(SKCĐO) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI con số nợ công bao nhiêu phần trăm không quan trọng mà với một nền kinh tế như Việt Nam cần phải nhìn vào khả năng trả nợ.
Tại buổi họp báo về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát sáng nay (20/2), rất nhiều câu hỏi được đưa ra đối với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Bích Lâm xoay quanh chuyện nếu tính khu vực kinh tế chưa quan sát vào GDP thì sẽ làm giảm tỷ lệ nợ công.
Hiện nợ công của Việt Nam đang quanh mức 61%, nằm trong phạm vi cho phép của Quốc hội là không vượt quá 65%.
Tuy nhiên, nếu tính thêm khu vực kinh tế chưa quan sát vào GDP, hiển nhiên tỷ lệ nợ công nói trên sẽ giảm đi rất nhiều trong khi số nợ vay không thay đổi. Khi trần nợ công vẫn giới hạn 65%, rất nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại điều này sẽ tạo điều kiện cho tăng quy mô nợ công trong thực tế (vay thêm để chi tiêu mà tỷ lệ nợ công vẫn dưới 65%).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm phản ánh đúng nhất quy mô, chỉ tiêu GDP; phản ánh sát thực tình hình kinh tế – xã hội.
“Cho nên thời gian qua tính toán thiếu thì ngành thống kê phải bổ sung thông tin, đánh giá đầy đủ. Không chỉ Việt Nam mà các cơ quan thống kê trên thế giới đều làm. Đó là nhiệm vụ của cơ quan thống kê”, ông Lâm nói.
Ông Lâm cũng cho rằng, nợ công của Việt Nam hiện so với GDP là khoảng 61,4%, so với các nước khác không là gì. Ông Lâm dẫn chứng, Italia có mức nợ công trên 150%.
Trước quan điểm so sánh cho rằng nợ công của Việt Nam hiện so với GDP là khoảng 61,4%, thấp hơn so với thế giới. Trao đổi với phóng viên, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, con số nợ công lâu nay vẫn có tranh cãi về cách tính, cơ sở để tính cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Vì thế con số nợ công như vậy có chính xác hay không vẫn có quan điểm trái chiều. Kể cả con số nợ công đó là đúng thì cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện môi trường, hoàn cảnh khác.
Quan trọng nhất không phải vay bao nhiêu mà là trả được không. “Chuyện so sánh nợ công giữa các nước cũng giống việc đại gia vay 90% mua ô tô 5 tỷ, mua nhà 5 tỷ. Chuyện vay như vậy nhưng tôi thừa sức trả nợ thì vay nữa không ngại. Trong khi đó anh nông dân mua ô tô cũ vay 50 triệu có khi cả đời không trả được.
Vấn đề của mình là khả năng trả nợ thế nào. Đó mới là vấn đề chứ không phải chỉ so sánh con số bao nhiêu phần trăm”, Luật sư Đức ví von.
Bày tỏ quan điểm về việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đây là việc cần làm và sẽ không khó để đưa ra con số thống kê tương đối về khu vực kinh tế này. Tuy nhiên vấn đề là sau khi đưa ra con số thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát xong sẽ làm gì?.
Theo TS. Bùi Trinh, thông kê khu vực kinh tế phi chính thức từ đó đưa ra đối sách phù hợp để là cần thiết. Tuy nhiên thống kê này để hỗ trợ thay vì kiểm soát, kiềm tỏa. Phải cải thiện môi trường kinh doanh càng tốt để biến khu vực phi chính thức thành chính thức càng cao. Môi trường kinh doanh tốt nằm ở khía cạnh thiết kế, thực thi chính sách.
Do đó sau thống kê kinh tế ngầm Chính phủ cần lấy dữ liệu thống kê này để đưa ra chính sách, đối sách giúp doanh nghiệp lớn lên.
Được biết, khu vực kinh tế chưa quan sát gồm 5 nhóm: Kinh tế ngầm (cơ bản hợp pháp do đơn vị hợp pháp hay có tính hợp pháp nhưng giấu giếm để trốn tránh trách nhiệm, nếu bị phát hiện thì bị xử phạt hành chính); Kinh tế bất hợp pháp (hoạt động vi phạm pháp luật như buôn lậu, gian lận thương mại, mại dâm, hay hoạt động kinh tế do đơn vị hợp pháp làm nhưng trái pháp luật, nếu bị phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự); Kinh tế phi chính thức (thông thường đây là hoạt động kinh doanh cá thể có quy mô nhỏ, sản xuất đơn giản và không đăng ký kinh doanh, có vai trò và đóng góp nhất định cho nền kinh tế); Kinh tế tự sản tự tiêu (hộ gia đình); Kinh tế bị bỏ sót (khu vực, hoạt động bị sót trong quá trình thu thập thống kê).
Theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao ngày 1/2/2019, Tổng cục Thống kê lập Đề án để phản ánh chính xác hơn quy mô nền kinh tế, tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong đánh giá đối với khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Đề án được triển khai từ 2019. Năm 2019 sẽ xác định hoạt động gì được liệt kê vào 5 nhóm kinh tế chưa quan sát được như đề cập ở trên, từ đó đo lường tính toán, rút kinh nghiệm để năm 2020 đo lường chính thức. Trên cơ sở đó, hàng năm đánh giá kết quả, cập nhật phương pháp biên soạn các chỉ tiêu kinh tế.
——————
Sức khỏe cộng đồng online (Bất động sản) 20-02-2019:
Tỷ lệ nợ công 61,4% GDP: Đừng chỉ nhìn vào con số (suckhoecongdongonline.vn)
(354/1.073)