(HQ) – Không chỉ doanh nghiệp, mà người dân cũng đang rất cần nguồn vốn để phục hồi sau đại dịch, đáp ứng các nhu cầu mua sắm thiết yếu. Tuy nhiên, để tránh “bẫy” tín dụng đen, người dân phải được tiếp cận nguồn vốn an toàn và hiệu quả.
Tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Ảnh: Internet |
Tại Tọa đàm Giải pháp tiếp cận nguồn vốn cá nhân hậu Covid-19 được tổ chức sáng 20/5, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn tương đối sáng sủa so với nhiều nước.
Vì thế, theo chuyên gia tài chính- ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, quy mô và tiềm năng của tiêu dùng cá nhân tại Việt Nam vẫn rất lớn, tương đương 8% GDP. Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, cả cho vay mua nhà sửa nhà, tổng chiếm khoảng 9% tổng dư nợ. Nhưng nếu bóc tách ra tín dụng bất động sản nhà ở thì cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 12% tổng dư nợ – ở mức thấp so với trung bình.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức,Giám đốc Công ty Luật ANVI, số lượng tổ chức cho vay tiêu dùng chính thống chưa nhiều, dẫn đến ít cạnh tranh, khiến tín dụng đen là điều tất yếu vì không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Do đó, Nhà nước cần phải phát triển thêm các tổ chức tín dụng (TCTD) cả về số lượng và mô hình.
Nói thêm về việc kích cầu cho vay tiêu dùng hậu Covid-19, tránh tín dụng đen, các chuyên gia nhận định, tư duy và thị hiếu tiêu dùng của người dân đã khác trước khi có đại dịch, nên cần những sản phẩm, dịch vụ được “may đo” phù hợp. Vì thế, cần có các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động cho vay.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, cơ quan này đã có nhiều chỉ thị, hành động để thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân vay vốn vượt qua khó khăn vì Covid-19.
Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN quy định theo hướng rất mở, trao quyền tự chủ cho các TCTD trong việc xem xét quyết định thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch dẫn đến sụt giảm doanh thu, thu nhập. Quy trình thẩm định, đánh giá khách hàng phải do các TCTD ban hành theo quy định nội bộ của các TCTD và phải phù hợp với từng khách hàng, từng trường hợp cụ thể.
“NHNN đã yêu cầu các TCTD phải công bố công khai quy trình thủ tục; đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì an toàn hoạt động ngân hàng”, ông Hùng cho biết.
Cùng với đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài việc giảm lãi suất, giảm phí, các TCTD cần tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, giải quyết nhanh hơn, gọn hơn.
Với các công ty tài chính, vị chuyên gia này cho rằng, phải quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ. Nhiều công ty hiện vẫn còn quản lý thủ công, tốn kém, dẫn đến buộc phải đẩy lãi suất cao lên.
“Các công ty tài chính cần cân đối giữa rủi ro và lãi suất. Không mặc định tín dụng tiêu dùng thì lãi suất phải cao. Nếu quản lý hiệu quả, giảm được các gánh nặng trong vận hành thì vẫn đưa ra được mức lãi suất hợp lý cho người dân, tăng mối quan hệ bền vững với người dân”, TS. Lực nhận định.
Không những thế, theo các chuyên gia tại tọa đàm, người đi vay cũng phải có sự hợp tác thiện chí với TCTD, phải biết mình đi vay để làm gì, khả năng trả nợ ra sao. Đặc biệt, cá nhân đi vay không nên đi vay quá 50% thu nhập của mình, sẽ dẫn đến quá tải khi trả nợ.
Hương Dịu
——————
Hải quan (Kinh tế) 20-5-2020:
(71/763)