(ND) – Tư vấn cho khách hàng vay vốn mua nhà tại hội chợ bất động sản.
Ảnh: SONG SONG
Hoạt động tài chính tiêu dùng (TCTD) đã được đánh giá đúng về vai trò và lợi ích, song nhu cầu vay tiêu dùng vẫn còn quá lớn, thể hiện qua nạn “tín dụng đen” vẫn nhức nhối. Các chuyên gia cho rằng, tăng cường và đẩy mạnh việc cho vay chính thống sẽ làm lành mạnh được thị trường TCTD. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý để vừa khuyến khích, vừa có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động TCTD.
Kỳ 3: Hướng tới thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh
(Tiếp theo & hết)
Lạc quan về thị trường TCTD
Trao đổi ý kiến tại Tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế – Cơ hội cho TCTD” diễn ra mới đây, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó Tổng giám đốc SHB Finance cho biết, khá lạc quan và có niềm tin đối với thị trường TCTD. Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy phân tích, thành công hiện tại của Việt Nam trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 đã được truyền thông quốc tế đánh giá cao và có nhiều lời khen ngợi. Từ đó mở ra rất nhiều cơ hội phát triển đối với nền kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19. Trước các dự báo thuận lợi về sự phát triển của nền kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn sau dịch Covid-19, bức tranh phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng rõ nét hơn.
Theo khảo sát của SHB Finance đối với hơn 6.000 DN, thì tỷ lệ DN hoạt động bình thường trong tháng 5 tăng 13% so tháng 4 và chiếm hơn 85%. Nhóm DN bị giải thể, sắp giải thể, ngừng hoạt động không dao động nhiều giữa hai tháng, vẫn ở mức dưới 4%. Đối tượng khách hàng của tổ chức tín dụng chính là người lao động (phân khúc trung bình thấp), đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương, mất, giảm thu nhập khi DN bất ổn. Tuy nhiên, khi DN có thể quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động, thì bài toán dần dần được tháo gỡ. SHB Finance dự báo nhu cầu vay vốn tiêu dùng sẽ tăng trở lại từ tháng 5-2020. Vấn đề là xác định được khách hàng nào có thể đủ chuẩn để cho vay.
Đối với các công ty tài chính (CTTC) mới gia nhập thị trường trong ba năm qua thì thách thức sẽ có nhiều hơn là cơ hội. Nếu DN nào chưa đủ thời gian để thiết lập bộ máy nhân sự vận hành ổn định, chưa thể gia tăng tổng tài sản, doanh thu để tạo lợi nhuận thì trong bối cảnh hậu Covid-19 rủi ro nợ xấu gia tăng, huy động vốn khó khăn sẽ dễ dàng đưa các DN mới vào ngõ hẹp.
Nhưng về cơ hội, sau giai đoạn dịch sẽ mở ra nhiều định hướng mới trong phát triển kinh doanh, là dịp để các DN mới cấu trúc lại mô hình hoạt động và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số để tiết giảm chi phí, đáp ứng xu hướng cho vay tiêu dùng (CVTD) mới.
Lành mạnh hóa thị trường
Về kiến nghị và gợi ý hướng tới hoàn thiện thị trường TCTD, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy cho biết, hiện nay Trung tâm tín dụng (CIC) là nơi thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng của cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ hoạt động của NH, tổ chức tín dụng. Để các CTTC có nhiều dữ liệu trong quá trình thẩm định và duyệt vay đối với khách hàng thì việc ứng dụng big data (dữ liệu lớn) rất quan trọng. Nếu CIC có thể cập nhật thêm về dữ liệu thể hiện hành vi thanh toán chi phí tiêu dùng của khách hàng như thông tin bảo hiểm xã hội, thông tin nộp thuế thu nhập cá nhân, thông tin thanh toán/nợ hóa đơn… thì các thông tin này rất hữu dụng cho tổ chức tín dụng để bảo đảm hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân được thực hiện đúng đối tượng, từ đó hạn chế thấp nhất nợ xấu.
Cũng theo bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, cần khuyến khích tất cả CTTC tham gia Hiệp hội NH Việt Nam, phân nhóm CTTC và có diễn đàn chuyên đề riêng cho tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tạo một sân chơi mới, liên kết phối hợp giữa các CTTC để chia sẻ thông tin khách hàng gian lận, nhóm nhân viên gian lận cấu kết khách hàng trục lợi CTTC… Thực tế, một số CTTC đã nới lỏng quy định, cho khách hàng vay thêm dù khách hàng đang có nhiều khoản nợ tại các CTTC khác, dẫn đến tình trạng khách hàng mất khả năng thanh toán nợ do vay quá nhiều, phát sinh nợ xấu. Đây cũng là vấn đề cần được quản lý chặt chẽ.
TS Đặng Ngọc Đức, nguyên Viện trưởng NH tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, vẫn còn một số thách thức đối với phát triển TCTD trong thời gian tới. Thứ nhất, CVTD luôn phải đối diện nguy cơ rủi ro cao. Bởi ở Việt Nam chủ yếu là cho vay tín chấp. Với những quy định của NHNN, CVTD tín chấp ở Việt Nam phần lớn do các CTTC triển khai và luôn tiềm ẩn rủi ro. Thứ hai, ở các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ, CVTD thường tập trung vào nhiều sản phẩm, nhưng ở Việt Nam chỉ có hai sản phẩm phổ biến là cho vay đầu tư bất động sản (BĐS), sửa nhà chiếm tỷ lệ gần 50% dư nợ TCTD và vay để mua ô-tô chỉ khoảng 10%. Điều đáng chú ý là sự tập trung chủ yếu vào BĐS và mua ô-tô, có thể xuất hiện thêm tình trạng vay vốn của nhiều tập đoàn BĐS. Do đó, CVTD cần phải được giám sát chặt chẽ để không xảy ra rủi ro và tiềm ẩn khả năng vỡ nợ. Thứ ba, TCTD tập trung vào nhu cầu mua và sửa nhà, mua ô-tô, các phương tiện đi lại và mua hàng điện máy, điện tử nhưng việc mở rộng dư nợ những sản phẩm cho vay này đang gặp một số khó khăn. Thứ tư, ngoài các khoản vay trên, các khoản vay có mục đích khác hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, một phần do yêu cầu nhiều nguồn lực hơn trong phát triển quan hệ với các nhà cung cấp, tiếp cận khách hàng và xử lý thủ tục vay. Thứ năm, không thể không kể đến tác động của dịch Covid-19 đã gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng. Covid-19 không chỉ làm suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, do vậy sẽ gây ra tác động kép đối với TCTD, cả về nhu cầu sụt giảm và khả năng thu nợ của các CTTC và NHTM.
Biện pháp lâu dài nhất để khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả, có kế hoạch chi tiêu và phương án trả nợ rõ ràng, có kỷ luật tài chính, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng (NHNN Việt Nam), là phải đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục tài chính cá nhân cho NTD. Các CTTC, tổ chức tín dụng nên công bố điểm tín dụng cá nhân người vay, tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay và khuyến cáo khách hàng không vay bằng mọi giá. Có trách nhiệm với khoản vay chính là cách giúp khách hàng nâng điểm tín dụng, có cơ hội tiếp cận vốn lãi suất thấp hơn, hạn mức cao hơn.
Hoàn thiện khung pháp lý chặt chẽ & minh bạch
Theo PGS, TS Đặng Ngọc Đức, đối với NHNN và các cơ quan quản lý (CQQL), Chính phủ và NHNN cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý để vừa khuyến khích, vừa có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động TCTD. Trước hết là việc nghiên cứu và công bố một chương trình CVTD hỗ trợ người dân có nhu cầu vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia tài chính và các nhà quản lý khi được hỏi về vấn đề này đều thống nhất rằng, việc các tổ chức tín dụng triển khai các sản phẩm CVTD đặc biệt, hướng tới đối tượng khách hàng đặc biệt là một trong những giải pháp cơ bản cần được khuyến nghị nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng TCTD. Song song với hoàn thiện các quy định hiện hành về TCTD, theo TS Đặng Ngọc Đức, CQQL cần bổ sung thêm một số quy định mới, sao cho có thể hỗ trợ về cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động CVTD. Ngoài ra, trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc phát triển TCTD, các quy định của Chính phủ và NHNN cần thể hiện sự khuyến khích hỗ trợ rõ ràng, cụ thể có thể cho các tổ chức tín dụng tự cân đối, hay cho phép tách CVTD và cho vay sản xuất, kinh doanh, quy định về hạch toán riêng về thu nhập và rủi ro tín dụng… Đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể bao gồm các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp… là rất quan trọng đối với việc phát triển TCTD tín chấp.
Về vấn đề này, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, thực tế nhu cầu vay tiêu dùng bên ngoài vẫn còn quá lớn, thể hiện qua nạn “tín dụng đen” vẫn nhức nhối. Kênh cho vay chính thống vẫn tiềm năng, nhiều điểm sáng, có nhiều ưu thế, ổn định và phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, với công nghệ hiện nay, chúng ta có thể đưa vào những sản phẩm phù hợp hơn với nhiều đối tượng, tương tác nhiều hơn với khách hàng để hạn chế rủi ro “tín dụng đen”. Hiện nay, luật cơ bản sử dụng là Bộ luật Dân sự áp cho TCTD trong khi các quốc gia khác không ứng xử như vậy. TCTD sẽ gắn với việc làm, hành vi lối sống, niềm tin, rủi ro tài chính cả vĩ mô và vi mô. Về dài hạn, Việt Nam cần có một bộ luật bảo vệ tiêu dùng tài chính để thiết lập một khung.
THU THỦY, HÀ MY
—————
Nhân Dân (Kinh tế) 05-6-2020:
https://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/item/44746902-dịnh-vị-tai-chinh-tieu-dùng.html
(170/1.886)