Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp theo cách này, ngân hàng phải giảm các yêu cầu về khoản vay, giãn nợ, cơ cấu nợ, từ đó có thể phát sinh rủi ro với hoạt động ngân hàng và không loại trừ nguy cơ trục lợi chính sách.
Đã và đang triển khai nhiều giải pháp
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 0,1% trong 2 tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng 0,85% của cùng kỳ năm trước. Báo cáo từ 23 tổ chức tín dụng (TCTD) gửi lên NHNN cho thấy, hiện có 926.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 14,27% tổng dư nợ của 23 tổ chức này và chiếm 11% dư nợ toàn hệ thống.
Trong đó, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề nhất tới các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục… Hệ thống TCTD đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với dư nợ 85.000 tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, từ khi dịch bắt đầu được phát hiện đến nay, các ngân hàng, TCTD đã trách nhiệm và có biện pháp triển khai quyết liệt, cụ thể chỉ đạo phòng chống dịch trong nội ngành; đánh giá, xem xét tình hình khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Qua đó cho thấy trách nhiệm của NHNN là rất lớn trong việc hưởng ứng tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Mới đây, để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đã ban hành thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Thông tư quy định nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi. TCTD có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó phải có tiêu chí khách hàng bị sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.
Về miễn, giảm lãi, phí, thông tư quy định TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng.
Thông tư cũng quy định TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần đây nhất trước ngày 23/1/2020 trong thời gian cơ cấu lại (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này) đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi.
TCTD có trách nhiệm phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của thông tư để thực hiện thống nhất toàn hệ thống; đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
NHNN cho rằng, văn bản này tạo cơ chế thuận lợi nhất để các ngân hàng chủ động quyết định trong việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí… thay vì có kèm nhiều điều kiện, tiêu chí gò bó như một số cơ chế chính sách liên quan đến hỗ trợ, ưu đãi trước đây. Thông tư cũng đặt ra các nội dung về việc đảm bảo chính sách ưu đãi đúng đối tượng, tránh việc lợi dụng làm sai chính sách.
Hạn chế trục lợi chính sách bằng cách nào?
Bình luận về việc ban hành thông tư này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVi cho rằng: “hoạt động cho vay là nghiệp vụ của ngân hàng với các tiêu chuẩn định lượng cụ thể về kiểm soát rủi ro khoản vay, quản trị hoạt động cho vay. Do đó, việc kêu gọi ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết trong chừng mực có thể “co kéo” của ngân hàng hàng. Tuy nhiên, không nên ép buộc các TCTD thực hiện khi chính bản thân họ cũng đang gặp không ít khó khăn”.
Theo đó, nếu doanh nghiệp có tiềm năng trả nợ, các ngân hàng sẽ cho vay bởi ngân hàng cũng cần sinh lời từ đồng vốn của mình. Còn trong trường hợp triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp kém, việc cho vay gượng ép sẽ có thể để lại gánh nặng cho ngân hàng.
Xem xét từ góc độ rủi ro trục lợi chính sách, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, việc lợi dụng chính sách này hoàn toàn có thể xảy ra từ cả ngân hàng và doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có khoản vay đã đến hạn trả nợ nhưng vin vào lý do dịch bệnh và xin gia hạn trả nợ dù họ không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, ngân hàng cũng có thể dựa vào việc cho phép gia hạn, giữ nhóm nợ để cơ cấu lại nợ qua đó giữ nguyên hoặc giảm nợ xấu và giảm mức trích lập dự phòng rủi ro.
Dù vậy, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách là có thể thực hiện được bằng cách yêu cầu các TCTD báo cáo NHNN cụ thể về số lượng, hạn mức, lý do thực hiện gia hạn, chuyển nhóm với từng khoản vay cụ thể, sau đó NHNN thực hiện thanh kiểm tra. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, NHNN chưa hẳn đã đủ nguồn lực để thực hiện việc này mà có thể phải áp dụng hình thức thanh kiểm tra ngẫu nhiên hoặc theo phương pháp chọn mẫu, nhưng cách làm vậy cũng chỉ áp dụng được với một tỷ lệ không lớn và hơn hết là phải dựa vào sự tin tưởng với các TCTD.
Mặt khác, theo vị chuyện gia này, việc hỗ trợ tín dụng này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh trước mắt. Vài tháng nữa mọi chuyện sẽ trở lại bình thường và các doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ đủ khả năng trả nợ. Song thực tế, không ai dám nói trước được diễn biến dịch bệnh và mức độ tác động, bao nhiêu doanh nghiệp có thể hồi phục được, bao nhiêu doanh nghiệp đã được hỗ trợ vẫn không thể gượng dậy. Khi đó, nợ xấu sẽ càng “xấu” và trở thành gánh nặng với TCTD.
Theo ông Hiếu, phần lớn khó khăn của doanh nghiệp hiện nay không xuất phát từ chuyện tiền tệ mà là thị trường hàng hóa dịch vụ. Do đó, nếu gỡ được chuyện thị trường thì tự khắc doanh nghiệp sẽ ổn. “Doanh nghiệp đừng trông mong quá nhiều vào giải pháp hỗ trợ tín dụng mà nên kỳ vọng vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cùng với các chính sách về cải cách thủ tục hành chính” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Thanh An
————-
Thời báo Tài chính Việt Nam (Ngân hàng) 17-3-2020: