(TP) – 2 máy cắt có lưỡi cưa kim cương được huy động cắt sàn tầng 18 tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội). Giai đoạn 2 xử lý tầng 18 dự kiến diễn ra trong 4 tháng. Sau đó tiếp tục lên phương án xử lý tầng 17 của công trình này. Dư luận mong chờ “biểu tượng sai phạm” sẽ được xử lý nghiêm minh.
Ngày 21/5, PV Tiền Phong có mặt tại tầng 18 tòa nhà 8B Lê Trực. Trước mắt chúng tôi mặc dù thời tiết oi nóng, công nhân vẫn hối hả làm việc. Công việc quan trọng nhất của giai đoạn 2 này là hoạt động cắt sàn bê tông của 2 máy cắt lưỡi cưa kim cương, dự kiến xử lý 3.600m2 sàn tầng 18.
Công nghệ lưỡi cắt làm từ hỗn hợp hạt kim cương nhân tạo với bột kim loại giúp việc cắt sàn (khối bê tông dầy 30cm) thành từng ô bê tông một cách dễ dàng. Hiện, một ô bê tông diện tích khoảng 3m2, trọng lượng 1,5 tấn đã được cắt thử thành công. Sau đó bê tông được khoan 4 lỗ để móc cáp nhấc di chuyển đi.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, trong 4 tháng sẽ hoàn thành tháo dỡ tầng 18 và tiếp tục trình phương án để tham gia tháo dỡ tầng 17 nếu được phê duyệt.
Để đến được với giai đoạn 2 tiếp tục phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực là cả một hành trình dài. Từ tháng 9/2015, dư luận xôn xao về công trình sai phạm ngay cạnh Lăng Bác. Sau đó, đoàn liên ngành do Thanh tra Hà Nội chủ trì đã vào cuộc làm rõ công trình xây dựng sai phạm.
Tháng 11/2015, Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn một. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm việc phá dỡ phần sai phạm tại công trình này vẫn chưa hoàn thành. Đến nay, giai đoạn 2 mới được tiếp tục thực hiện.
Cũng liên quan đến các sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng Hà Nội vẫn chưa thể hoàn thành.
Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, rất quyết liệt chỉ đạo xử lý tòa nhà này. “Nói thật, để đảm bảo kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một. Quá trình xử lý sai phạm cho thấy chủ đầu tư tòa nhà này rất cùn!”, ông Chung khẳng định.
Thực tế, trong suốt quá trình xử lý vi phạm, chủ đầu tư đã cố tình chây ỳ, tìm cách kéo dài thời gian xử lý, đẩy khách hàng mua nhà làm “con tin” khi cho họ đưa đồ đạc vào sinh hoạt trong một chung cư chưa đủ điều kiện nghiệm thu về an toàn, kết cấu, cũng như không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo lãnh đạo UBND quận Ba Đình, trong quá trình cưỡng chế, chủ đầu tư không phối hợp, cản trở. Một số hộ dân tiếp tục căng băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở UBND quận, UBND phường.
Một đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khóa XIII PGS.TS Bùi Thị An cho biết, với vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư xây dựng tòa nhà sai phép, họ phải có trách nhiệm với người mua nhà.
Theo bà An, cần xử lý công trình 8B Lê Trực để răn đe, làm gương, chính quyền quận Ba Đình xử lý vi phạm tại tòa 8B Lê Trực là đúng quy định pháp luật. Người dân cần hiểu rõ đây là sai phạm của chủ đầu tư, không phải của chính quyền, do đó chủ đầu tư phải đền bù, và có các phương án đền bù thỏa đáng cho người dân, người mua nhà…
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, sai phạm 8B Lê Trực không còn là việc riêng của Hà Nội mà là sự quan tâm của dư luận cả nước. Nếu không làm cương quyết sẽ không tạo được niềm tin của người dân. Khó khăn trong việc xử lý sai phạm cho thấy, nếu vi phạm được phát hiện kịp thời, xử lý ngay từ ban đầu sẽ bớt thiệt hại cho cả nhà nước, nhà đầu tư và khách hàng.
Xử lý công trình sai phạm 8B Lê Trực ngày 21/5
Trả lời cử tri trước đó, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn Hà Nội, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực có tới 4 công trình sai phạm (93 Lò Đúc, 102 Trường Chinh, 302 Cầu Giấy và 8B Lê Trực). Hà Nội đã chuyển hồ sơ 3 công trình sai phạm (8B Lê Trực, 102 Trường Chinh và 302 Cầu Giấy) của chủ đầu tư này sang Công an Thành phố Hà Nội xử lý.
TRẦN HOÀNG
————
Tiền phong (Địa ốc) 22-5-2020:
https://www.tienphong.vn/dia-oc/xu-ly-dut-diem-bieu-tuong-sai-pham-8b-le-truc-1661637.tpo
(86/900)