2.548. Siết phân lô bán nền: Không quản được thì cấm?

(LĐ) – Sốt đất tại khu vực xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã khiến chính quyền địa phương huy động cả lực lượng công an vào để đảm bảo an ninh trật tự.

Ảnh: THÔNG CHÍ

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo đã mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện các dự án phân lô, bán nền đối với “các khu vực không nằm trong địa bàn thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh”.

Hạn chế dự án ma

Tại hội thảo “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: Những vấn đề bất cập và kiến nghị chính sách” diễn ra ngày 2.6, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam – cho rằng, động thái siết phân lô bán nền xuất phát từ tình trạng thời gian qua, có những doanh nghiệp phân lô, bán nền làm ăn không nghiêm túc, thậm chí lừa đảo.

Trên thực tế, trong vòng 2 năm trở lại đây, từ Hà Nội tới Phú Quốc, có hàng hoạt khu vực sốt đất gây thiệt hại cho hàng vạn khách hàng mua đất tại các dự án chưa có quy hoạch, chưa được cấp phép hay còn gọi là “dự án ma”. Điển hình “dự án ma” phải kể tới trường hợp Công ty địa ốc Alibaba. Vào tháng 2.2020, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận 3.312 nạn nhân bị Công ty Alibaba lừa đảo với số tiền hơn 1.800 tỉ đồng. Theo tài liệu thu thập, cũng như hồ sơ trong quá trình điều tra mà Công ty Alibaba cung cấp trước đó thể hiện công ty này đã lừa bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỉ đồng.

Tuy có nhiều trường hợp lừa đảo xuất phát từ biến tướng của hình thức phân lô bán nền, tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc siết phân lô, bán nền như dự thảo Nghị định thể hiện tư duy không quản được thì cấm.

“Lỗi không nằm trong quy định mà do năng lực quản lý của chính quyền địa phương”, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nói.

Không cần cấm phân lô bán nền

Trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu nêu quan điểm, khi có dự thảo về hạn chế phân lô, bán nền, doanh nghiệp rất ngạc nhiên, bởi đang mong chờ Luật Đất đai sửa đổi để tháo gỡ bớt khó khăn, nhưng nay lại siết chặt.

“Đất nền có hạ tầng là sản phẩm thương mại của bất động sản. Thế nên, nếu đề xuất thay đổi chính sách thì trách nhiệm thuộc về Bộ Xây dựng, với sự điều chỉnh của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, chứ không phải Bộ Tài nguyên và Môi trường với Luật Đất đai”, ông Hiệp nói.

Từ góc nhìn nghiên cứu chính sách, PGS.TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng, cần nhìn nhận khách quan phân lô, bán nền không phải là giải pháp tuyệt đối mãi mãi. Đây là giải pháp tình thế, phát triển theo yêu cầu theo thị trường. Khi thị trường còn ở các cung độ khác nhau, cấp độ khác nhau thì chúng ta còn cần sử dụng giải pháp này. “Việc siết phân lô, bán nền như dự thảo là bất ổn, bởi các chính sách, điều kiện phát triển ở mỗi địa phương là khác nhau”, ông Chung nói.

Đồng quan điểm – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật  ANVI– khẳng định, không cần phải cấm phân lô, bán nền tại các khu vực nội đô bởi trên thực tế, quỹ đất này cũng đã hết. Trong khi đó, tại các vùng đất rẻ, khu ven thì nên khuyến khích đa dạng hóa phát triển xây dựng. “Tốt nhất, chỉ cần một quy hoạch chung về hạ tầng, về yêu cầu kiến trúc tối thiểu để kiểm soát, còn lại, mỗi một căn hộ trong dự án có thể xây dựng, thiết kế khác biệt, đa dạng hóa công trình, miễn là không quá đối chọi nhau, quá bất cập”, Luật sư Đức nêu quan điểm.

Kinh nghiệm từ Mỹ

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế – tài chính, từng có nhiều năm kinh doanh tại Mỹ chia sẻ câu chuyện phân lô bán nền tại các quốc gia, đặc biệt ở Mỹ. TS Nguyễn Trí Hiếu nói: Việc phân lô bán nền là chuyện đương nhiên. Ở đâu cũng vậy, bất kỳ quốc gia nào, muốn bán đất cũng phải phân lô bán nền. Đó không phải là vấn đề lớn.

Tại Mỹ, việc phân lô, cắt thửa sẽ do cơ quan quản lý đất đai phụ trách. Họ phân quỹ đất thành các vùng như phân lô thương mại, phân lô công nghiệp, phân lô bất động sản nghỉ dưỡng. Khi phân lô như thế, tất cả các lô đất đều rõ ràng về mục đích sử dụng, có vị trí định vị rõ ràng, chi tiết trên tất cả các bán đồ. Ở Mỹ quy định, phân lô nhà ở thì khu vực này chỉ chia tách các nhà xây ở mà không được xây nhà xưởng. Ngược lại, khu vực phân lô nhà xưởng chỉ được dành cho nhà xưởng. Tất cả đều rõ ràng, minh bạch. 

THÔNG CHÍ

————

Lao Động (Bất động sản) 03-6-2020:

https://laodong.vn/bat-dong-san/siet-phan-lo-ban-nen-khong-quan-duoc-thi-cam-809769.ldo

(126/1.025)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,829