(DT) – Bộ Tài chính vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm không hồi tố khoản thuế liên quan đến trần lãi vay trong giai đoạn 2017-2018, mặc dù đa số thành viên Chính phủ đồng ý quy định hồi tố.
Nhưng ít nhất có hai lý do Bộ này đưa ra, mà theo các chuyên gia là không hợp cả tình và lý.
Không tự tin quản lý được tiêu cực nên né trách nhiệm?
Sau khi tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo sửa đổi khoản 3, điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP, mới đây Bộ Tài chính đã có công văn giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ đồng ý được tính theo lãi vay thuần và mức khống chế nâng từ 20% lên 30%, đồng thời cho doanh nghiệp được chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm kế tiếp nêu EBITDA âm.
Tuy vậy, văn bản sửa đổi sẽ chỉ được áp dụng từ kỳ quyết toán thuế 2019, trong khi mong mỏi của doanh nghiệp là được hồi tố về năm 2017, 2018 bởi từ khi ban hành đến nay, quy định đã khiến nhiều đơn vị kiệt sức vì phải cõng số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng vọt. Có thể nói, các DN mong được hồi tố “như nắng hạn chờ mưa”, nhưng một lần nữa lại bị Bộ Tài chính nói “không”, mặc dù đại đa số thành viên Chính phủ đã đồng thuận việc này.
Để lý giải, Bộ viện dẫn lý do, trong trường hợp hồi tố có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp, không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng lập luận này của Bộ giống như đang né tránh trách nhiệm quản lý của mình, bởi tiêu cực hay không, hoàn toàn do cán bộ ngành “quyết định” chứ không phải lỗi của DN.
“Lý do Bộ đưa ra như vậy không đúng vì cán bộ thuế có trách nhiệm phân xử cuối cùng. Nếu ngành thuế làm đúng trách nhiệm quản lý, minh bạch, hoàn toàn không thể xảy ra việc xin – cho và lợi ích nhóm”, một chuyên gia tài chính (xin giấu tên) nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói, nếu cứ trên sổ sách mà đối chiếu thì làm sao có việc xin cho.
“Số thuế từng doanh nghiệp đã nộp mỗi năm không thể sửa lại vì đã lưu vào sổ sách kế toán, nộp cho Nhà nước. Việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các doanh nghiệp chứ không phải là ưu đãi theo từng trường hợp cụ thể nào. Điều này rất khách quan nên chúng ta không sợ xin cho. Chúng ta không nên tư duy đẩy cái khó, cái khổ về phía doanh nghiệp được. Rõ ràng công tác quản lý thuộc về các cơ quan nhà nước còn việc bồi hoàn cho doanh nghiệp là việc cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hiếu phân tích.
Khoản hồi tố gần 5.000 tỷ đồng có thể khấu trừ hàng năm, không ảnh hưởng tới ngân sách
Một lý do nữa được Bộ Tài chính đưa ra để bảo lưu quan điểm không ủng hộ hồi tố, đó là nếu hồi tố sẽ không có nguồn hoàn trả số tiền 4.875 tỷ đồng.
Về vấn đề này, theo các chuyên gia luật và kinh tế, có thể thực hiện rất dễ dàng bằng việc khấu trừ dần vào khoản thuế DN sẽ nộp các năm tiếp theo. Khi đó, việc hồi tố sẽ hoàn toàn không tạo áp lực lên ngân sách.
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong trường hợp này, số tiền thuế đã nộp có thể được hiểu là “số tiền thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số tiền thuế doanh nghiệp bị tính thừa” nên có thể vận dụng các điều quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành.
Đồng ý kiến, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ, việc khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm sẽ giúp ngân sách không cần bố trí ngay một khoản hàng nghìn tỷ, không cần quyết toán lại ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi ích chính đáng. Đây là giải pháp vẹn cả đôi đường.
Ở góc độ người nghiên cứu về Luật, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu quan điểm, một khi cơ quan quản lý Nhà nước đã xác định đây là quy định bất hợp lý (trần 20%) và đã sửa thì cần phải cho hồi tố để thể hiện trách nhiệm sửa sai đến cùng.
Việc hối tố cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý. Điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 quy định, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức nhân, văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).
Trong khi đó, thực trạng khó khăn do dịch Covid-19 hiện tại chính là thời điểm phù hợp để áp dụng hồi tố. Việc hồi tố ở đây không phải dành cho lợi ích của một hay một nhóm doanh nghiệp nào mà đó là lợi ích chung cả cả xã hội. Hạn chế chi phí lãi vay được khấu trừ 3 năm qua đã giáng đòn đau khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế phát triển, mất cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế. Ở thời điểm cả nền kinh tế đang lao đao vì dịch bệnh, nếu tiếp tục chậm trễ, hàng ngàn doanh nghiệp các ngành nghề, hàng vạn người lao động sẽ không còn đất sống.
Hiện Chính phủ đã có các gói hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc sửa đến cùng nghị định 20 sẽ là một chính sách quan trọng với doanh nghiệp trong nước. Xin đừng vì những nỗi lo trách nhiệm mà đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, để lại những hệ lụy khó cứu vãn cho cả nền kinh tế!
Hà Nguyễn
—————
Dân trí (Kinh doanh) 02-4-2020:
(126/1.105)