(TT) – Chỉ cần tải ứng dụng vay tiền, nhập tên, chứng minh nhân dân, số tiền cần vay, không cần hợp đồng lao động hay chứng minh thu nhập, sau vài phút khoản vay đã được duyệt, tiền vay được chuyển đến tài khoản trong ngày.
Tuy nhiên, sau khi lọt vào bẫy, chấp nhận vay tiền, nhiều nạn nhân khóc ròng khi số tiền phải trả lên gấp hàng chục lần số tiền gốc chỉ trong một thời gian ngắn.
Phải trả gần gấp đôi sau 14 ngày
Anh Tiến (Q.9, TP.HCM) cho biết anh đã vay tiền thông qua 3 ứng dụng (app) là Cashwagon, iDong và Doctor Dong. Tết vừa qua do bị chậm trả lương hai tháng nên anh Tiến không trả gốc và lãi đúng hạn.
Sau đó, anh Tiến và người thân liên tục bị khủng bố bởi hàng loạt số điện thoại rác.
“Tôi chỉ vay của Cashwagon 2 triệu đồng nhưng do gia hạn hai lần, mỗi lần tiền phí gia hạn là 880.000 đồng, cộng với tiền lãi nên bây giờ nếu trả đủ tôi phải trả đến 5,67 triệu đồng, tức gần gấp ba lần số tiền vay ban đầu” – anh Tiến cho biết.
Đáng nói là người vay không nhận đủ số tiền gốc của khoản vay mà bị “chặt đầu chặt đuôi” nhưng vẫn bị tính lãi đủ trên số tiền vay gốc.
Một app cho vay 2,3 triệu đồng nhưng người vay thực nhận chỉ có 1,45 triệu đồng do bị trừ lãi tháng đầu và phí hồ sơ. Một app khác vay 2,5 triệu đồng nhưng khách vay thực nhận chỉ 1,8 triệu đồng.
Tương tự, đăng ký vay qua ứng dụng VĐ số tiền 1,8 triệu đồng, nhưng anh T.Bình (Q.Gò Vấp) chỉ nhận được 1,26 triệu đồng. Sau 14 ngày anh bị yêu cầu trả tiền lãi 540.000 đồng và tiền gốc 1,8 triệu, tổng cộng là 2,34 triệu, gần gấp đôi số tiền vay.
Trong khi đó, ông Q. (Q.12) cũng cho biết phải trả mức lãi suất cắt cổ khi vay qua ứng dụng Doctor Dong. Theo đó, ông Q. chỉ vay 2 triệu đồng nhưng một tháng 20 ngày sau, tiền gốc và lãi lên đến 3,87 triệu đồng, kèm theo lời đe dọa tính mạng nếu không trả đủ.
Chiêu trò và khủng bố
Không chỉ “cắt cổ” người vay, các ứng dụng vay trực tuyến này cũng có nhiều chiêu trò để dụ người vay tiềm năng.
Bà L.T.O. – một công nhân đang làm việc tại Đồng Nai – vừa gửi đơn cầu cứu khắp nơi sau khi bị ứng dụng Cashwagon tự động chuyển tiền vào tài khoản. Trước đó, bà O. có vay qua ứng dụng này số tiền 1,5 triệu đồng và đã trả sau 3 ngày vay nên không bị tính lãi, rồi xóa ứng dụng.
Sau một thời gian, khi tải lại ứng dụng này và đăng nhập, bà O. rất bất ngờ khi ứng dụng này chuyển số tiền 2,5 triệu đồng đến tài khoản dù bà không có nhu cầu vay. Choáng hơn, bà bị tính lãi 550.000 đồng, thời hạn vay là 10 ngày, tổng gốc và lãi phải trả là 3,05 triệu đồng.
Bà O. đã gọi điện thoại, rồi gửi mail cho ứng dụng này và được chấp nhận hoàn trả số tiền gốc 2,5 triệu đồng vào ngày hôm sau.
“Sau khi chuyển trả lại số tiền gốc, tôi kiểm tra lại thì phát hiện hợp đồng vẫn không bị hủy bỏ và tôi vẫn bị tính lãi. Tôi tiếp tục gọi lên tổng đài thì bị đẩy qua đẩy lại, gửi mail cũng không ai trả lời. Tôi rất lo lắng vì nếu để lâu, số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên khi kỳ hạn 10 ngày tiếp theo kết thúc” – bà O. phản ảnh.
Nhiều nạn nhân cho biết do vay thông qua app, người vay phải chấp nhận điều khoản là bên cho vay được quyền truy cập vào danh bạ điện thoại. Khi khách chậm trả lãi, tất cả người thân trong danh bạ điện thoại đều bị gọi hoặc nhắn tin để “khủng bố”.
“Họ gọi điện, nhắn tin nói sẽ thuê giang hồ, dùng lời lẽ tục tĩu, thậm chí đe dọa tính mạng khiến tôi thực sự hoảng loạn” – anh Tiến phản ảnh.
Anh T.Bình bức xúc cho biết người thân trong gia đình đã liên tục bị gọi điện đe dọa đòi nợ.
“Tôi gọi lên tổng đài hỏi lý do, nhân viên bảo công ty có quyền truy cập vào danh bạ điện thoại của tôi. Tôi yêu cầu họ gửi tin nhắn xin lỗi người thân của tôi, còn chuyện tôi chậm trễ nộp tiền tôi sẽ chịu phí phạt nhưng nhân viên từ chối và tắt máy” – anh Bình bức xúc.
Nhiều ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy hiện các ứng dụng vay tiền qua điện thoại mọc lên như nấm như Zot, Vaymuon, Vaytieudung… Ngoài ra, trên các trang mạng còn quảng cáo nhiều ứng dụng kết nối nhu cầu vay và cho vay tiền theo hình thức cho vay ngang hàng.
Các ứng dụng này đều khẳng định “không phải ngân hàng, không phải công ty tài chính” nhưng lại kêu gọi khách hàng có tiền “trở thành nhà đầu tư của ứng dụng này để có lợi nhuận cho khoản tiền nhàn rỗi”.
Hầu hết người vay đều cho biết họ tìm đến các ứng dụng để vay tiền vì điều kiện để vay vốn quá dễ, không cần gặp mặt, chỉ cần điền thông tin, số CMND, địa chỉ, nơi làm việc và cung cấp số tài khoản là sẽ được cho vay nên khi cần kíp họ đã tìm đến. Cũng do thủ tục dễ dàng nên số người tìm đến vay qua các ứng dụng tăng với tốc độ chóng mặt.
19h ngày 14-3 trang tima.vn thống kê đã có 5.747 đơn vay mới trong ngày, nâng tổng số đơn vay trên hệ thống lên hơn con số 4,9 triệu đơn và số tiền đã giải ngân tính từ lúc hoạt động đến ngày 14-3 đã lên đến hơn… 63.829 tỉ đồng.
Trang này cũng liệt kê ra hàng loạt người đăng ký vay đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau: Hải Phòng, Quảng Trị, Trà Vinh…
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khoảng 30-50% ứng dụng cho vay qua điện thoại hoặc kết nối người vay và người cho vay theo hình thức cho vay ngang hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Công nghệ, mô hình cho vay được đưa qua VN, núp bóng dưới dạng các công ty tư vấn đầu tư hoặc dịch vụ thương mại nhưng thực chất là hoạt động cho vay.
“Đối tượng mà hình thức cho vay này hướng tới là những người cần tiền gấp, vay trong thời gian ngắn với lãi suất rất cao, có thể lên đến trên 100%.
“Với mô hình cho vay ngang hàng, tức các trang này đứng làm trung gian kết nối giữa người cho vay và người đi vay, người cho vay không biết đã cho ai vay. Nếu bên vay không trả được nợ, việc khiếu kiện cũng rất khó khăn do phía công ty chỉ là trung gian tư vấn, không chịu trách nhiệm về khoản vay” – ông Đức cho biết.
Tín dụng đen trá hình
Trước tình trạng nở rộ hoạt động cho vay qua ứng dụng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) từng phát đi cảnh báo cho biết mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng, trong đó một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lãi suất cho vay cũng ở mức “cắt cổ” chứ không như quảng cáo.
Theo đó, nhiều mô hình cho vay trực tuyến, thường được biết đến với tên gọi “vay tiền nhanh online”, “vay tiền không thế chấp” hay “vay tiền không cần gặp mặt”…, thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay.
Tuy nhiên, cơ quan này khuyến cáo người vay cần tìm hiểu kỹ về lãi suất, quy trình phê duyệt và giải ngân, thủ tục cung cấp khoản vay. Bởi ngoài lãi suất, một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí khác như phí tư vấn, phí quản lý khoản vay…
Phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn.
“Do đó, trước khi cung cấp các thông tin liên quan, người vay cần tìm hiểu và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty, tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè” – cơ quan này khuyến cáo.
——————
Tuổi trẻ (Kinh doanh) 18-03-2019:
Vòi bạch tuộc cho vay trực tuyến: chiêu trò và khủng bố – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
(173/1.565)