Vì sao “tín dụng đen” vẫn tồn tại?
Có thể nói rằng, hiện nay “tín dụng đen” quá dễ tiếp cận. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, gần đây tín dụng đen đã bùng phát, điều này cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn, trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu. “Hệ lụy của tín dụng đen rất lớn, do đó phát triển tín dụng tiêu dùng (TDTD) sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn qua đó giảm bớt những hệ lụy không đáng có”- ông Nguyễn Tú Anh nói.
Còn theo TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo sự thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng. Đó chính là, không nhất thiết phải “tiết kiệm trước, tiêu sau” mà có thể “vay mua trước, trả sau”. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay giá trị nhỏ; việc tiếp cận TDTD chính thức còn thiếu bao trùm (inclusive) khi học sinh, sinh viên, nông dân được vay rất ít; ngay cả với khách hàng được vay, nhu cầu tín dụng còn chưa được đáp ứng đầy đủ khi trên 50% khách hàng tại công ty tài chính và 60% tại ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được đáp ứng dưới 2/3 nhu cầu vốn. “Nghĩa là, phát triển TDTD không chỉ đẩy lùi “tín dụng đen”, mà còn là động lực, một cách thức để phát triển kinh tế – xã hội, mở ra cơ hội nâng cao phúc lợi cho người dân” – TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Tín dụng tiêu dùng sẽ đẩy lùi “tín dụng đen”
Thực tế, các công ty tài chính tiêu dùng ra đời thời gian qua, chấp nhận cho vay tín chấp, cho vay các món vay nhỏ đã giúp hàng triệu khách hàng “dưới chuẩn” có cơ hội vay vốn từ kênh tín dụng chính thức, giúp họ không bị sập bẫy “tín dụng đen”. “Tín dụng tiêu dùng còn dư địa rất lớn. Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng sẽ là một trong những trợ lực quan trọng để đẩy lùi được nạn tín dụng đen. Việc phát triển cho vay tiêu dùng là phương án tối ưu để giúp những người nghèo, những người có điểm tín dụng thấp được tiếp cận nguồn vốn chính thống và được pháp luật bảo vệ. Một trong những mô hình tốt hiện nay là các công ty tài chính. Thông qua những công ty này, khách hàng có cơ hội được tiếp cận vốn dễ dàng hơn, quan trọng là những công ty này có hành lang pháp lý thông thoáng để hoạt động” – TS.Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thì cho rằng, đối với các công ty tài chính đây là nhóm doanh nghiệp khá năng động. Tại nhiều cửa hàng bán lẻ, công ty tài chính đã kết nối để cung cấp tín dụng tại chỗ cho khách hàng, rất tiện lợi. Cũng theo ông, cần đa dạng hóa mô hình này hơn nữa…
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam hiện có thị trường cho vay tiêu dùng vô cùng nhỏ bé. Chính điều này đã khiến “tín dụng đen” có đất nở rộ. “Thống kê tại 16 nước châu Âu cho thấy, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng cho vay của hệ thống ngân hàng, sau đó mới đến tỷ lệ cho vay sản xuất, kinh doanh khoảng 25%… Cách hoạt động tín dụng tại Việt Nam hiện đang cho thấy vẫn hướng nhiều vào sản xuất, kinh doanh mà chưa thực sự chú ý tới cho vay tiêu dùng” – ông Nghĩa nói. Cũng theo vị chuyên gia này, các nước Đông Nam Á hay Bắc Á đã từng có một thời chịu ảnh hưởng của “tín dụng đen” nhưng dần dần, các nước này đã khắc phục được bằng cách phát triển hệ thống cho vay tiêu dùng chính thống.
Nói về giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng, với ý nghĩa không nhỏ của tín dụng tiêu dùng, cần tạo hành lang thông thoáng, hợp lý cho loại hình này phát triển. Bởi khi hành lang pháp lý về các công ty tài chính được hoàn thiện sẽ có nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này…
——————
Sài gòn giải phóng (Kinh tế) 25-03-2019:
(88/894)