2.592. M&A gia tăng dù dịch bệnh

(SGGP) – Khá nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) đã hoàn tất dù đang là mùa dịch, kinh tế thế giới lao đao. Trong đó, một số thương hiệu Việt đã rơi vào sự kiểm soát của các tập đoàn lớn nước ngoài.

Công ty Cáp điện Thịnh Phát vừa mới M&A từ doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Cao Thăng

Rót vốn nhiều ngành nghề

Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable), một trong những nhà sản xuất dây và cáp điện lớn trong nước đã chính thức sáp nhập vào Tập đoàn Stark Corporation Public Company Limited và Phelps Dodge International (Thái Lan). Thương vụ có tổng giá trị giao dịch lên đến hàng trăm triệu USD này được giới phân tích đánh giá là bước đi tắt của nhà đầu tư Thái Lan, nhằm tận dụng các nguồn lực sẵn có của ThiPha Cable để khai thác thị trường Việt Nam và khu vực Asean. Cáp điện Thịnh Phát đã tiếp tục nối dài danh sách các thương hiệu doanh nghiệp đóng trên địa bàn TPHCM rơi vào tay hoặc nằm dưới sự điều hành của các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh Sabeco, Điện máy Nguyễn Kim, Nhựa Bình Minh…

Haseko Corporation (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Ecoba Việt Nam gần đây đã công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược, trong đó phía đối tác Nhật Bản hoàn tất đầu tư mua 36% cổ phần của Ecoba Việt Nam. Việc rót vốn này của Haseko Corporation không làm giới đầu tư quá bất ngờ, bởi nhà đầu tư bất động sản (BĐS) lớn của xứ hoa anh đào này nhận định, Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng và hấp dẫn nhất ở khu vực ASEAN trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn. Tuy nhiên, gây sự chú ý trong lĩnh vực BĐS phải kể đến một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek (nhóm nhà đầu tư KKR) vừa hoàn tất giao dịch mua lại một khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Vinhomes, một thành viên của Vingroup. Nhóm nhà đầu tư KKR đã đầu tư hơn 15 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 6% cổ phần Vinhomes, tuy trở thành cổ đông thiểu số nhưng uy tín và đẳng cấp của KKR sẽ góp phần gia tăng giá trị cho cổ phiếu Vinhomes.

Ở lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng, Ardolis Investment Pte.Ltd thuộc sở hữu của GIC (quỹ đầu tư do Chính phủ Singapore quản lý) cũng thông báo đã mua vào 38.916.667 cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN). Như vậy, sau giao dịch nhóm cổ đông GIC đã tăng sở hữu tại MSN từ 9,7% lên mức 13,03%.

Các sự kiện nói trên cho thấy, xu hướng thâu tóm và sáp nhập tại Việt Nam với các tay chơi đến từ nước ngoài đang tiếp tục phát triển. Theo đánh giá của giới phân tích, việc thâu tóm doanh nghiệp trong nước có thể giúp nhà đầu tư nhanh chóng tham gia thị trường và có cơ hội xuất khẩu sang các nước khu vực. Do đó, ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường trong nước cũng khá đa dạng từ bán lẻ, sản xuất thực phẩm, đồ tiêu dùng nhanh, tài chính, các doanh nghiệp BĐS, sản xuất công nghiệp… Những lĩnh vực này đang có sức hút mạnh mẽ cho hoạt động M&A của nhà đầu tư ngoại.

Nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm?

Trên thực tế, tình hình cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng tăng đầu tư qua hình thức M&A. Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cùng thời gian trên, cả nước chỉ có 1.212 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, kết quả giao dịch trên chỉ là con số bề nổi được thông qua thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, trên thực tế còn nhiều thương vụ kín không được công bố. Hoạt động M&A luôn được giữ kín, rất ít thương vụ được công bố, ngoại trừ những doanh nghiệp nước ngoài có niêm yết trên thị trường chứng khoán bắt buộc phải công khai thông tin. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, sức đề kháng thấp dễ dẫn đến việc phải “bán mình”. Và nếu như trong điều kiện kinh doanh bình thường, các nhà đầu tư ngoại khó có thể mua được cổ phiếu giá thấp, hoặc thậm chí không thể mua được cả ở giá cao, vì doanh nghiệp không bán ra. Nhưng tình hình đã khác, nhà đầu tư nào có tiềm lực tài chính, giờ đây có thể mua được cả hai, gồm cổ phiếu giá thấp và cổ phiếu doanh nghiệp mà trước đây họ không mua được.

Không phải ngẫu nhiên mà tại cuộc hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày 9-5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện tượng mua bán và sáp nhập trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và nhiều nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã gửi kiến nghị, đề xuất giải pháp tới Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó đề xuất Chính phủ chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đề xuất này của đại diện VCCI vấp phải không ít ý kiến trái chiều, vì thiếu cơ sở pháp lý để có thể tạm dừng các hoạt động M&A hiện nay. Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn sẽ cần gọi vốn đầu tư hoặc sự hỗ trợ bên ngoài để “cứu nguy”. Do đó, không thể tước đi quyền giao dịch của họ trong tình hình khó khăn này. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, sẽ thiếu cơ sở pháp lý để có thể tạm dừng các hoạt động M&A hiện nay. M&A là hành động của doanh nghiệp, hơn nữa còn cứu công ty bị thâu tóm khỏi cảnh “dầu sôi lửa bỏng”. “Nếu dừng giao dịch M&A, chưa biết được lợi gì, trong khi doanh nghiệp đang khó khăn sẽ không biết huy động vốn ở đâu, dẫn đến bị tê liệt và thậm chí có thể rơi vào tình trạng phá sản”, luật sư Đức nói.

Không riêng Việt Nam, một số nước trên thế giới cũng lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội cổ phiếu lao dốc, thị trường bất ổn do Covid-19 để thâu tóm các doanh nghiệp với giá rẻ. Thực tế, một số nước như Đức, Nhật Bản… chính phủ đưa ra các biện pháp ngăn chặn nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng kinh tế, nhằm bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm hoặc có liên quan đến an ninh quốc gia…

XUÂN LỘC

—————

Sài Gòn Giải phóng (Kinh tế) 23-6-2020:

https://www.sggp.org.vn/ma-gia-tang-du-dich-benh-668989.html

(94/1.320)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,797