2.533. App Trung Quốc ‘truy sát’, vay 2 triệu phải trả 54 triệu, chậm trả bị ghép ảnh sex tung lên mạng

(TT) – Sau bài viết “Cho vay nặng lãi Trung Quốc tràn vào VN, lãi suất hơn 1.000%/năm” (Tuổi Trẻ ngày 8-5), nhiều nạn nhân tiếp tục kêu cứu do bị “khủng bố” cả ngày lẫn đêm sau khi lỡ vay tiền qua các ứng dụng (app) này nhưng không trả nợ đúng hạn.

Tờ rơi vay vốn dán đầy trên đường Nguyễn Đình Chính, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

– Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đáng lưu ý là dính vào vay app hầu hết là những người rất trẻ. Nhiều nạn nhân cho biết ban đầu chỉ vay 1 triệu đồng, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con nên số nợ đã nhân lên hàng trăm lần, phải vay app sau trả nợ cho app trước đến khi mất khả năng trả nợ.

Lãi suất 44%/tuần!

Chị T.K.U. (SN 1983, trú tại Tây Ninh) cho biết vào tháng 7-2019, trong lúc chưa có lương và cần tiền để đóng lãi ngân hàng, chị “nhắm mắt” vay 1 triệu đồng qua app, nhưng thực nhận 900.000 đồng, với thời hạn 1 tuần và số tiền phải thanh toán là 1,3 triệu đồng, tương đương với hơn 44,4%/tuần.

Đến thời hạn trả nợ vẫn chưa kịp nhận lương, chị U. lại phải tìm đến app OneClickMoney vay 2 triệu, lãi suất 882.000 đồng (tương đương 44,1%) trong 14 ngày để trả app trước. Do phải vay app sau trả tiền cho app trước, chỉ sau 3 tháng chị U. phải ôm nợ lên tới 20 triệu đồng từ số tiền vay ban đầu là 1 triệu đồng.

“Chịu hết nổi”, chị U. phải chạy về quê cầu cứu gia đình. Nhưng khi gia đình xoay được tiền, số nợ đã lên tới 25 triệu đồng. Và đến Tết âm lịch vừa qua, số nợ lên 54 triệu đồng.

“Do dịch COVID từ tết đến nay, không có công ăn việc làm trong khi lãi mẹ đẻ lãi con khiến tôi càng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Đến nay tôi mất khả năng trả nợ nên bị khủng bố, bôi nhọ bằng cách đăng hình lên Facebook” – chị U. cho biết.

Chị T.T. (25 tuổi), nhân viên một công ty du lịch, cho biết vì cần tiền đóng học phí cho em trai nên đã tìm đến app Idong vay 4,2 triệu đồng, nhưng thực nhận chỉ 3,5 triệu đồng. Chưa kịp trả hết nợ thì dịch bệnh xảy ra, công ty du lịch phá sản, chị thất nghiệp 3 tháng nên không có tiền trả nợ vay. Đến lúc đó, chị T. mới “ngấm đòn” khi liên tục bị “khủng bố”. Từ ông bà, cha mẹ đến những người thân có tên trong danh bạ đều bị gọi điện đe dọa.

Trong đơn gửi đến Tuổi Trẻ, chị H.Y. liệt kê gần 20 app mà bản thân chị đã vay và đang nợ tiền, gồm OneClickMoney, Cash VN, Uvay, Vaydong, Zvay, F-458, M88, Myway, Tien nhanh… Trong đó, những app sau luôn được chị vay trước khi đáo hạn app trước vài ngày để kịp trả nợ.

Tương tự, chị C. (23 tuổi), công nhân ở Bình Dương, cũng vay đến 25 app với số nợ lên tới 30 triệu đồng, chủ yếu vay app sau trả cho app trước, hiện đang mất khả năng chi trả vì công ty đóng cửa do dịch.

Thời gian qua, chị C. liên tục nhận được các tin nhắn với nội dung đe dọa như “cảnh báo chiếm đoạt tài sản”, “sẽ dùng biện pháp mạnh”, trước khi bị đăng hình lên mạng với nội dung là “đối tượng vay tiêu dùng nhưng không trả nợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để bôi nhọ.

Hàng chục ngàn nạn nhân

Dù lãi suất cho vay theo kiểu “cắt cổ” nhưng các ứng dụng cho vay này chỉ duyệt cho vay những món tiền rất nhỏ. Chẳng hạn, với ứng dụng “Vaytocdo”, người vay lần đầu được duyệt vay tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 1,42 triệu đồng, còn lại 272.000 đồng là phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người nợ sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi với số tiền 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.

Với ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay lần đầu được duyệt vay số tiền 1,5 triệu đồng, thực nhận 900.000 đồng, còn lại 600.000 đồng là phí dịch vụ, tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả gốc vay là 1,5 triệu đồng. Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt từ 2-5% lãi suất/ngày. Nếu trả nợ đúng hạn, người vay sẽ được cho vay nhiều tiền hơn trong những lần sau với các cấp độ từ 1 đến 7.

Cấp độ cao nhất sẽ được duyệt vay tối đa 2,75 triệu đồng. Riêng với những trường hợp chậm trả hay mất khả năng trả nợ, các app này đã “khủng bố” bằng nhiều hình thức để đòi nợ.

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, những trường hợp vay qua app cho biết mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc gọi đe dọa bắt trả tiền. Có trường hợp bị “khủng bố” bằng hơn 200 số điện thoại khác nhau, thậm chí còn bị ghép mặt vào các tấm hình sex để bôi nhọ do chậm trả nợ…

Thông tin từ cơ quan công an cho biết nhiều app cho vay này do người Trung Quốc cầm đầu, dạt qua Việt Nam sau khi Trung Quốc siết chặt quản lý. Theo tìm hiểu, có khoảng 60-70 doanh nghiệp của Trung Quốc vào Việt Nam lập doanh nghiệp và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online thông qua các app với lãi suất “cắt cổ”.

Mới đây, Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng cho vay tiền nhanh do người Trung Quốc cầm đầu, cho vay tiền thông qua các ứng dụng trên điện thoại như Vaytocdo, Moreloan và VD online. Chỉ từ tháng 4-2019 đến nay, nhóm người Trung Quốc đã cho 60.000 người ở nhiều địa phương vay khoảng 100 tỉ đồng với lãi suất lên đến hơn 1.000% đến 2.000%/năm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng VN chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng, vay qua app, do vậy đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các ứng dụng này tung hoành trong suốt thời gian qua.

“Cần sớm ban hành hành lang pháp lý cho hoạt động này. Có thể chấp nhận trong giai đoạn đầu chưa bao quát hết nhưng có thể vừa làm vừa sửa, tránh để cho hoạt động này ở ngoài vòng pháp luật” – ông Đức kiến nghị.

Băng nhóm tội phạm núp nóng

Ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, cho rằng hình thức cho vay qua app quá dễ dàng nên thu hút người vay, nhất là những người cần tiền gấp nhưng không biết xoay xở ở đâu. “Nhiều băng nhóm tội phạm có thể chuyển đổi sang hình thức cho vay mới và bao luôn việc đòi nợ xấu. Mô hình tín dụng đen luôn bám sát luật để tồn tại và bọn chúng có thể thuê cả đội ngũ tư vấn để lách luật” – ông Vũ cảnh báo.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, những kẻ đứng sau các ứng dụng cho vay đều biết nhiều thủ pháp để tiếp cận người dùng. Chính những thông tin người dùng đưa lên các trang mạng xã hội, diễn đàn, các dịch vụ mạng là cơ sở để các ứng dụng cho vay tiếp cận.

“Bằng cách thức nào đó, những kẻ cho vay có thể tiếp cận chính xác những người đang trong tình cảnh cần tiền gấp và lôi kéo họ dùng dịch vụ của mình bằng những lời mời chào rất hấp dẫn” – ông Vũ cho biết.

Ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập ứng dụng Tanca.io, cho rằng cơ quan chức năng cần thường xuyên rà quét những ứng dụng cho vay không phép như hiện nay. “Việc này không khó nếu tổ chức được một kênh tiếp nhận và thực thi xác minh thông tin phản ảnh từ người dân nhanh chóng” – ông Quân nói.

ĐỨC THIỆN

————

Tuổi trẻ (Kinh doanh) 31-5-2020:

https://tuoitre.vn/app-trung-quoc-truy-sat-vay-2-trieu-phai-tra-54-trieu-cham-tra-bi-ghep-anh-sex-tung-len-mang-20200531083045949.htm

(92/1.432)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,834