Tuy nhiên, việc chỉ nâng trần lãi vay lên 30% là chưa đủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi mà quy định “hồi tố” lại các kỳ tính thuế mà doanh nghiệp đã nộp trước đó đã bị Bộ Tài chính bác bỏ.

Trong khi đó, nghị định này được áp dụng từ năm 2017, chỉ riêng tiền thuế nộp trong hai năm 2017 và 2018 cũng khiến nhiều doanh nghiệp khổ sở, thậm chí từ lãi chuyển sang lỗ vì riêng tiền thuế hai năm cũng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Việc triển khai quy định hồi tố sẽ giúp khôi phục lại những lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường bất động sản cho kỳ tính thuế năm 2017 – 2018.

Theo Bộ Tài chính, lý do khiến bộ này không áp dụng hồi tố về năm 2017 và 2018 là do cơ quan này tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp. Cụ thể, văn bản của cơ quan này cho hay: Bộ Tư pháp đề nghị xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã bỏ quy định hồi tố, theo đó nghị định áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 mà không xác định lại các khoản chi phí lãi vay đã áp dụng theo quy định của Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 cho kỳ tính thuế năm 2017 và 2018.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan này chỉ đưa ra ý kiến đề nghị Bộ Tài chính xác định cơ chế thống nhất chung trong việc thực hiện nội dung Khoản 3 Điều 8 đã sửa đổi cho năm 2017, 2018 mà không phân biệt những trường hợp đã thanh tra, kiểm tra xác định chi phí lãi vay hay chưa thanh tra, kiểm tra chi phí lãi vay.

Bộ Tư pháp không hề bác bỏ quy định hồi tố trong văn bản góp ý với Bộ Tài chính mà chỉ cân nhắc lại việc phân biệt những trường hợp đã thanh tra với trường hợp chưa thanh tra. Song, cơ quan thuế lại dựa vào điều này để bỏ luôn quy định hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018, chỉ áp dụng hồi tố cho năm 2019.

Nhiều chuyên gia cho rằng, song song với sửa trần lãi vay 30%, Bộ Tài chính cần áp dụng tính hồi tố về năm 2017 – thời điểm ban hành nghị định. Nếu không bỏ quy định cho phép hồi tố sẽ dẫn đến mọi cố gắng kiến nghị của doanh nghiệp trở nên vô ích, các doanh nghiệp đã tiên phong, nghiêm túc thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo Nghị định 20 sẽ mất đi một lượng lớn tiền thuế đã nộp.

Hơn nữa, cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 đến nay nhằm giảm bớt những khó khăn về tài chính mà các doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp khó khăn trong dịch Covid-19.

Trên Reatimes, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, nên cho phép hồi tố số tiền thuế đã nộp trong năm 2017 và 2018 bởi thời điểm hiệu lực của Nghị định 20 là từ năm 2017, do đó, doanh nghiệp không được khấu trừ phần chi phí lãi vay này khi tính thuế trong hai năm đã phải trả nhiều thuế hơn. Có doanh nghiệp thậm chí phải trả thêm vài chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Điều này là thiếu công bằng so với năm 2019, năm dự kiến bắt đầu được tính theo tỷ lệ mới là 30% và thiếu công bằng so với các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, nếu cho áp dụng hồi tố sẽ giảm bớt tình trạng “thuế chồng thuế”, do bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế đó do không được hồi tố.

Cũng theo ông Lực, về mặt kỹ thuật, việc hồi tố hai năm không phức tạp vì có thể trừ trực tiếp từ tiền nộp thuế năm 2019. Trường hợp, số thu ngân sách Nhà nước thấp hơn số bồi hoàn năm nay, thì có thể để trừ trong năm tới hoặc bồi hoàn luôn. Nguồn thanh toán số tiền bồi hoàn có thể lấy từ phần trừ trực tiếp tiền nộp thuế năm 2019 như nêu trên.

Số tiền thuế nộp thừa cũng có thể được hiểu là “số tiền thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số tiền thuế doanh nghiệp bị tính thừa” nên có thể vận dụng các điều quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành.

Việc không cho áp dụng hồi tố thể hiện tính thiếu nhất quán trong áp dụng của cơ quan quản lý của Bộ Tài chính. Bộ này đã cho phép Nghị định 20 sửa đổi được áp dụng từ năm 2019 thì không có lý do gì lại không cho hồi tố về năm trước đối với các doanh nghiệp đã nộp khoản thuế đó, ông Lực nhấn mạnh.

An Chi

————–

Nhà quản trị (Tài chính) 16-3-2020:

https://theleader.vn/sua-quy-dinh-giao-dich-lien-ket-doanh-nghiep-doi-hoi-to-1583906446716.htm

(297/2.789)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,843