(BĐS) – Những sai phạm từ phân lô bán nền chủ yếu đến từ việc quản lý lỏng lẻo từ chính quyền địa phương bởi thực tế các bộ luật đã quy định rất chặt chẽ về hình thức này. Việc đề xuất sửa đổi vào thời điểm hiện tại liệu có phù hợp?
Chính sách phân lô bán nền đã phù hợp, sao phải thay đổi?
Tại Luật Đất đai năm 2013 và Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định thống nhất về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong đó đã xác định rõ các điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng đã quy định tổ chức, cá nhân trong nước được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đó, đối với các dự án đầu tư phát triển đô thị, pháp luật cũng đã quy định rõ các trách nhiệm cụ thể chủ đầu tư dự án phải thực hiện bao gồm việc xây dựng các công trình trong dự án theo quy hoạch được duyệt.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, kể từ khi Quyết định 33/2014 về giải quyết tách thửa được ban hành, cùng với sự chào đón của các UBND tỉnh với nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư, không ít các công ty địa ốc đã mua những quỹ đất lớn, sau đó phân lô đem bán.
Do vậy, xu hướng phân lô bán nền đã nhanh chóng nở rộ, nhất là tại các tỉnh vùng ven Hà Nội, TP.HCM và các địa phương có du lịch phát triển như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc… Thị trường bất động sản liên tục xuất hiện những cơn sốt đất nền tỉnh lẻ thu hút sự quan tâm và dòng vốn lớn của các nhà đầu tư. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản xuất hiện cơn sóng đổ dồn sang tỉnh lẻ rót vốn đầu tư và loại hình phân lô bán nền là “món ăn” đặc biệt hợp khẩu vị của đa số đại gia địa ốc.
PGS. TS Ngô Trí Long
PGS. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Hiện tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 43 quy định tương đối phù hợp và linh hoạt, vì đã giao cho UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện dự án “phân lô bán nền” phù hợp với quy hoạch và thực tiễn của địa phương, kể cả tại các khu vực ngoài địa bàn các quận nội thành của các đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM)”.
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cũng phân tích: “Bộ Tài nguyên và Môi trường khi ban hành chính sách cần phải đánh giá tác động cả tích cực và tiêu cực. Đất đai là vấn đề hết sức nhạy cảm. Một chính sách đưa ra thị trường bị dư luận phản ứng thì vô hình chung nó không có tác động tích cực. Bản chất hình thức phân lô bán nền không có lỗi, cả quốc tế và Việt Nam đều đang có nhu cầu này. Do đó, kể cả có cấm thì thị trường cũng sẽ phản ứng đi theo hình thức khác. Bởi thực tế, nhu cầu của thị trường là có, nhu cầu rất lớn”.
Còn ở góc độ người nghiên cứu luật, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay: “Về tính pháp lý, các dự án phân lô bán nền là chính sách đúng đã được ghi nhận. Từ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản đã có những quy định rất rõ vẫn cho phép và ghi nhận lợi ích của việc phân lô bán nền. Mấu chốt của vấn đề sửa đổi, hạn chế khu vực phân lô bán nền này ảnh hưởng rất nhiều các đối tượng. Tôi cho rằng, không phải cứ thích là ban hành luật cấm bởi phải thấy các yếu tố có phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, kinh tế xã hội hay không”.
Luật sư Trương Thanh Đức lý giải, về cơ sở pháp lý, theo Luật Đất đai, nhiệm vụ cho phép phân lô hay không phân lô, bán nền hay không bán nền thuộc về Chính phủ. Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản cũng dựa trên các điều khoản của Luật Đất đai về quy định phân lô bán nền.
Luật sư Trương Thanh Đức
Còn về tinh thần, thì dự thảo sửa đổi đang trái ngược với nhiều quy định hiện tại. Dẫn chứng là Điều 194.1a Luật Đất đai cho phép hình thức phân lô bán nền, thứ 2 là Điều 11.1c Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng cho phép, ghi nhận phân lô bán nền. Thứ 3 là Điều 8.2b của Luật Nhà ở, cũng cho phép như vậy.
Sửa đổi đang hướng tới việc cấm phân lô bán nền là chính. Tới 80% đối tượng theo nội dung dự thảo sửa đổi là nhà ở, dự án nằm trong các khu đô thị, từ gần tới xa lõi, từ khu vực lõi đến khu vực ngoại đô. Như vậy là đang áp đặt “lệnh cấm” với hầu hết các hoạt động về phân lô bán nền, trong khi đây đang là nhu cầu chung, quy định, pháp lý hành chính về phân lô bán nền đều đã được ban hành thống nhất và chặt chẽ.
Luật Đất đai cho phép, Luật Nhà ở cho phép và Luật Kinh doanh bất động sản cũng cho phép, nhưng tại sao, trong khi luật không thay đổi thì nghị định cứ nay sửa chữa, mai thay đổi? Điều này hoàn toàn không hợp lý. Kể cả quy định về phân lô bán nền của Luật Đất đai cần sửa lại, thì Nghị định chỉ nên cụ thể hóa chi tiết, luật hóa hơn chứ không thể cấm vì đó mới là vai trò của Nghị định, hướng dẫn.
Trong quản lý đất đai cần chế tài quản lý nghiêm khắc thay vì cấm đoán.
Sửa đổi Nghị định đang đi ngược chiều?
Các chuyên gia cùng đồng quan điểm cho rằng với cách sửa của dự thảo Nghị định, việc cấm tất các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, các phường thuộc thị xã… là quá cứng nhắc. Đề xuất này đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến các địa phương, bởi địa phương luôn có nhu cầu sử dụng quỹ đất để phát triển kinh tế và tạo nhà ở cho người dân. Nếu các tỉnh, thành phố muốn tổ chức đấu giá là không được.
Bên cạnh đó, theo quy định, một dự án phải hoàn thành đầu tư hạ tầng, hệ thống kỹ thuật thì được quyền bán đất nền, trong khi doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là vừa và nhỏ, không đủ nguồn vốn đầu tư, phải bán đất nền để có thanh khoản, khó có thể huy động được số vốn hàng nghìn tỷ đồng cho những dự án lớn từ 20 – 30ha. Điều này sẽ gây khó cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản trên toàn quốc.
Ngoài ra, người mua chỉ đủ tiền mua được đất trong khu hạ tầng được hoàn thiện, có đủ giấy tờ pháp lý sở hữu. Nếu bắt buộc người dân phải mua cả một ngôi nhà thì sẽ gây khó cho họ.
TS.KTS. Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị
Nhận định về vấn đề này, đại diện cơ quan Nhà nước, TS.KTS. Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho hay, doanh nghiệp bất động sản hiện nay rất khó khăn. Do tác động của Covid-19, không phải cứ doanh nghiệp lớn là ổn. Qua dịch Covid-19, nhiều gia đình, hộ gia đình đặt lại vấn đề liệu có nên đầu tư dàn trải, xuống tiền ngay không khi họ cần một khoản tiền lớn dự trữ phòng trừ cho trường hợp khẩn cấp xảy ra như phục vụ cho nhu cầu sức khỏe chẳng hạn… Cho nên việc đầu tư của họ vào thị trường này rất khó khăn. Thanh khoản của doanh nghiệp rất khó. Trong bối cảnh này, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Nếu năm 2013, Chính phủ có ban hành nghị định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì năm 2020 cũng rất cần những chính sách hỗ trợ như vậy.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Đây là thời điểm để điều chỉnh các vấn đề pháp lý trở thành định hướng, bệ đỡ tốt, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Chứ không thể đẩy thị trường vào khó khăn bởi quy định hành chính thiếu rõ ràng, nhất quán. Cấm sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Cấm chỉ mang tính hành chính đối phó và cũng không có tác dụng mang tính hỗ trợ, phát triển các ngành nghề”.
Ở góc nhìn nhà phát triển dự án và kinh doanh bất động sản, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, với quan điểm của thị trường, không thể can thiệp quá thô bạo vào cung cầu, nhu cầu của thị trường. Chúng ta không nên cấm hết mà cần có sự điều tiết của Nhà nước. Cần trả lời được những câu hỏi trước khi đưa ra lệnh cấm đó là phân lô bán nền là gì, tại sao phải phân lô bán nền, tại sao cấm? Khi chúng ta làm quy hoạch thì chủ đầu tư phải có năng lực để giải phóng đền bù. Hai là các cơ quan quản lý phải chắc rằng chủ đầu tư có đủ tiềm lực tài chính để phát triển dự án.
Kiến giải về chính sách phân lô bán nền, PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Trong quản lý đất đai cần chế tài quản lý nghiêm khắc thay vì cấm đoán. Nếu sai phạm, siết chặt quản lý để không dám vi phạm nữa. Đưa ra quy phạm chặt chẽ để điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật là điều cần thiết.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng về kiểm soát phân lô bán nền cần dựa vào tiêu chí nào để phân chia khu vực chức năng. Do đó, việc phân lô, bán nền cần dựa trên cơ sở có dự án, quy hoạch 1/500, có hạ tầng được cơ quan chuyên môn thẩm định. Việc này sẽ góp thêm nhiều tiếng nói và cũng là một kênh để các nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nhằm thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai nhanh và thực sự mang “hơi thở của cuộc sống”.
—————
Bất động sản (Thời sự) 04-6-2020:
http://reatimes.vn/ban-chat-hinh-thuc-phan-lo-ban-nen-khong-co-loi-20200602080135275.html
(468/1.940)