2.568. Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân đều thiệt

(LĐ) – Những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động.

Để thực hiện mục tiêu này, chủ trương của Đảng, Nhà nước là giảm giá bán phân bón cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón. Trên cơ sở đó, ngày 26.11.2014, Quốc hội thông qua Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2015, quy định mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Tuy nhiên sau gần 5 năm thực hiện, Luật thuế 71 đã nảy sinh một số bất cập, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên hệ quả là không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên. Doanh nghiệp (DN) phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân. Hệ quả là nông dân vẫn phải mua phân bón nội với giá cao. Thậm chí, không ít nông dân đã tìm đến với phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.

Những tác động “ngược”

Theo Bộ Công Thương, ước tính từ khi thực hiện Luật 71, giá thành phân đạm tăng 7,2 – 7,6%; phân DAP tăng 7,3 – 7,8%; phân supe lân tăng 6,5 – 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 – 6.1%. Như vậy, không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhập khẩu, tăng sức ép đối với các DN sản xuất phân bón trong nước, dẫn đến khả năng nhiều DN sản xuất phân bón trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Đây là thiệt thòi lớn cho ngành công nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và lãng phí nguồn lực xã hội. Việc này DN đã “kêu” bao năm nay.

“Khi đưa vấn đề này vào luật, các nhà làm chính sách không lường được, tưởng rằng miễn thuế có lợi cho DN nhưng hóa ra lại gây khó khăn, bất lợi. Miễn giảm thuế VAT ở nước ta đang đi ngược với nhiều nước trên thế giới” – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nói.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO), cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp… thì phân bón đóng góp tới trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Tại một cuộc hội thảo liên quan đến Luật thuế 71, ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn –  từng đưa ra giải pháp là cần có một đánh giá cụ thể về những tác động của Luật thuế 71 tới ngành phân bón trong nước, tới DN và nông dân như thế nào. Cần có phân tích trên cơ sở khoa học để Chính phủ có thể làm thủ tục trình Quốc hội sửa luật.

Bên cạnh những khó khăn nội tại thì thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành phân bón phải đối mặt thêm hàng loạt khó khăn mới. Như một cơ thể ốm yếu cần có thuốc chữa trị kịp thời, việc Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật thuế 71 được ví như liều thuốc quý giúp DN phân bón trong nước sớm ổn định và tăng trưởng, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Khi phân bón nội giá cao hơn phân bón nhập khẩu 

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) là một trong những DN sản xuất phân bón lớn nhất hiện nay, hàng năm cung ứng ra thị trường từ 1-1,2 triệu tấn sản phẩm. Từ khi bắt đầu thực hiện Luật thuế 71, PVFCCo đã phải hạch toán khoảng 637 tỉ đồng tiền thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất khiến mỗi tấn phân URE mà DN này bán ra thị trường sẽ đội giá từ 300.000-400.000 đồng. Ông Lê Văn Quốc Việt – Phó Tổng Giám đốc PVFCCo  – phân tích: Thuế đầu vào đó bắt buộc DN phải hạch toán vào chi phí sản xuất của đơn vị, dẫn đến giá thành, giá bán tăng lên từ 5-8%. Điều này dẫn đến việc, để duy trì sản xuất bắt buộc phải tăng giá bán và người nông dân phải chịu mua phân bón với giá cao.

Còn ông Phùng Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam – nhận định: “Khi tổng mức đầu tư tăng lên do không được hoàn thuế, không được khấu trừ VAT dẫn tới hiệu quả đầu tư giảm, nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng đầu tư các loại công nghệ mới để sản xuất ra các thế hệ phân bón mới. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới bà con nông dân”.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, chúng ta nhập khẩu khoảng trên 4 triệu tấn phân bón chủ yếu từ các nước: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… trị giá khoảng 1,33 tỉ USD. Những sản phẩm phân bón ngoại này có mức giá tương đối ưu đãi so với phân bón sản xuất trong nước do cũng không phải chịu thuế VAT theo quy định của Luật thuế 71. Do đó, các sản phẩm phân bón trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của hàng nhập khẩu, do lợi thế công nghệ sản xuất, và đa phần là các nước thuộc khối ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định ATIGA. Bởi vậy, việc đưa phân bón trở lại nhóm hàng chịu thuế GTGT không những sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước mà còn hạn chế được việc nhập khẩu ồ ạt phân bón ngoại với giá rẻ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích: “Về ngân sách nhà nước, nếu đánh thuế VAT với phân bón thì lập tức phân bón ngoại nhập cũng phải chịu thuế VAT. Và ngân sách Nhà nước ngay khi nhập lượng phân bón vào biên giới là đã đánh thuế rồi và ngân sách thu được một khoản từ thuế VAT đó. Nhưng đồng thời, thuế VAT đó làm cho giá phân bón cao lên và nó làm cho năng lực cạnh tranh của DN trong nước cũng được nâng theo”.

Hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón của Việt Nam là khoảng 11 triệu tấn/năm trong đó chủ yếu là phân bón vô cơ với khoảng 10 triệu tấn. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng phân bón nhập khẩu liên tục tăng lên, với giá rẻ do được hưởng ưu đãi về thuế GTGT khiến cho cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” khó đạt được kết quả như kỳ vọng.

Ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp sản xuất trong nước

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) năm 2019, số thuế VAT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã là hơn 3.000 tỉ đồng, riêng năm 2018 là trên 583 tỉ đồng. Riêng hai doanh nghiệp sản xuất đạm URE lớn nhất cả nước thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dấu khí (Đạm Phú Mỹ) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) cũng lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Bộ Tài chính kiến nghị đưa phân bón trở lại mặt hàng chịu thuế GTGT

Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, kiến nghị của doanh nghiệp về việc đưa mặt hàng phân bón trở lại diện chịu thuế GTGT sẽ được Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong hoàn cảnh nền nông nghiệp và nông dân cả nước đang lâm vào khó khăn do dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn mặn… phức tạp, khó lường như hiện nay khi có tới 5 tỉnh công bố thiên tai, các doanh nghiệp phân bón trong nước và Hiệp hội Phân bón Việt Nam bày tỏ mong sớm được xem xét, sửa đổi những bất cập trong chính sách thuế GTGT với sản xuất phân bón sớm nhất có thể. Trước trực thạng trên, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5%.

Cụ thể, tại khoản 3a Điều 5 của Luật thuế 71, quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Nhưng sau khi nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tính toán phương án chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% vào nội dung sửa đổi Luật thuế GTGT.

Cũng theo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét vấn đề này và đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị các nội dung sửa đổi Luật thuế GTGT để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, muốn sửa đổi luật phải được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, nhưng hiện nay, dự án Luật thuế GTGT sửa đổi chưa được đưa vào chương trình họp Quốc hội kỳ này.

THẾ VINH (TỔNG HỢP)

—————

Lao động (Thời sự) 07-6-2020:

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nha-nuoc-doanh-nghiep-va-nong-dan-deu-thiet-810236.ldo

(64/1.780)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.399. Làm mới Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đến...

Làm mới Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đến lúc sửa đổi bất cập về...

Trích dẫn 

3.917. Bất cập về bậc thuế, mức thuế: Nên...

Bất cập về bậc thuế, mức thuế: Nên sửa thế nào? (DĐDN) - “Việc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 233,088