(TGTT) – Các chuyên gia cho rằng, để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt như Phú Quốc, Vân Đồn, cần phát triển kinh tế ban đêm, khoanh vùng các khu vực có tiềm năng, đặc biệt là phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch…
Tọa đàm tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: Reatimes |
Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là kênh đầu tư hấp dẫn của người Việt
Tại buổi toạ đàm “Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19”, diễn ra sáng nay (9/6), do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Reatimes), và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Reatimes, cho biết, thời gian qua, Việt Nam có những khu vực “lột xác” về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, như Phú Quốc hay mới nhất là Vân Đồn. Kéo theo đó là sự sôi động của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở những khu vực này.
“Bằng chứng là trong khi trên thế giới, những “cỗ máy in tiền” dưới dạng mô hình tổ hợp/quần thể du lịch, nghỉ dưỡng đã xuất hiện từ lâu, như ở Singapore, Malaysia… Ở Việt Nam, mới đây, các tổ hợp du lịch quy mô cũng dần xuất hiện tại Vân Đồn, Hạ Long, Phú Quốc và chứng minh được sức hút. Lượng khách du lịch, đặc biệt là dòng khách hạng sang đến các tổ hợp này rất lớn”, ông Nam nói.
Vì thế, xu hướng đầu tư vào các bất động sản nằm trong tổ hợp du lịch sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm về lượng khách ổn định, gia tăng theo thời gian. Các công trình nằm trong tổ hợp sẽ có sự bổ trợ lẫn nhau hiệu quả, đảm bảo khả năng kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thêm điểm cộng nữa là nhà đầu tư có thể yên tâm về tính pháp lý khi đầu tư vào bất động sản nằm trong các tổ hợp quy mô, đẳng cấp.
- Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nêu quan điểm, đầu tư bất động sản là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn của người Việt, trong đó có phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Một trong những nguyên nhân khiến bất động sản được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đó là do mức giá liên tục tăng trong thời gian qua. Theo ông Đính, hàng năm giá nhà, đất đều tăng từ 5-10%, tuỳ thuộc tính sinh lợi thường xuyên của bất động sản.
Điều đáng nói, giá mua bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện nay tuy có cao hơn so với giá bất động sản nhà ở, nhưng so với thế giới vẫn rẻ hơn 8-10 lần. Mặc dù là một kênh đầu tư hấp dẫn, song ông Đính cũng chỉ ra một loạt các vấn đề trong việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay ở Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý là việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn lối đầu tư theo đám đông, nghe lời đồn đoán và thường bị các hình ảnh quảng cáo cũng như nghe mỗi thông tin từ phía chủ đầu tư để quyết định xuống tiền đầu tư.
“Đây là thói quen gây ra hậu quả. Mà nhiều nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là từ đầu tư bất động sản nhà ở chuyển sang, chưa có thói quen đầu tư đồng bộ mà chỉ xây nhà để bán, thiếu kinh nghiệm, thiếu chính sách phát triển đồng bộ”, ông Đính cho biết.
Thời gian tới, xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng của nhà đầu tư sẽ chuyên nghiệp hơn trong việc đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Những dự án yếu thế, kém khả năng khai thác kinh doanh, dự án không có, phương án kinh doanh cụ thể, không tính hiệu quả, chắc chắn sẽ không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư.
Vấn đề pháp lý cũng rất quan trọng với nhà đầu tư thứ cấp, nhưng theo ông Đính, quan trọng nhất là lợi nhuận đầu tư mang lại gì. Đầu tư phải theo tính đồng bộ, đa dạng loại hình du lịch vui chơi, giải trí, ẩm thực, hội nghị… nhiều mô hình khép kín.
Sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Reatimes |
“Trước đây, Việt Nam có mô hình tổ hợp của Vingroup, Sun Group. Giờ đây tôi thấy nhiều hơn các chủ dự án phát triển tổ hợp, đó là xu hướng tiêu dùng và cũng là xu hướng lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp. Vân Đồn đi sau, về sự lựa chọn của Quảng Ninh với Vân Đồn tôi cho là hợp lý. Đầu tư vào thị trường Vân Đồn rất đáng lưu tâm”, ông Đính nhận định.
Kinh tế ban đêm có thể chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch
Nêu giải pháp để hỗ trợ bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cho biết, còn rất nhiều tiềm năng để Việt Nam tạo ra hệ sinh thái phong phú về các sản phẩm kinh tế ban đêm, có thể chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch, giúp tăng trưởng GDP, phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người dân.
Nếu kết hợp phát triển kinh tế ban đêm ở những tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng đa chức năng sẽ thúc đẩy cả hai lĩnh vực cùng tăng trưởng.
Liên quan đến vấn đề kinh tế ban đêm, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng, cần có cơ chế động lực cho những hộ kinh doanh ban đêm ở các khu kinh tế đặc biệt, như giảm giá điện, giảm thuế cho họ, điều này sẽ khuyến khích kinh tế phát triển. Đồng thời phải có những nhà quản lý kinh tế ban đêm chuyên nghiệp, đó là các CEO kinh doanh đêm.
Chia sẻ tại tọa đàm, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, hiện nay chưa có các khung pháp lý cụ thể về phát triển kinh tế ban đêm. Các điều kiện hiện tại để phát triển kinh tế ban đêm còn đơn giản hơn cả phát triển khu công nghiệp.
Do đó theo ông Đức, cần khoanh vùng các khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch. Ví dụ như khách sạn 5 sao, khu vực vui chơi giải trí nên cho mở 24/24 để doanh nghiệp có thể khai thác tốt nhất, không nên ngăn cấm hạn chế, ngăn sông cấm chợ, vì nhu cầu là có thực.
Đồng thời, cần điều chỉnh các tiêu chí sao cho phù hợp vì điều kiện cơ sở hạ tầng, môi trường tự nhiên tại các khu nghỉ dưỡng và khu dân cư là khác nhau, nên cần có sự phân biệt rõ ràng hơn…
HƯƠNG GIANG
—————
Thế giới tiếp thị (Thời sự) 09-6-2020:
(168/1.253)