(CAND) – Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi đối với Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến mức độ mở cửa của một số ngành dịch vụ, đặc biệt là tài chính ngân hàng.
Tuy nhiên, CPTPP với mức độ cam kết cao được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích, trong đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, CPTPP sẽ mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài; áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư; đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.
Hiệp định CPTPP với mức độ cam kết cao được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích, trong đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính. |
Đặc biệt, so với cam kết WTO, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới như mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; dành quy chế đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới…
Như vậy, “tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP rất cao, dù các nước thành viên được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình. Việt Nam cũng như các nước được áp dụng các ngoại lệ cần thiết, gồm các biện pháp thận trọng bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, an toàn”, ông Phong nói.
Theo các chuyên gia, thực thi CPTPP cũng đặt ra thách thức với nhiều vụ việc cạnh tranh có tính chất phức tạp, hành vi phản cạnh tranh đa dạng và tinh vi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng trong thời gian tới.
Đồng thời, thách thức cũng đến từ những hạn chế của Việt Nam như: Thị trường vốn có quy mô còn quá nhỏ, thanh khoản yếu, thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn lớn…
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt với sự tham gia của khối ngân hàng ngoại, các quỹ đầu tư nước ngoài, đến từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Australia, Singapore… Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Thêm vào đó, các điều khoản về dịch vụ tài chính trong CPTPP cho phép các ngân hàng của các nước thành viên được cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng xuyên biên giới, nghĩa là ngân hàng tại Nhật Bản có thể cung cấp dịch vụ về thẻ, thanh toán… cho người dân Việt Nam mà không cần có chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam thì thách thức cạnh tranh về dịch vụ tài chính – ngân hàng lại càng gia tăng mạnh mẽ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, do nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn, giao thương quốc tế nhiều hơn, nên ngân hàng sẽ có thêm cơ hội gia tăng quy mô, số lượng và giá trị cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đồng thời cũng đối mặt với thách thức cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài, kể cả hiện diện và không hiện diện tại Việt Nam.
Trong khi đó, hiện nay, với hệ thống công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, các ngân hàng nước ngoài đang có lợi thế cạnh tranh cao hơn các NHTM trong nước.
Theo đó, “các ngân hàng buộc phải chủ động chấp nhận hội nhập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư công nghệ, giải pháp hiện đại để có thể cạnh tranh. Nếu không các NHTM Việt Nam có thể bị thâu tóm và nguy cơ thua trên sân nhà hoàn toàn có thể xảy ra”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
——————
Công an nhân dân (Kinh tế) 16-02-2019:
(195/873)