(DT) – Cho vay tiêu dùng không chính thức ước lên tới 1,55 triệu tỷ đồng, còn cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng…Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết như vậy tại cuộc Tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế – Cơ hội cho tài chính tiêu dùng” do báo Đầu tư tổ chức sáng nay, 21/5.
Đề cập tới thời điểm cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, ông Hòe cho hay: Ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỷ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.
Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.
Nhấn để phóng to ảnh
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Chí Cường – Đầu tư
Theo đánh giá của PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn” chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết.
Nếu áp các quy định theo Thông tư 41 thì các ngân hàng có muốn cũng khó cho vay, do đó đây là cơ sở tồn tại các hoạt động tín dụng không chính thức, đặc biệt là tín dụng đen.
“Như vậy, nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng còn được thống kê là khá lớn chưa được tiếp cận các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu về cho vay tiêu dùng và cơ hội hay “dư địa” cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn”, ông Đức nói.
- Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia đặc thù nhờ văn hóa “tiết kiệm” ở tầng lớp trung lưu mới nổi, những người có việc làm và thu nhập.
Theo ông Thành, việc đánh đồng tiêu dùng cá nhân và cho vay cá nhân là không phù hợp, bởi đánh giá rủi ro sẽ khác nhau. Tiêu dùng cá nhân một nửa là bất động sản, trong đó đầu tư và đầu cơ không nhỏ. Tổng tín dụng ngân hàng cho vay liên quan đến bất động sản là gần 20% năm 2019, trong đó 1/3 là chủ đầu tư dự án và còn lại là khách hàng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thực tế nhu cầu cho vay bên ngoài quá lớn khi nhìn vào tín dụng đen vẫn đang phát triển, nếu chuyển sang cho vay chính thống được phần tín dụng đen sẽ cho thấy không có lý do lo lắng đối với thị trường tài chính tiêu dùng.
Trong bối cảnh này, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức kiến nghị: “Cho vay tiêu dùng luôn phải đối diện với nguy cơ rủi ro cao. Có thể thấy cho vay tiêu dùng ở các nước phát triển cũng như Việt Nam chủ yếu là cho vay tín chấp.
Việc phát triển cho vay tiêu dùng trong thời gian tới cần phải có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại, trong trường hợp đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những thay đổi, bổ sung và hoàn thiện để khuyến khích các ngân hàng thương mại có thể gia tăng cho vay tiêu dùng khi có thể đảm bảo về chất lượng tín dụng và cân đối với khả năng chịu đượng tổn thất”.
Còn theo ông Phạm Xuân Hòe thì cần khẩn trương chi hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% đối với doanh nghiệp để trả lương.
Thứ hai là kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng. Thứ ba là cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia; giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động… và đặc biệt cần xử lý tội cho vay nặng lãi; bắt buộc gỡ các app cho vay bất hợp pháp, truy tìm xử lý loại “công ty ma” này.
An Hạ
————
Dân trí (Kinh doanh) 21-5-2020:
(61/884)