(LĐ) – Lực lượng bảo vệ do BIDV Thanh Hoá thuê xốc nách, lôi chủ doanh nghiệp ra ngoài.
Ảnh: Xuân Hùng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hoá (BIDV Thanh Hoá) thu giữ tài sản đảm bảo của doanh nghiệp, ngay sau đó nhanh chóng bán đấu giá. Nhiều ý kiến cho rằng, BIDV Thanh Hoá đã thu giữ tài sản đảm bảo khi chưa đủ điều kiện.
Xốc nách giám đốc lôi ra ngoài
Ngày 21.11.2019, BIDV Thanh Hóa sau nhiều lần ra thông báo đã đơn phương tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty (Cty) Cổ phần Hồng Phúc (cụm làng nghề Hà Phong, Hà Trung, Thanh Hóa). Theo ông Lê Ngọc Vân – Giám đốc BIDV Thanh Hóa, việc thu giữ này là đúng quy định của pháp luật vì toàn bộ dư nợ của Cty Hồng Phúc đã chuyển nợ xấu từ ngày 31.5.2015.
Ông Vân cho hay, việc thu giữ tài sản thế chấp này trước sự chứng kiến của Công an huyện Hà Trung, UBND xã Hà Phong, Công an xã Hà Phong, huyện Hà Trung.
Tuy nhiên, thực tế tại buổi thu giữ, BIDV Thanh Hoá đã thuê lực lượng bảo vệ của Cty Dịch vụ Bảo vệ Vệ sĩ Thanh Long. Vệ sĩ của Cty này đã xốc nách ông Trần Tiến Quân – Giám đốc Cty và yêu cầu nhân viên Cty ra khỏi văn phòng, niêm phong toàn bộ văn phòng, nhà xưởng, kể cả những tài sản không thuộc danh mục thế chấp. Bên cạnh đó, có lực lượng thanh niên xăm trổ đằng đằng sát khí đứng quanh. Ông Vân nói rằng, đó là người dân tò mò đến xem chứ ngân hàng không thuê “xã hội đen”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, hành vi của vệ sĩ Cty Thành Long được thuê có hành động khóa tay, khống chế, “áp giải” người của Cty Hồng Phúc ra khỏi phòng làm việc để ngân hàng thực hiện thu tài sản là có dấu hiệu vi phạm.
Có đủ điều kiện thu giữ tài sản?
Ông Lê Ngọc Vân khẳng định, việc thu giữ tài sản này là đảm bảo đủ các điều kiện theo khoản 2, Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tại khoản điểm b, khoản 2, Điều 7 quy định, tổ chức tín dụng chỉ có quyền thu giữ tài sản đảm bảo khi tại hợp đồng đảm bảo có thoả thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Vậy nhưng, chính ông Lê Ngọc Vân cũng xác nhận, các hợp đồng tín dụng giữa Cty Hồng Phúc và BIDV trong các năm 2012, 2013 không có thoả thuận này. Hai bên cũng không thương thảo, ký phụ lục hợp đồng có nội dung thoả thuận trên.
Cơ sở để ông Vân khẳng định đủ cơ sở pháp lý là ngày 1.11.2017 (sau thời điểm Nghị quyết 42 ban hành và có hiệu lực), BIDV đã làm việc với Cty Hồng Phúc và lập biên bản làm việc với nhiều nội dung về cơ cấu lại nợ. Trong đó, có nội dung Cty đồng ý chấp thuận vô điều kiện cho ngân hàng được quyền thu giữ tài sản thế chấp khi xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (hàm Phó Tổng Giám đốc) Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV – cho rằng, trong trường hợp hợp đồng tín dụng được ký trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, nghĩa là không thoả mãn điều kiện có thoả thuận về việc thu giữ tài sản đảm bảo thì ngân hàng chỉ có thể áp dụng Điều 7 Nghị quyết 42 để thu hồi nợ xấu chỉ khi ngân hàng và doanh nghiệp (DN) thương thảo ký phụ lục hợp đồng có nội dung trên. Biên bản làm việc ký sau đó dù có nội dung về thoả thuận xử lý tài sản đảm bảo cũng không thể coi là hợp đồng.
Trong khi đó, ông Trần Tiến Quân – Giám đốc Cty Hồng Phúc – khẳng định, Cty ông là Cty cổ phần, HĐQT chưa có bất kỳ nghị quyết nào cho phép ông thương thảo với ngân hàng nội dung trên. Ngân hàng chỉ dựa vào biên bản làm việc chỉ có chữ ký của ông Quân mà không có dấu của DN.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trong trường hợp DN không chấp nhận giao tài sản, ngân hàng phải khởi kiện tại toà án để giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá – cũng cho rằng, sự việc trên nên giải quyết một cách văn minh tại toà án.
XUÂN HÙNG
—————
Lao động (Xã hội) 10-6-2020:
(83/872)