Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh trước đó, những lùm xùm liên quan đến nhân sự cấp cao tại ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB), cụ thể là chức Chủ tịch HĐQT đang trở thành tâm điểm dư luận những ngày gần đây.
Một phần vì việc miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng được thực hiện ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông ngân hàng sẽ diễn ra vào hạ tuần tháng 4 sắp tới. Phần đáng chú ý hơn, quyết định bầu bà Tú – thành viên HĐQT gia nhập ngân hàng cách đây tròn 1 năm – làm nữ Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam (bà Tú sinh năm 1980) lại không nhận được sự đồng thuận từ người bị miễn nhiệm – ông Lê Minh Quốc.
Khi nghị quyết của HĐQT Eximbank vừa có hiệu lực được 5 ngày, Tòa án nhân dân TP.HCM đã vội vàng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Eximbank dừng thực hiện nghị quyết số 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch, “cho đến khi giải quyết xong vụ án”.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh nhận định, phía ngân hàng Eximbank có cơ sở khiếu nại quyết định áp dụng biện kháp khẩn cấp tạm thời của tòa án. “Bởi theo Điều 161 Luật Doanh nghiệp, nếu ông Lê Minh Quốc không phải là cổ đông nắm 1% cổ phần phổ thông từ 6 tháng trở lên thì không có quyền khởi kiện”, ông Truyền nhận định.
Tuy nhiên, theo luật sư Truyền, đây không phải mấu chốt của cuộc tranh chấp, mà là thời gian giữa hai cuộc họp HĐQT của Eximbank.
Điều lệ của Eximbank quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị khi có ít nhất đề nghị từ 2 thành viên HĐQT.
Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp không trực tiếp dự họp, thành viên HĐQT có quyền ủy quyền biểu quyết cho một thành viên HĐQT khác hoặc gửi ý kiến biểu quyết bằng văn bản.
Trong khi đó, theo Quy chế quản trị nội bộ của Eximbank, nếu cuộc họp HĐQT lần 1 triệu tập bất thành, cuộc họp HĐQT lần hai được tiến hành nếu có hơn một phần hai số thành viên HĐQT dự họp.
Tuy nhiên, dù nhóm 5 Thành viên HĐQT đã nhiều lần đề nghị Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc triệu tập cuộc họp HĐQT tiếp theo song vẫn không được tiến hành.Cụ thể, cuộc họp HĐQT thứ nhất dự tính tiến hành vào ngày 25/2 nhưng không diễn ra do không đủ thành viên tham dự, trong đó không có mặt của ông Lê Minh Quốc – đương nhiệm Chủ tịch HĐQT. Theo Điều lệ Eximbank và luật Doanh nghiệp, cuộc họp thứ hai phải được triệu tập trong thời hạn 7 ngày sau ngày dự kiến cuộc họp thứ nhất và chỉ cần trên 50% số thành viên tham dự.
Tới ngày 22/3, nhóm 5 Thành viên HĐQT kể trên tiến hành họp HĐQT và được ủng hộ của 2 Thành viên đại diện cho nhà đầu tư ngoại MSBC, đã bầu Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú.
Nếu tính cuộc họp ngày 22/3 là cuộc họp thứ hai, thì Nghị quyết HĐQT Eximbank là đảm bảo tính pháp lý. Tuy nhiên nếu coi đó là cuộc họp thứ nhất thì mới có 7 người, chưa đủ 3/4 số thành viên HĐQT tham dự nên không đảm bảo về mặt pháp lý.
Viện dẫn Khoản 5 Điều 153 Luật Doanh nghiệp, luật sư Truyền cho rằng: “Chủ tịch HĐQT phải triệu tập họp HĐQT trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị hợp pháp. Trường hợp Chủ tịch không triệu tập họp HĐQT theo đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra đối với công ty; người đề nghị có quyền thay thế HĐQT triệu tập họp HĐQT”.
Về thời hạn 7 ngày giữa hai cuộc họp, dẫn tới kết luận cuộc họp ngày 22/3 là cuộc họp lần thứ nhất hay lần thứ hai, luật sư Truyền nhận định không có quy định “cứng” nào rằng ngoài một tuần thì phải bắt đầu lại quy trình họp HĐQT.
“Việc xác định cuộc họp ngày 22/3 là cuộc họp thứ nhất hay thứ hai tuỳ thuộc ý chí của Toà án, bởi vậy cơ quan này cần thận trọng áp dụng”, LS Nguyễn Thế Truyền nêu quan điểm.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng cuộc họp HĐQT ngày 22/3 phải được coi là cuộc họp lần thứ nhất, do đã quá thời hạn 7 ngày. Tuy nhiên, dưới góc độ là chuyên gia kỳ cựu trong ngành pháp lý doanh nghiệp, ông Đức nhấn mạnh, “dù có phải bầu lại thì kết quả (bầu bà Lương Thị Cẩm Tú lên giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank – PV) cũng sẽ khó thay đổi”.
Ngoài ra, LS Trương Thanh Đức cũng cho rằng, tài chính – ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm và việc Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được cân nhắc thật cẩn trọng.
“Thông thường, nguyên đơn trong các vụ án dân sự tương tự đều cam kết bồi thường thiệt hại nếu thua kiện, song trên thực tế gần như chưa có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại.
Có trường hợp đi kiện không hẳn vì muốn thắng kiện, mà còn bởi những mục đích khác, như kéo dài thời gian chẳng hạn. Những trường hợp kiện tụng như ở Eximbank, Toà xử nhanh cũng phải vài tháng, không thì có thể đến vài năm”, LS Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Diễn biến vụ việc liên quan đến chức danh Chủ tịch HDDQT ngân hàng Eximbank
Chiều 22/3, HĐQT ngân hàng Eximbank ban hành nghị quyết bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.
Ngày 27/3, TAND TP.HCM ra Quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.
Ngày 28/3, phía ngân hàng Eximbank phát đi thông cáo khẳng định “sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp”.
Ngày 29/3, Eximbank đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
Đơn khiếu nại do Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết ký gửi Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chánh án TAND và các cơ quan liên quan.
Trong văn bản, nhà băng này nêu rõ 3 căn cứ để cho rằng quyết định của Tòa án TP.HCM là trái luật. Thứ nhất, ông Lê Minh Quốc là Thành viên HĐQT độc lập, không phải cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện. Thứ hai, tòa chỉ có thẩm quyền những tranh chấp về kinh doanh thương mại, trong khi đây là tranh chấp thành viên công ty. Thứ ba, căn cứ vào các điều khoản quy định trong luật, Eximbank khẳng định lý do ông Lê Minh Quốc tố cuộc họp HĐQT của Eximbank ngày 22/3/2019 và ban hành Nghị quyết 112 là trái pháp luật là không đúng.
Ngày 2/4, trao đổi với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Đoàn kiểm tra đã tới Eximbank và sẽ tập hợp tài liệu, kiểm tra toàn bộ quá trình biến động lãnh đạo ngân hàng này.
Đình Văn
——————
Người đưa tin (Tài chính – ngân hàng) 02-04-2019:
Tranh chấp “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank: Ai chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại? (nguoiduatin.vn)
(288/1.614)