(DT) – Chuyên gia cho rằng, tài sản để dành được như vàng chính là đất nền. Người có tiền có quyền mua bán, trao đổi và để dành, đầu cơ, chờ giá lên rồi bán.
Nhấn để phóng to ảnh
Tham dự hội thảo bàn về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, các chuyên gia đã có phản biện khi đề cập đến quy định về phân lô bán nền được đưa ra trong dự thảo.
Mua đất nền là quyền của người có tiền
Hội thảo “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: Những vấn đề bất cập và kiến nghị chính sách” diễn ra sáng nay (2/6) ghi nhận nhiều ý kiến chuyên gia xung quanh quy định mới trong phân lô bán nền.
Cụ thể, Dự thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện đã mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện dự án phân lô, bán nền như các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, các phường thuộc thị xã, khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc…
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, không có từ nào “cấm” đưa ra tại dự thảo nhưng trên thực tế chính là “cấm”. Bởi sẽ chỉ còn lại một số rất ít các khu vực xa xôi được phép phân lô bán nền, mà những khu vực này bán có thể sẽ không ai mua.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy định mới về phân lô bán nền có thể tạo ra cú “sốc” cho thị trường.
Góp ý tại hội thảo, chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, quy định về phân lô bán nền sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường bất động sản khi thị trường dưới tác động của Covid-19 vốn đã rất khó khăn.
Do đó, “Chúng ta không nên ban hành chính sách tác động mạnh đến thị trường trong bối cảnh vốn đã rất khó khăn”, ông Ánh nêu. Theo ông Ánh, bất kể lĩnh vực nào cũng có vi phạm, không thể vì vi phạm mà dừng hay cấm.
Về nỗi lo để đất nền tràn lan gây lãng phí vì hoang hoá, ông Ánh nói: Nếu cấm thì người ta lại hay nghĩ cách lách, đất nền chia xong thì sợ bỏ hoang. Thế thay vì chúng ta có mảnh đất nền bỏ hoang vài năm thì chúng ta có căn nhà bỏ hoang trên mảnh đất vài năm. “Cài nào sẽ thiệt hại cho xã hội hơn?”, ông Ánh đặt vấn đề.
Trong khi đó, góp ý tại hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh vai trò và nhu cầu của phân khúc đất nền.
“Bất động sản là tài sản. Mà đã gọi là tài sản thì có quyền sử dụng, cho thuê, để dành… Và tài sản để dành được như vàng, đó chính là đất nền. Đó là quyền của người có tiền, mua bán, trao đổi và để dành, đầu cơ, chờ giá lên rồi bán. Đó là quyền chính đáng của công dân”, ông Nghĩa nói.
Không áp đặt phân lô bán nền nhưng cũng không để vô tội vạ
Tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, không cần phải cấm phân lô bán nền tại các khu vực nội đô bởi trên thực tế, quỹ đất này cũng đã hết. Trong khi đó, tại các vùng đất rẻ, khu ven thì nên khuyến khích đa dạng hoá phát triển xây dựng.
Nhấn để phóng to ảnh
Ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh, không áp đặt phân lô bán nền không đồng nghĩa với việc cho phân lô bán nền vô tội vạ.
“Tôi có nghe một vài ý kiến cho rằng giải pháp này nhằm ngăn chặn lừa đảo như Alibaba nhưng tôi nghĩ rằng không cần thiết phải cấm như thế. Các huyện quận sẽ mở rộng ra rất nhiều, ví dụ như quận Dương Kinh (Hải Phòng) thì 90% là nông dân, nông thôn, không có hình hài của phường, của đô thị nhưng cũng cấm luôn đến đó, thì sẽ rất buồn cười”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, trong bối cảnh hiện nay vẫn tiếp tục phân lô bán nền, nhưng cần quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương trong giám sát và duyệt quy hoạch.
“Về cơ bản các vụ rối ren liên quan tới phân lô bán nền thời gian qua xuất phát từ việc buông lỏng quản lý hay chính là trách nhiệm “quản” của chính quyền địa phương”, ông Đức nói.
Ông Đức nhấn mạnh thêm, không áp đặt phân lô bán nền không đồng nghĩa với việc cho phân lô bán nền vô tội vạ. Vẫn phải thống nhất quy hoạch bao nhiêu mét, chiều cao, mật độ kiến trúc cơ bản thế nào, mặt bằng ra sao… Khi phê duyệt dự án, cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần yêu cầu chủ đầu tư thống nhất về quy hoạch, song song đó vẫn phải giám sát về mặt kết cấu, kiến trúc, thậm chí cả tiến độ.
“Sau 1, 2 năm phê duyệt thì phải xây dựng, không có chuyện để đất trống mãi rồi ảnh hưởng đến quy hoạch chung”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, điều này một phần để tuân thủ pháp luật về quyền của người dân, quyền của doanh nghiệp, để họ được tự do, chủ động với bất động sản của mình.
Nguyễn Mạnh
————
Dân trí (Bất động sản) 02-6-2020:
(395/1.046)