(CF) – Hạn quyết toán thuế năm 2019 đã qua, tuy nhiên, điều cộng đồng doanh nghiệp mòn mỏi chờ 3 năm nay là được cởi trói khỏi quy định khống chế trần chi phí lãi vay theo khoản 3 điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP vẫn chưa được dỡ bỏ theo mong muốn.
Nghị định 20 từ khi ra đời năm 2017 đã trở thành nỗi “ám ảnh” thường trực với doanh nghiệp mỗi kỳ quyết toán thuế, bởi quy định khống chế trần chi phí lãi vay được tính làm chi phí hợp lý. Với các doanh nghiệp trong nước, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là công cụ không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc đang có những dự án đầu tư lớn, chưa sinh lời ngay, do đó, Nghị định 20 như một đòn giáng mạnh.
Chính bởi sự bất cập như vậy, rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp, công văn của Hiệp hội đã được gửi lên Bộ Tài chính ròng rã 3 năm qua. Thậm chí, lãnh đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam còn đăng đàn trước Quốc hội để nói về điều 3 khoản 8 Nghị định 20.
Nhờ tiếp thêm lực từ chính yêu cầu của Chính phủ, đến cuối năm 2019, Bộ Tài chính bắt tay vào sửa Nghị định. Theo đó, Bộ đồng ý được tính theo lãi vay thuần và mức khống chế nâng từ 20% lên 30%, đồng thời cho doanh nghiệp được chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm kế tiếp nêu EBITDA âm.
Tuy vậy, văn bản sửa đổi sẽ chỉ được áp dụng từ kỳ quyết toán thuế 2019, trong khi Nghị định đã có hiệu lực từ năm 2017. Động thái không cho phép hồi tố khá khó hiểu khi trước đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến các thành viên Chính phủ thì đa số đã đồng thuận cho phép hồi tố, bởi điều này thể hiện quan điểm đã sửa thì phải sửa tận gốc.
Một trong những điều Bộ Tài chính lấy lý do là việc hồi tố sẽ khiến ngân sách phải hoàn trả khoảng 4.875 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Luật Quản lý thuế hiện hành, doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì sẽ được trừ vào tiền thuế phải nộp của những lần kế tiếp. Do đó, ngành thuế có thể khấu trừ dần khoản thuế mà doanh nghiệp đã nộp năm 2017, 2018 vào những kỳ nộp thuế sau, khi đó sẽ không ảnh hưởng đến quyết toán ngân sách các năm 2017, 2018, không phát sinh việc hoàn trả thuế từ ngân sách và đặc biệt không cần phải bố trí nguồn thu để bù đắp.
“Việc khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm sẽ giúp ngân sách không cần bố trí ngay một khoản hàng nghìn tỷ, không cần quyết toán lại ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi ích chính đáng. Việc này hoàn toàn không có gì khó khăn”, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi cơ quan quản lý Nhà nước đã xác định đây là quy định bất hợp lý và đã sửa (nâng trần 20% lên 30%) thì cần phải sửa sai đến cùng bằng cách hồi tố.
Việc hối tố cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý. Điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 quy định, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức nhân, văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).
Có thể nói, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải gồng mình chống chọi với dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, việc sửa tận gốc Nghị định 20 – cho phép hồi tố về năm 2017, 2018 không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn thể hiện trách nhiệm trả lại công bằng cho doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng bởi điều khoản này suốt 3 năm qua. Việc hồi tố ở đây không phải dành cho lợi ích của một hay một nhóm doanh nghiệp nào mà rõ ràng là lợi ích chung cả cả xã hội.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình nhận định “Hồi tố mới là minh bạch”. Theo ông, khi quyết toán, cơ quan thuế đã tính rõ những khoản phải nộp của doanh nghiệp và mọi thứ được lưu lại trong biên bản thuế. Bởi vậy, doanh nghiệp nếu trong diện bồi hoàn chỉ cần mang biên bản thuế tới cơ quan chức năng để được nhận lại số tiền chênh lệch.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ đồng tình với cách nhìn nhận này. Theo ông, việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các doanh nghiệp chứ không phải ưu đãi theo từng trường hợp cụ thể nào để tạo kẽ hở xin cho. Điều này rất khách quan bởi số thuế từng doanh nghiệp đã nộp mỗi năm không thể sửa lại đã lưu vào sổ sách kế toán.
Ngày hôm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp sức khi Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến và bổ sung thêm các đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, nâng gói hỗ trợ doanh nghiệp từ 80.000 tỷ đồng lên khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với trước). Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã được củng cố, thể hiện qua việc Vn-Index tăng 21,57 điểm trong phiên cuối tuần, lên 701,8 điểm. Và giờ đây, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong chờ Nghị định 20 sẽ được sửa tận gốc, tháo bỏ nút thắt để doanh nghiệp có thể tiếp tục nuôi hy vọng sống sót sau đại dịch.
Trương Lương (Theo Trí thức trẻ)
—————-
CafeF (Doanh nghiệp) 04-4-2020:
(48/1.051)