2.498. Sửa Nghị định 20/2017: Nhiều ý kiến đề nghị cho “hồi tố”

(NH) – “Trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn, Chính phủ cũng đưa nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tôi cho rằng Bộ Tài chính nếu thay đổi nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% thì phải áp dụng hồi tố luôn từ khi Nghị định 20 có hiệu lực là trong hai năm 2017 – 2018. Phương pháp có thể thực hiện với những DN đã bị thu thuế là cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tháo gỡ… một nửa

Quy định khống chế trần chi phí lãi vay 20% tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành nhằm mục tiêu ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế tại các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, kể từ khi chính thức được áp dụng (từ ngày 1/5/2017) đến nay, quy định này cũng khiến không ít DN trong nước bị vạ lây khi phải gánh thêm số thuế không nhỏ.

Còn nhớ thời điểm năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng kiến nghị với Bộ Tài chính rằng, quy định này khiến số thuế thu nhập DN của các công ty thành viên phải nộp tăng rất nhiều, chẳng hạn như EVN GENCO 1 nộp thuế tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng…

Quy định trần chi phí lãi vay chỉ nên áp dụng với DN FDI

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng việc khống chế trần chi phí lãi vay 20% là không có cơ sở thuyết phục và chưa tính đến đặc thù của Việt Nam, do DN Việt Nam luôn phải vay nợ nhiều và thị trường trái phiếu chưa phát triển mạnh như các quốc gia trên thế giới. “Việt Nam nên quy định trần chi phí lãi vay khoảng 28-30% theo khuyến nghị của OECD và hiện nhiều nước đang quy định ở mức 30%”,TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quy định này vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ sản xuất kinh doanh của DN…

Những tưởng những bất cập này đã được giải quyết khi mà tại dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và đề xuất nâng trần chi phí lãi vay lên 30%. Thế nhưng những bức xúc của DN mới chỉ được tháo gỡ… một nửa khi mà dự thảo Nghị định sửa đổi bỏ quy định hồi tố, có nghĩa trần chi phí lãi vay 30% sẽ chỉ được áp dụng từ kỳ quyết toán thuế 2019.

Trong khi đó mong mỏi của DN là được hồi tố về năm 2017, 2018 bởi từ khi ban hành đến nay, quy định đã khiến nhiều đơn vị kiệt sức vì phải cõng số thuế thu nhập DN tăng vọt.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong trường hợp hồi tố có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp, không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực. Một lý do nữa được Bộ Tài chính đưa ra để bảo lưu quan điểm không ủng hộ hồi tố, đó là nếu hồi tố sẽ không có nguồn hoàn trả số tiền thuế 4.875 tỷ đồng cho DN. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cách giải thích này của Bộ Tài chính là không hợp lý và đang né tránh trách nhiệm quản lý của mình.

Hồi tố không khó

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi cơ quan quản lý Nhà nước đã xác định đây là quy định bất hợp lý và đã sửa (nâng trần 20% lên 30%) thì cần phải sửa sai đến cùng bằng cách hồi tố. Mặt khác, số tiền thuế đã nộp có thể được hiểu là “số tiền thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số tiền thuế DN bị tính thừa” nên có thể vận dụng các điều quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cũng cho rằng, Bộ Tài chính không nên đẩy cái khó, cái khổ về phía DN. Rõ ràng công tác quản lý thuộc về các cơ quan nhà nước còn việc bồi hoàn cho DN là việc cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho DN.

“Trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn, Chính phủ cũng đưa nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tôi cho rằng Bộ Tài chính nếu thay đổi nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% thì phải áp dụng hồi tố luôn từ khi Nghị định 20 có hiệu lực là trong hai năm 2017 – 2018. Phương pháp có thể thực hiện với những DN đã bị thu thuế là cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia này, việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các DN chứ không phải là ưu đãi theo từng trường hợp cụ thể nào. Điều này rất khách quan nên chúng ta không sợ xin cho.

Về dài hạn, chỉ nên áp dụng quy định trần chi phí lãi vay đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài chứ không phải áp dụng chung cho tất cả DN.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Liên quan đến “lo ngại” không có nguồn hoàn trả số tiền 4.875 tỷ đồng của Bộ Tài chính, giới chuyên gia cho rằng, khoản hồi tố này có thể khấu trừ hàng năm, không ảnh hưởng tới ngân sách. Theo đó, số tiền này sẽ được khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm nên ngân sách không cần bố trí ngay một khoản hàng nghìn tỷ, không cần quyết toán lại ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện cho DN hưởng lợi ích chính đáng. “Việc này hoàn toàn không có gì khó khăn”, một chuyên gia cho biết.

Trong văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đề nghị, để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tổn thất của DN, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tạo động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các DN đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quy định hiệu lực hồi tố cho Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20. Theo đó trần lãi vay 30% cần được áp dụng các kỳ tính thuế năm 2017, 2018, 2019 đối với tất cả các DN (không phân biệt DN đã qua thanh tra, kiểm tra thuế hay chưa); cho phép DN chuyển phần chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo quy định tại Nghị định 20 sang kỳ sau, thời gian chuyển có thể xem xét và 5 năm kể từ sau kỳ bị loại, phù hợp với quy định về kỳ chuyển lỗ.

Thậm chí, theo luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty luật Bái co, quy định về chi phí tính lãi vay không đạt được mục đích ban đầu của Nghị định 20 là nhằm chống chuyển giá, mà đã quay lại đánh vào DN Việt, tạo nên sự bất thường về khía cạnh kinh doanh và các logic trong kinh doanh. Vì vậy việc nới trần chi phí lãi vay lên 30% thì cũng không giải quyết được vấn đề.

“Bất cập ở đây là đánh nhầm đối tượng. Đây là quy định hướng đến mục đích chống chuyển giá, như vậy thì nên hướng đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn các DN liên kết trong nước thì không nên đặt vấn đề này ra. Với DN trong nước thì đã có Luật Thuế thu nhập DN, chi phí nào được chấp nhận, chi phí nào không thì luật này đã làm rất tốt vai trò của mình rồi. Cho nên nếu đặt ra các quy định này nữa thì rất bất thường cho các DN Việt Nam”, luật sư Hải khẳng định.

Mai Ngọc

————-

Thời báo Ngân hàng (DN – DN) 08-4-2020:

https://thoibaonganhang.vn/sua-nghi-dinh-202017-nhieu-y-kien-de-nghi-cho-hoi-to-100142.html

(95/1.430)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,842