2.589. Siết vốn tín dụng đổ vào trái phiếu doanh nghiệp

(ĐT) – Việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp được coi là cấp vốn tín dụng qua trái phiếu, song mức độ kiểm soát rủi ro lại không chặt chẽ như vốn tín dụng. Không ít ý kiến cho rằng, siết chặt hình thức cấp vốn này là cần thiết.

Ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp thường là vì doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc ngân hàng muốn được hưởng lợi nhuận cao hơn lãi cho vay.

Ảnh: Lê Tiên

Hiện tượng các ngân hàng tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đã diễn ra trong những năm gần đây và  tăng đáng kể trong những tháng đầu năm. Con số về trị giá chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành tiếp tục tăng tại báo cáo tài chính quý I năm nay. Chẳng hạn, tại VPBank, giá trị chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành tăng khoảng 2 lần mức cuối năm ngoái, lên 29.046 tỷ đồng. Tại TPBank, con số của quý I tăng 97% so với cuối năm ngoái, lên mức 9.425 tỷ đồng.

Từ tháng 8/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với lý do là hoạt động này tiềm ẩn rủi ro.

Để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động này, tại Dự thảo Thông tư về việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, NHNN nêu rõ chủ trương hạn chế chặt chẽ. Đáng chú ý là quy định “Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác”.

NHNN cho biết, qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, để các doanh nghiệp này thực hiện dự án hoặc tiếp tục thực hiện góp vốn, mua cổ phần… Do đó, tổ chức tín dụng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án…

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp về bản chất giống như một hoạt động cho vay, đều dựa trên cơ sở bảo đảm khả năng tài chính để trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng pháp luật.

Tuy nhiên, việc giải ngân phải theo sát nhu cầu sử dụng vốn trong khi điều kiện mua trái phiếu thường dễ dàng hơn, vì thường chỉ giải ngân ngay một lần khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư. Bên cạnh đó, quyền kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay được pháp luật quy định một cách cụ thể, rõ ràng, trong khi lại bỏ ngỏ đối với việc mua trái phiếu doanh nghiệp.

Mặt khác, việc thu hồi nợ cho vay thường được chia nhỏ, bám sát vào dòng tiền, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, trong khi việc thu tiền thanh toán trái phiếu thường chỉ một lần và chủ yếu dựa vào cam kết của doanh nghiệp khi đến hạn.

Thêm vào đó, việc thu nợ trước hạn có thể được tiến hành bất cứ khi nào nếu xảy ra việc vi phạm pháp luật và thỏa thuận cho vay, trong khi doanh nghiệp chỉ phải cam kết mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán trong trường hợp vi phạm quy định pháp luật và phương án phát hành trái phiếu.

Với những lý do nêu trên, việc ngân hàng mua trái phiếu thay vì cho doanh nghiệp vay vốn thường là vì doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc là ngân hàng mong muốn được hưởng mức lợi nhuận cao hơn lãi suất cho vay, tức là chấp nhận rủi ro cao hơn.

Trong khi đó, tại văn bản góp ý vừa gửi đến NHNN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm là quy định này có thể gây cản trở rất nhiều hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Theo VCCI, có thể giải quyết lo ngại về kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền và tình hình thực hiện dự án theo cách khác. Trong trường hợp tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp phát hành phải cam kết về quyền của người nắm giữ trái phiếu được kiểm soát sử dụng vốn, dòng tiền, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp phát hành và công ty con.

Xuân Yến

—————

Đấu thầu (Tài chính) 18-6-2020:

https://baodauthau.vn/tai-chinh/siet-von-tin-dung-do-vao-trai-phieu-doanh-nghiep-131532.html

(299/885)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,798