2.578. Lấy ý kiến cộng đồng dự án PPP: Ngăn tiêu cực

(ĐV) – Vai trò giám sát của người dân phải được đặt lên cao nhất. Người dân sẽ là người phát hiện vấn đề, ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị.

Về quy trình đàm phán và ký kết các hợp đồng PPP, VCCI cho rằng, một vấn đề rất lớn đặt ra là các cơ quan, cán bộ đàm phán, ký kết hợp đồng PPP được phép cam kết những gì và không được phép cam kết những gì? Nói cách khác, thẩm quyền và trình tự thủ tục đàm phán và ký kết các hợp đồng PPP sẽ được phân định như thế nào? Việc minh định về thẩm quyền và trình tự thủ tục đàm phán, ký kết hợp đồng PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của đạo luật này.

VCCI cũng đề nghị cần công khai thông tin về các dự án, hợp đồng PPP trên một cổng thông tin chung và tất cả các dự án đều phải được lấy ý kiến cộng đồng trước khi ký hợp đồng.

Trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, khẳng định, những kiến nghị của VCCI rất chính xác, cần thiết và đúng đắn. Quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch để cộng đồng có thể kiểm tra, giám sát và các cơ quan chức năng, những người thi hành sẽ phải hạn chế, không dám quyết định những thứ không căn cứ, sai trái, bất hợp lý.

“Nhà nước đương nhiên phải công khai giám sát, đây còn là việc của toàn dân bởi đó là tiền của dân, ảnh hưởng trực tiếp đến dân. Vì thế, vai trò giám sát của người dân phải được đặt lên cao nhất, chính cộng đồng sẽ phát hiện ra vấn đề, đồng thời ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa những tiêu cực ở phía người thi hành”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Một trong những nội dung cần công khai, theo ông Đức chính là vấn đề thẩm quyền.

“Một văn bản pháp quy áp dụng cho tất cả mọi người thì luôn luôn công khai ai là người ký, một dự án quan trọng liên quan đến số đông người dân thì không lý gì không công khai ai phê duyệt, ai ký, thậm chí cả người thẩm định, người tư vấn, thẩm quyền của họ đến đâu… để tăng thêm trách nhiệm của họ”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

VCCI cho rằng cần công khai, minh bạch thông tin và lấy ý kiến cộng đồng ở dự án PPP.

Cùng chia sẻ quan điểm về những góp ý của VCCI, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho hay, điểm vướng hiện nay trong các hợp đồng PPP chính là việc phân quyền cho người đại diện cho phía Nhà nước, mà trực tiếp ở đây là những người tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng PPP. Phải thống nhất nguyên tắc đây chính là người chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối và phải yêu cầu họ đặt cược cái gì khi thực thi nhiệm vụ của mình, tránh trường hợp “hy sinh đời bố, củng cố vài chục đời con cháu” sau này.

“Người thực thi, đại diện cho phía Nhà nước là ai? Đó là ông chủ thật hay ông chủ giả? Ở Việt Nam, người đó thường là ông chủ giả, thế nên đầu tư có thiệt thì họ cũng không ảnh hưởng gì, thậm chí Nhà nước càng lỗ bao nhiêu họ càng lợi bấy nhiêu. Đó là vấn đề phải chống trong việc triển khai các quy định pháp luật về PPP.

Trên cơ sở xác định được người đại diện cho phía Nhà nước là ai, phải yêu cầu người ấy chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối thế nào.

Chẳng hạn, trước khi tham gia đàm phán, cơ quan, cá nhân đại diện cho phía Nhà nước phải cam kết việc đầu tư phải có lợi cho Nhà nước như thế nào, nếu thực hiện được thì được hưởng lương, còn nếu sai thì phải chịu trách nhiệm ra sao?

Việc này phải làm rõ từ trước khi giao nhiệm vụ, không phải đợi đến lúc thực hiện thì rút kinh nghiệm, nhân dân thì chịu hậu quả, lỗi được đổ cho lỗi hệ thống, không ai chịu trách nhiệm, còn chính người đại diện kia thì ung dung hạ cánh an toàn với một khoản tiền kếch xù mang về làm giàu”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám phân tích.

Về đề xuất lấy ý kiến cộng đồng trước khi thực hiện dự án PPP, ông Thám khẳng định đó là điều đương nhiên phải làm.

“Đây là bước đầu tiên phải thực hiện khi lập dự án. Lúc đó bắt buộc phải lấy ý kiến cộng đồng, những người thụ hưởng. Nếu người dân nhất trí, được các cơ quan đại diện Nhà nước phê duyệt, dự án trở thành hiện thực thì ban quản lý, người đại diện cho Nhà nước sẽ thực thi đúng tinh thần dự án.

Trước khi làm phải nghiên cứu dự án có khả thi không, có làm được không và phải có sự cam kết, tránh “tay không bắt giặc”. Người đại diện nếu làm được thì hưởng chế độ thế nào, không làm được thì chịu trách nhiệm ra sao, bồi thường cho Nhà nước thế nào”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.

Thành Luân

—————-

Đất Việt (Chính trị Xã hội) 28-3-2019:

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lay-y-kien-cong-dong-du-an-ppp-ngan-tieu-cuc-3377113/

(257/1.018)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,930