Ngày 28/2, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2019 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Văn bản này có hiệu lực vào 1/3 – sau ngày ban hành đúng một ngày.
Văn bản này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014, đồng thời bãi bỏ Thông tư số 32/2016 và Thông tư số 02/2018. Theo các Thông tư liên quan trước đó, 1/3/2019 là hạn cuối để các ngân hàng phối hợp với khách hàng là tổ chức không phải pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… hoàn thành ký lại Hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán.
Mục đích là để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán của pháp nhân. Bởi Thông tư số 32/2016 xác định đối tượng được phép mở tài khoản thanh toán chỉ gồm cá nhân và tổ chức có tư cách pháp nhân. Bộ Tài chính cũng có công văn chấp nhận việc sử dụng tài khoản của cá nhân thay cho tài khoản của các tổ chức này.
Theo quy định tại Thông tư mới, tổ chức được mở tài khoản thanh toán không còn giới hạn ở pháp nhân, mà vẫn gồm các loại hình tổ chức khác không phải là pháp nhân như từng quy định tại Thông tư 23/2014.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. |
Tuy nhiên, chủ tài khoản thanh khoán của tổ chức theo quy định mới tại Thông tư 02 là tổ chức thay vì là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức như trước đây. Chủ tài khoản thanh toán (tổ chức) được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình.
Do đó, ngân hàng sẽ cần phối hợp với tổ chức không là pháp nhân mở tài khoản trước thời điểm Thông tư số 32/2016 có hiệu lực thay đổi chủ tài khoản. Khách hàng không cần ký lại hợp đồng, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản.
Giải thích rõ hơn về thay đổi này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết về mặt hình thức, Thông tư vẫn chấp nhận các bên tham gia giao dịch tài khoản là tổ chức không có tư cách pháp nhân bên cạnh cá nhân và pháp nhân như Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, về mặt bản chất pháp lý, thì các chủ thể này vẫn phải tuân thủ quy định tại Điều 101 của Bộ luật Dân sự năm 2015, tức là giao dịch với tư cách của một hoặt nhiều cá nhân, chứ không đương nhiên có 1 người đại điện theo pháp luật như trước kia.
Cụ thể là, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự thì toàn bộ thành viên là chủ thể tham gia. Điều này khác với quy định trước khi Bộ luật Dân sự mới có hiệu lực từ năm 2017 là dựa vào sổ hộ khẩu, giấy đăng ký hộ kinh doanh, tổ hợp tác để xác định một người đại diện cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác.
Nếu các tổ chức không có tư cách pháp nhân này không muốn tất cả các thành viên cùng phải tham gia giao dịch tài khoản nói riêng, giao dịch dân sự nói chung, thì có thể ủy quyền cho 1 người đại diện giao dịch, luật sư Trương Thanh Đức nêu ví dụ.
Điều 11. Đối tượng mở tài khoản thanh toán 1. Cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm: a) Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; b) Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; c) Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật; d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ. 2. Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.”. |
Thanh Thủy
——————
Người đồng hành (Ngân hàng) 05-03-2019:
NHNN lại cho phép doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh mở tài khoản thanh toán (ndh.vn)
(378/934)