(TN) – Vì thế duy trì chỉ khiến các quy định chồng chéo, thiếu minh bạch và gây tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Một góc khu công nghệ cao TP.HCM ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Đó là phân tích và quan điểm của các chuyên gia, luật sư kinh tế khi Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp (DN).
Kiến nghị bỏ từ lâu, bộ vẫn cố giữ lại để sửa
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho biết đã có ý kiến nên bỏ hẳn luật Đầu tư từ năm 2014 khi làm luật DN và luật Đầu tư vì nội dung luật Đầu tư đang trùng lắp nhiều với các luật khác, không cần thiết, thậm chí đi ngược lại quy định trong luật DN.
Đơn cử quy định tự do kinh doanh trước đây của luật DN, nên trả về lại luật DN, đầu tư công đã có luật Đầu tư công quy định. Mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như luật Xây dựng, luật Đất đai, luật Bảo vệ môi trường, luật Phòng cháy chữa cháy… DN đầu tư ra nước ngoài thì trong nước chẳng có quyền xét duyệt bởi phải theo luật ở nước ngoài. Nếu có chỉ là quy định đầu tư bao nhiêu phần trăm, thì phải thông qua cấp nào.
Nếu quản lý DN đầu tư ra nước ngoài thì chỉ quản thuế, quản ngoại hối, chuyển tiền thế nào, thanh toán ra sao… nhưng những cái này có quy định trong các luật khác. “Hồn cốt” của luật Đầu tư hiện nay là một phần trong luật DN, đó chính là “danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh”. “Thế nên, cần thiết rà soát lại, chuyển những nội dung cần thiết nếu có trong luật Đầu tư thành một chương về đầu tư trong luật DN và bỏ hẳn luật Đầu tư đi”, luật sư Đức đề xuất.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM (TP.HCM), cho rằng vấn đề chính của luật Đầu tư là danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh, mà những vấn đề này đã được quy định tại luật DN. Luật Đất đai quy định về đầu tư có sử dụng đất, thủ tục giao đất, trình tự thế nào, thuê đất; luật Chứng khoán quy định cụ thể về bán cổ phần, trái phiếu; luật Thương mại quy định về hoạt động bán hàng, khuyến mãi… Thế nên, thêm quy định giấy chứng nhận đầu tư nữa là thừa.
Rủi ro trong quản lý nhà nước
Lãnh đạo sở kế hoạch – đầu tư một tỉnh miền Trung cho biết việc thu hút đầu tư nếu thực hiện đúng theo luật Đầu tư lại không đúng với một số luật khác. Chẳng hạn, các thủ tục liên quan đến đất đai đang chồng chéo giữa luật Đầu tư và luật Đất đai, luật Xây dựng. Mọi dự án bắt đầu bằng đất đai trước, rồi đến thủ tục xây dựng, thủ tục về môi trường…
“Nếu đã được cấp chủ trương về đầu tư thì phải xem xét đến đất đai và môi trường, phải đặt vấn đề về môi trường trước. Nhưng quy định không thấy việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được thực hiện trước hay sau khi chấp nhận chủ trương cho đầu tư. Trong khi luật Bảo vệ môi trường quy định nhà đầu tư phải có đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dù luật Đầu tư yêu cầu phải thực hiện trước thời điểm quyết định có chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy đầu tư… khiến việc cấp phép trở nên rủi ro”, vị trên nói.
Theo luật sư Toản, khi nhà đầu tư mới đề xuất địa điểm, chưa có gì trong tay, không thể buộc họ bỏ chi phí để lập báo cáo ĐTM được. Điều này tạo rủi ro lớn về chi phí đầu tư bởi nếu không được chấp nhận về mặt chủ trương, nhà đầu tư phải tìm vị trí khác lại tiếp tục lập ĐTM nữa là vô lý.
GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, điểm lại lịch sử của luật Đầu tư bắt nguồn từ luật Đầu tư nước ngoài, được Quốc hội thông qua năm 1987 nhưng thực tế đầu tư chỉ là một mục trong luật DN đầu tư nước ngoài cũ. Đến năm 1999, khi có luật DN, nhiều ý kiến đã yêu cầu nên gộp cả hai luật DN và luật Đầu tư nước ngoài thành một.
Còn luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, luật Đầu tư đã “hết sứ mệnh lịch sử của nó” nên cần bỏ. Bởi nếu trước năm 1999, khi việc kinh doanh còn chưa được khuyến khích, thậm chí “bế quan tỏa cảng”, cần có một luật để khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh. Nay việc khuyến khích đó không cần thiết nữa mà nếu có các ưu đãi cũng đã nằm trong luật Thuế, luật Đất đai… Cũng như luật DN nhà nước cũng được bỏ, trở thành một chương trong luật DN.
Tuy nhiên, luật sư Đức cũng lưu ý có một số quy định trong luật Đầu tư cần sàng lọc lại để đưa vào chương trong luật DN nếu được. Chẳng hạn những nguyên tắc hồi tố, bất hồi tố, nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư… cần cân nhắc giữ đưa vào quy định quản lý đầu tư.
Thực tế các lĩnh vực cần quản lý được quy định trong luật Đầu tư đã có trong các luật quản lý chuyên ngành. Khi tôi làm việc và tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nhận thấy, với mục đích để quản lý nhà nước, luật Đầu tư là thừa và chồng chéo với các luật khác. Về góc độ lợi ích cũng không thấy mà chỉ tăng thêm chi phí tiền bạc thời gian của nhà đầu tư mà thôi. Luật sư Nguyễn Quốc Toản |
Nguyên Nga
——————
Thanh niên (Tài chính – kinh doanh) 07-03-2019:
Nếu bỏ luật Đầu tư, sẽ giảm nhiều thủ tục (thanhnien.vn)
(473/1.115)