(ANTĐ) – Ngân hàng Nhà nước vừa đề xuất đã bổ sung thêm một số quy định về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán trong các trường hợp như tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật hoặc trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm cho người khác.
Đây là quy định được NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Giúp khách hàng lấy lại tài sản khi chuyển khoản nhầm
Theo đó, tài khoản có thể bị phong tỏa trong các trường hợp như tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có thể phong tỏa tài khoản khi phát hiện có nhầm lẫn, sai sót ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Theo NHNN, quy định này nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.
Trong các trường hợp này, tài khoản sẽ được chấm dứt phong tỏa khi có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán không gian lận hoặc vi phạm pháp luật; Khi đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền…
NHNN cũng quy định việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chuyên gia nói: Cần thận trọng!
Về đề xuất của NHNN nêu trên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc. Bởi đây cũng chính là một trường hợp trước đây đã từng được quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, tuy nhiên, sau đó, nó đã bị bãi bỏ theo quy định tại khoản 6, Điều 1 của Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP.
NHNN cho rằng quy định phong tỏa tài khoản khi chuyển khoản nhầm nhằm bảo vệ khách hàng
Đặc biệt, vị luật sư cho rằng cơ quan soạn thảo cần thận trọng khi quy định điều này để tránh tình trạng bị lợi dụng gây rủi ro rất lớn cho các bên liên quan. Chẳng hạn như bên thanh toán đã chuyển tiền thành công, bên bán hàng hoàn toàn tin tưởng giao hàng, nhưng sau đó bất cứ khi nào cũng có thể bị phong tỏa tài khoản và không nhận được tiền.
Theo ông Đức, quy định này có thể là nhằm mục đích tốt, hỗ trợ khách hàng chuyển tiền nhầm lẫn (không phải lỗi của ngân hàng), khó khăn, thậm chí không thu hồi được tiền đã xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, quy định này chỉ hợp lý trong trường hợp ngăn chặn tội phạm thực sự hoặc cùng lắm là khi đã thực hiện lệnh chuyển khoản nhưng tiền vẫn chưa chuyển sang tài khoản của ngân hàng khác.
Vì vậy, theo ông cần bỏ quy định này hoặc diễn giải một cách cụ thể, để có thể bảo vệ được bên này nhưng đồng thời tránh gây rủi ro cho bên kia. Nhất là về nguyên tắc, thì việc rủi ro khi chuyển khoản nhầm lẫn thì đã có quy định khác của pháp luật xử lý, ví dụ như các quy định của pháp luật dân sự, hành chính và hình sự cũng đã quy định: chủ tài khoản nhận được tiền do người khác chuyển đến nhầm là hành vi “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật” và người chuyển nhầm “có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.
Thứ hai, chủ tài khoản nhận được tiền do người khác chuyển đến nhầm mà không trả lại thì sẽ bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng về hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ ba, chủ tài khoản nhận được tiền trong trường hợp trên mà cố tình không trả lại đối với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy tố với mức hình phạt tiền từ 10 – 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Hà Loan
————-
An ninh thủ đô (Kinh doanh) 12-12-2019:
(520/883)