Trạm thu phí Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây |
Vụ cướp tiền vào sáng ngày 7/2/2019 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi) tại Trạm thu phí Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây đã khiến dư luận quan tâm đến doanh thu thu phí của tuyến cao tốc này nói riêng và tính minh bạch trong công tác thu phí của các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác nói riêng.
Trước các thông tin lo ngại về việc tiền nhà nước chảy vào túi cá nhân, VEC đã ra thông cáo báo chí cho biết, việc thu phí tại 4 tuyến đường cao tốc gồm Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây được VEC giao cho các đơn vị thành viên là CTCP Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), CTCP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S) CTCP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E).
Việc quản lý, sử dụng tiền thu phí các dự án đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý được thực hiện theo phương án tài chính các dự án được phê duyệt, trong đó tiền thu phí đường cao tốc được ưu tiên dành để trả nợ các khoản vay, chi phí cho công tác quản lý, bảo trì, thu phí đường cao tốc.
Việc giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí được VEC thực hiện 24/24 giờ, qua nhiều khâu, nhiều bộ phận, từ giám sát trực tiếp tại hiện trường, giám sát qua màn hình khổ lớn, đến giám sát qua hệ thống camera và phần mềm giám sát, cũng như bố trí bộ phận hậu kiểm rà soát, kiểm tra lại…
Sự đúng sai của những nghi vấn cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ, song vụ việc này một lần nữa làm dấy lên ý kiến về tính hiệu quả của doanh nghiệp.
VEC ban đầu có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động theo hình thức vừa đầu tư, vừa quản lý, khai thác. Ưu điểm của mô hình này là tiếp cận được các nguồn vốn vay không ưu đãi của các tổ chức tín dụng nước ngoài. Chính phủ đánh giá mô hình doanh nghiệp như VEC sẽ góp phần làm giảm gánh nặng nợ công, giúp Nhà nước ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc có hiệu quả tài chính không cao, nhưng phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng, kinh tế – xã hội…
Tuy nhiên, sau hơn chục năm hoạt động, VEC rơi vào tình trạng nợ nần. Nhà nước đang phải gánh nợ cho VEC hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo các dữ liệu mới nhất, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của VEC lên tới 54 lần. Điều này khiến VEC gặp vướng mắc về cơ chế vay lại, không được bảo lãnh phát hành trái phiếu, việc huy động nguồn vốn cho các dự án rất khó khăn. Do đó, tại Quyết định 2393 ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC từ 1.000 tỷ đồng đến năm 2019 sẽ tăng lên 72.602 tỷ đồng (chuyển nợ thành vốn), giúp VEC có nguồn lực để tiếp tục huy động vốn đầu tư các tuyến đường cao tốc.
Ngoài nợ, kết quả kinh doanh của VEC cũng bết bát. Đến nay, tuy kết quả năm 2018 chưa được VEC công bố, nhưng nếu có diễn ra theo đúng kế hoạch thì cũng chỉ lãi vỏn vẹn 300 triệu đồng. Từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 200-300 triệu đồng mỗi năm. Bởi vậy, trong Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020 mà Bộ Giao thông – Vận tải đã phê duyệt cũng chỉ nêu các chỉ tiêu như doanh thu tăng trưởng bình quân hàng năm là 10%; thu nhập bình quân của người lao động tăng trưởng hàng năm từ 5-10%, mà không đặt ra mục tiêu lợi nhuận.
Nguồn thu của VEC ổn định và chỉ có tăng lên chứ không giảm, tại sao chi phí quản lý của VEC lại rất cao, hiệu quả hoạt động không cải thiện? Đây là câu hỏi cần được sớm giải đáp.
Từ tháng 11/2018, VEC đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, có lẽ VEC chưa kịp quán triệt “chiếc áo” cơ quan chủ quản mới nên trong các tài liệu phát ra gần đây vẫn thể hiện cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông – Vận tải. Trong khi đó, đặt câu hỏi với đơn vị chức năng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rằng tới đây cơ chế quản lý VEC và trực tiếp VEC có gì mới, giới báo chí chưa nhận được câu trả lời.
Giới chuyên gia như luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thì nêu quan điểm, không giống các doanh nghiệp khác, VEC được Nhà nước hỗ trợ tối đa, lời ăn, còn lỗ nhà nước chịu. Việc được hưởng quá nhiều ưu ái về cơ chế, chính sách, theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” sẽ làm phát sinh nguy cơ không minh bạch và không hiệu quả.
——————
Báo đầu tư (Doanh nghiệp) 15-02-2019:
Cần xem xét cơ chế con cưng dành cho VEC (baodautu.vn)
(67/1.020)