2.580. Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên!

(VNB) – Nhiều siêu thị, siêu thị trực tuyến, website thương mại điện tử “gọi nhầm” nước chấm là nước mắm. Khi báo chí phản ánh, một số đơn vị đã đính chính, một số nơi có sửa lại tên gọi nhưng không làm triệt để, còn lại không ít siêu thị, website thương mại điện tử vẫn cố tình lờ đi…

Vì đâu siêu thị, website thương mại điện tử “nhầm lẫn” tên gọi?

Như đã phản ánh ở loạt bài viết trước, hiện nay, một số siêu thị, siêu thị trực tuyến và website thương mại điện tử đang để xảy ra tình trạng gọi nước chấm là nước mắm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tình trạng này xảy ra chủ yếu với dòng sản phẩm nước chấm Nam Ngư của Masan, trong đó có nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị chai 900 ml và nước chấm Nam Ngư Siêu Tiết Kiệm chai 4,8 L. Đến nay, có một số siêu thị và website thương mại điện tử đã đính chính lại thông tin, tuy nhiên, con số này chưa nhiều.

Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên! - Ảnh 1.

Ghi nhận tại quầy hàng nước mắm của siêu thị Big C Thăng Long từ ngày 18/3, sản phẩm nước chấm Nam Như Đệ Nhị chai 900 ml của Masan đã được siêu thị này ghi đúng với tên gọi trên nhãn mác là “nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị 900 ml”. Trước đó, sản phẩm này vẫn được siêu thị ghi là nước mắm.

Trao đổi với PV về tình trạng siêu thị Bách Hóa Xanh đang gọi sản phẩm Nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị là Nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị, ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho biết, việc nhầm lẫn này là do nhân viên chưa cập nhật đúng thông tin, siêu thị không có ý đồ gì trong việc này. Đồng thời, vị Giám đốc này cũng khẳng định siêu thị sẽ đính chính lại đúng tên sản phẩm.

Còn đại diện truyền thông của siêu thị Co.opmart trong cuộc trao đổi với PV trưa ngày 28/3 thì thậm chí còn không rõ tại hệ thống siêu thị này có tình trạng bán nước chấm nhưng ghi là nước mắm hay không.

“Tôi sẽ cho nhân viên kiểm tra lại ở cả Co.op Food và Co.op Mart, nếu sản phẩm nước chấm đang bị để nhầm tên là nước mắm thì sẽ đính chính lại”, anh này nói.

Siêu thị Bách Hóa Xanh là chỉ là một trong số những trường hợp nhầm lẫn tên gọi phổ biến giữa nước mắm và nước chấm mà PV đã phản ánh trước đó. Ngoài Bách Hóa Xanh còn có nhiều siêu thị và trang thương mại điện tử khác như siêu thị Big C Thăng Long, T-mart, Thành Đô, Citimart, Vinmart, Co.op Food, trang thương mại điện tử Tiki, Shopee, Sendo, siêu thị trực tuyến Lotte… cũng đã từng hoặc đang ghi nhầm nước chấm thành nước mắm.

Theo tìm hiểu của PV, hiện siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), một số siêu thị, cửa hàng của Vinmart, website thương mại điện tử Tiki.vn đã đính chính lại tên sản phẩm. Nhiều sản phẩm nước chấm tại đây đã được đưa về đúng tên gọi. Tuy nhiên, một số website thương mại điện tử và siêu thị trực tuyến đã phản ánh trước đó như Sendo.vn, Lotte.vn, Shopee.vn,… vẫn còn tồn tại tình trạng gọi nhầm tên này.

Ngoài ra, không chỉ rao bán sai tên sản phẩm mà một số website thương mại điện tử và siêu thị trực tuyến còn không có sự nhất quán trong việc ghi tên sản phẩm và thông tin chi tiết của sản phẩm.

Chẳng hạn, tại website thương mại điện tử Sendo.vn, sản phẩm Nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị vẫn được rao bán với tên gọi Nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị, tuy nhiên trong phần thông tin chi tiết, sản phẩm này lại được ghi đúng với tên gọi là nước chấm.

Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên! - Ảnh 2.

Ghi nhận ngày 27/3 tại website Sendo.vn, sản phẩm Nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị vẫn được rao bán với tên gọi Nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị.

Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên! - Ảnh 3.

Tuy nhiên, trong phần thông tin chi tiết, sản phẩm này lại được ghi đúng với tên gọi là nước chấm. (Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Sendo.vn)

Ghi nhận ngày 27/3 tại website siêu thị trực tuyến Lotte.vn, hai sản phẩm giống hệt nhau lại đang được rao bán với hai tên gọi khác nhau.

Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên! - Ảnh 4.

Sản phẩm Nước chấm Nam Ngư siêu tiết kiệm chai 4,8 L của siêu thị Lotte Mart Hồ Chí Minh đang được rao bán trên website Lotte.vn với tên gọi nước mắm Nam Ngư siêu tiết kiệm chai 4,8 L. (Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Lotte.vn)

Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên! - Ảnh 5.

Cũng ghi nhận ngày 27/3 tại website Lotte.vn, sản phẩm Nước chấm Nam Ngư siêu tiết kiệm chai 4,8 L của siêu thị Lotte Mart Đống Đa – Hà Nội đã được đính chính với đúng tên gọi của nhà sản xuất. Trước đó, ngày 13/3, sản phẩm này vẫn được gọi là Nước mắm Nam Ngư siêu tiết kiệm.( Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Lotte.vn)

Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên! - Ảnh 6.

Tuy nhiên, sản phẩm này mới được sửa đúng phần tên gọi được hiển thị trên website, trong phần thông tin chi tiết sản phẩm, siêu thị trực tuyến này vẫn để tên là Nước mắm Nam Ngư Siêu Tiết Kiệm. (Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Lotte.vn)

Tình trạng trên cho thấy, một số website thương mại điện tử và siêu thị trực tuyến đã nhận ra sự nhầm lẫn trong tên gọi nhưng việc xử lý không dứt điểm, triệt để, hoặc đây không chỉ là sự nhầm lẫn tên gọi mà có thể chính các trang thương mại điện tử này đã không phân biệt được sự khác nhau giữa nước mắm và nước chấm.

Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên! - Ảnh 7.

Ghi nhận ngày 28/3 tại website Shopee.vn, sản phẩm Nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị 900 ml vẫn đang được rao bán với tên gọi là Nước mắm Nam ngư Đệ Nhị 900 ml.

Luật chưa có, khó xử phạt?

Trao đổi với PV về vấn đề trên, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, trường hợp này, các siêu thị không vi phạm điều khoản nào vì không có quy định nào liên quan đến việc nhầm tên gọi giữa nước chấm và nước mắm bị xử phạt. “Do đó họ muốn ghi thế nào thì ghi. Trừ khi siêu thị ghi nhầm sang một loại sản phẩm nào khác độc hại thì lúc đó mới tính”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Tuy nhiên, không phải khi chưa có quy định rõ ràng đối với nước mắm và nước chấm thì các siêu thị và website thương mại điện tử có thể gọi thế nào cũng được. Bởi vì người tiêu dùng có quyền được biết một cách chính xác và minh bạch thông tin mọi sản phẩm.

Tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (59/2010/QH12) do Quốc hội ban hành có nội dung quy định: Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Ngoài ra, tại Điều 8 cũng quy định, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Bên cạnh đó, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (59/2010/QH12) có nội dung quy định: Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: Hàng hoá, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp…

Vì vậy, không chỉ các siêu thị, website thương mại điện tử và siêu thị trực tuyến cần công khai chính xác tên và thông tin sản phẩm mà cả nhà sản xuất cũng cần phải minh bạch thông tin sản phẩm ghi trên nhãn mác để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 5107:2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, khái niệm về nước mắm nguyên chất được hiểu là “sản phẩm dạng dịch lỏng trong, thu được từ hỗn hợp của cá và muối (chượp chín) đã được lên men tự nhiên trong một khoảng thời gian ít nhất 6 tháng”.

Còn khái niệm nước mắm theo TCVN 5107: 2018 được hiểu là “sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường và phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu, điều chỉnh mùi”.

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 1763:1986) do Bộ Công nghiệp thực phẩm ban hành – yêu cầu kỹ thuật, nước chấm được hiểu là “nước chấm lên men và nước chấm hóa giải sản xuất từ nguyên liệu giàu protein có nguồn gốc thực vật, theo phương pháp vi sinh hoặc phương pháp hóa học”.

Hiện nay, Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 1763:1986) đã được thay thế bằng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 1763:2008) về nước tương do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Theo đó, khái niệm nước chấm được thay thế bằng nước tương như sau: “Nước tương là sản phẩm dạng lỏng thu được do quá trình lên men hoặc quá trình thủy phân hạt đậu tương, ngũ cốc, protein thực vật”.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

——————

VietnamBiz (Thời sự) 28-03-2019:

Trả lại tên gọi cho nước chấm: Siêu thị, website thương mại điện tử đừng xem nhẹ việc gọi sai tên! (vietnambiz.vn)

(93/1.748)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.911. Cuộc chiến chống buôn lậu cuối năm.

Cuộc chiến chống buôn lậu cuối nă (VH) - Ở thời điểm này, khi...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,148