(HQ) – Tín dụng đen đã và đang trở thành vấn nạn, gây rất nhiều hệ lụy cho an ninh, trật tự xã hội. Tác hại là thế, nhưng “đất sống” cho những “vòi bạch tuộc” mà tín dụng đen luôn giương ra vẫn còn rất rộng. Do đó, cần những chế tài đủ mạnh.
Tín dụng đen đang núp dưới nhiều hình thức để tiếp cận người dân. Ảnh: ST |
Đa dạng như… tín dụng đen
Gặp khó khăn do làm ăn thua lỗ, chị P. (Hoàng Mai, Hà Nội) phải đi vay “nóng” tín dụng đen khoảng 100 triệu đồng. Từ đó, mỗi tháng, chị phải trả 15 triệu đồng tiền lãi trong 1 năm. Như vậy, tính ra, chị P. đang phải đi vay với mức 180%/năm. Theo khảo sát, tại nhiều cửa hàng cầm đồ tại Hà Nội, mức lãi suất phổ biến trong khoảng từ 3.000-7.000 đồng/triệu/ngày, tùy thuộc vào tài sản thế chấp. Còn có, một hình thức tương đương “tín dụng đen” khác là chơi hụi. Chị N. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị có tham gia chơi hụi với khoảng 10 thành viên, hàng tháng đóng 1 triệu đồng/người, mỗi tháng ai mua hụi thì trả lãi suất tùy theo thỏa thuận, nhưng thường cao hơn lãi suất ngân hàng.
Trong 4 năm (từ 2015 đến 2018) toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen; trong đó, có 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp giật, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 165 vụ hủy hoại tài sản và 56 vụ giết người… Hiện cơ quan Công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm, 831 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. |
Hiện nay “vòi bạch tuộc” tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” không những vẫn hoành hành mà còn biến tướng, “nép mình” dưới nhiều cách thức khác nhau. Chỉ cần quan sát, dễ dàng bắt gặp tại nhiều con ngõ, góc phố trên địa bàn Hà Nội các loại tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp, cho vay tín chấp khá hấp dẫn như: Thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày chỉ cần hộ khẩu hoặc chứng minh thư làm chứng…, hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính…
Ngoài những đối tượng chơi cá độ, cờ bạc hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác tìm đến tín dụng đen, đối tượng vay hiện nay còn là những người có kinh tế khó khăn, thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc những người có khó khăn đột xuất cần tiền để giải quyết. Họ cho rằng chỉ cần vay vài ngày rồi trả, lãi cao một chút nhưng số tiền vay không quá lớn nên không đáng lo.
Nhưng chính vì lãi suất cao nên nhiều người vay đã không thể có khả năng trả, từ đó, các vụ tội phạm, bạo lực vì tín dụng đen vẫn xảy ra đầy nhức nhối. Mới đây, ngày 3/3, một người đàn ông trên địa bàn huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã bị 4 đối tượng hành hung đến chết, nguyên nhân ban đầu được xác định là do người này có vay một khoản tiền của nhóm tín dụng đen nhưng không có để trả.
Từ những vụ việc bạo lực xảy ra mà không ít băng nhóm tội phạm tín dụng đen bị phát hiện ra. Cuối năm 2018, từ một bệnh nhân tử vong do đa chấn thương, Công an tỉnh Thanh Hoá đã khám nghiệm, điều tra và triệt phá, bóc gỡ đường dây tội phạm chuyên cho vay lãi nặng do đối tượng Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Công ty tài chính Nam Long (trú tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cầm đầu với “chân rết” tại 63 tỉnh, thành phố. Chuyên án bước đầu đã làm rõ, các đối tượng cho rất nhiều nạn nhân vay lãi từ 180% đến 360%/năm; mức cao nhất lên tới 1.043%/năm, tương đương với 28.571 đồng/triệu/ngày. Cũng qua điều tra, cơ quan Công an phát hiện băng nhóm tội phạm này hoạt động có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, phạm vi hoạt động rộng, có sự phân công chặt chẽ, hoạt động núp bóng doanh nghiệp cùng nhiều thủ đoạn hoạt động mới. Ví dụ như việc đòi nợ không dùng vũ lực mà tìm cách chuyển hóa sử dụng nhiều biện pháp nhằm khủng bố tinh thần con nợ.
Tại diễn đàn Quốc hội, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tín dụng đen là quan hệ tự thoả thuận cho vay với lãi suất cao. Mặc dù là quan hệ dân sự nhưng đằng sau thường là tổ chức tội phạm.
Pháp luật chưa đủ mạnh
Mặc dù có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân có thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng đối với người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân khiến tín dụng đen còn nhiều “đất sống” là do kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều cá nhân, công ty gặp khó khăn về vốn nên đi vay; tình trạng cá độ, cờ bạc vẫn tiếp diễn; các chế tài xử lý chưa tương xứng và chưa thực sự răn đe; sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng chưa đúng mức… Đặc biệt, thị trường vốn tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay có giá trị nhỏ (50 triệu đồng). Theo kết quả khảo sát của S&P Global FinLit Survey, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người trưởng thành có hiểu biết về tài chính thấp nhất trong khu vực (24%), trong khi đó Thái Lan (27%), Indonesia (32%), Malaysia (36%).
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, ngoài các lý do như nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, lợi nhuận tín dụng đen rất cao hay thường có sự bảo kê…, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tín dụng đen hoành hành là do có sự bất cập của pháp luật, dẫn đến việc khó xử lý vi phạm. Về trần lãi suất, pháp luật quy định không phù hợp với thực tế, dẫn đến hầu hết giao dịch cho vay ngoài ngân hàng đều vi phạm, không chỉ có tín dụng đen. Ngoài ra, việc xử lý hành chính vi phạm trong hoạt động cho vay đang bị vướng mắc. “Từ năm 2017 đến nay, quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dễ dàng xác định tội cho vay lãi nặng hơn. Theo đó, nếu cho vay với mức lãi suất từ 100% trở lên cùng với việc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên có thể bị xử phạt hình sự, với mức phạt tù cao nhất là 5 năm. Tuy nhiên, cái khó đối với các cơ quan chức năng khi xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự đối với tín dụng đen là phải vạch trần được thủ đoạn, nhưng kẻ cho vay đã hợp thức hóa mức lãi suất trong các hợp đồng không vượt trần 20% hoặc 100%/năm”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, một luật sư còn cho rằng: “Hệ thống pháp luật hình sự liên quan đến tín dụng đen đang chống nhầm mục tiêu”. Vị luật sư này cho rằng, nước ta vẫn chưa có một điều luật nào đặc trưng về tín dụng đen, chống thẳng vào bản chất nguy hiểm của loại hình cho vay gây mất an toàn xã hội. Bởi thực tế, có những trường hợp người vay sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vượt ngưỡng hình sự vì nhu cầu vay vốn cấp thiết và vì lợi ích thiết thực của chính họ. Nên quy định về tội Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 Bộ luật Hình sự (mức lãi suất chạm ngưỡng hình sự là từ 100%/năm, lãi suất cao nhất theo Bộ luật Dân sự là 20%/năm) khiến cho mọi tổ chức cho vay hợp pháp chùn bước, không dám giải phóng nguồn vốn tín dụng cho những khoản vay lãi suất cao từ 100%/năm. Điều này khiến tín dụng đen có sân chơi độc quyền bởi giới cho vay bất tuân pháp luật sẵn sàng vượt qua giới hạn của điều luật nói trên.
Cùng với những vướng mắc luật pháp nhiều ý kiến cho rằng, hiện thủ tục giải ngân của ngân hàng cần 15-20 ngày, nhiều trường hợp đòi hỏi tài sản bảo đảm, trong khi đó vay vốn bên ngoài thời gian giải ngân tính theo giờ, rất nhanh chóng… Chính vì thế, việc tháo gỡ, giải quyết vấn nạn tín dụng đen cần sự vào cuộc của nhiều bên, nhiều phía và phải tìm ra được giải pháp cụ thể, đi thẳng vào nhu cầu thực, thiếu sót thực của vấn đề.
Hương Dịu
——————
Hải quan Online (Kinh tế) 22-03-2019:
Chặt đứt “vòi bạch tuộc” tín dụng đen (haiquanonline.com.vn)
(250/1.635)