(CL) – Để tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản đại diện Bộ Xây dựng đã đề cập tới đề xuất cho phép người nước ngoài được mua bất động sản du lịch.
Tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức chiều 16/6 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết, để tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản cần thực hiện nhiều giải pháp.
Thêm đề xuất cho phép người nước ngoài “sở hữu” bất động sản du lịch.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cũng đưa ra giải pháp về việc sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Liên quan đến đề xuất này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua các bất động sản khác không phải là nhà ở. Bổ sung vào Luật Kinh doanh Bất động sản quy định về điều kiện mua, thuê mua, thuê các loại bất động sản không phải nhà ở của cá nhân nước ngoài.
Theo kiến nghị, việc cho phép cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng không phải là nhà ở như bất động sản du lịch sẽ góp phần thu hút nguồn vốn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản này và vẫn có thể quản lý bằng các quy định về điều kiện, thủ tục mua bất động sản của người nước ngoài tương tự như quy định đối với nhà ở.
Trong một Tọa đàm mới đây, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc thu hút đầu tư vào bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những chiến lược mang tính lâu dài và bền vững của du lịch Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có cả cá nhân người nước ngoài vào du lịch sẽ vừa tạo được nguồn vốn, vừa tạo được thị trường cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Còn nếu xét về mặt pháp lý như lo ngại bấy lâu nay, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những giải pháp đi trước của các quốc gia khác cho phép người nước ngoài mua biệt thự, sở hữu bất động sản thay vì chỉ lo sợ rằng sẽ không quản lý được. Nhưng trước hết, để làm như vậy, chúng ta phải định nghĩa lại về khái niệm cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản…
Singapore là một ví dụ, đó là một quốc gia có diện tích vỏn vẹn 721km2 nhưng họ cho phép người nước ngoài được mua hầu hết các sản phẩm bất động sản là nhà ở, bất động sản không phải là nhà ở (du lịch, văn phòng…). Chính phủ Singapore chỉ không cho người nước ngoài mua nhà xã hội và một số sản phẩm đặc thù hữu hạn khác. Vậy, Việt Nam với hơn 3.200km đường bờ biển, đất đai ở nhiều khu vực vùng sâu vùng xa vẫn còn thưa thớt dân cư thì chúng ta hoàn toàn có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu bất động sản để khai thác, mang lại lợi nhuận.
Ngọc An
—————
Công luận (Kinh tế) 17-6-2020:
(102/668)