(MTG) – Được xem là kênh cung cấp vốn nhanh cho người tiêu dùng, nhưng lãi suất và phí cho vay của các công ty tài chính cao ngất ngưởng như một “ma trận” khiến khách vay bức xúc. Giới chuyên gia cho rằng cần xây dựng, sửa đổi khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc hoạt động của các công ty tài chính. Đồng thời cũng phải có Luật riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Giới chuyên gia cho rằng cần xây dựng, sửa đổi khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc hoạt động của các công ty tài chính. Đồng thời cũng phải có luật riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Lãi suất cắt cổ
Thị trường cho vay tiêu dùng hiện có sự tham gia của gần 20 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có các đơn vị là thành viên của các ngân hàng như: FE Credit của VPBank, HD Saison của HDBank, MCredit của MBBank, Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam…
Riêng tại Đồng Nai, tính đến tháng 1.2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 công ty tài chính đang hoạt động với gần 1,4 ngàn điểm giao dịch. Trong đó, nhiều công ty có số lượng điểm giao dịch lớn như: Công ty Tài chính TNHH HD Saison (496 điểm), Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (422 điểm), Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (241 điểm), Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (145 điểm)…
Được biết phần lớn hoạt động cho vay tiêu dùng đều dựa trên hình thức cho vay tín chấp, không cần thế chấp hoặc thông qua các hình thức trả góp khi mua các sản phẩm điện máy, điện tử, điện thoại di động, ô tô, xe máy…
Lãi suất cho vay của các công ty tài chính được điều chỉnh tùy theo mức độ rủi ro của từng đối tượng vay. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước thực hiện tại 7 địa phương về hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng, mức lãi suất phổ biến mà các công ty này áp dụng từ 40 – 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm tùy theo sản phẩm. Cùng với đó là các khoản phí thu hộ, phí bảo hiểm…
Trong khi đó, mức lãi suất tại các ngân hàng thương mại áp dụng lại thấp hơn rất nhiều, có thể chỉ bằng một nửa hoặc thậm chí một phần ba mức lãi suất tại các công ty tài chính.
Nhiều khách hàng phản ánh hợp đồng giao dịch tại một số công ty tài chính thường mập mờ, khiến lãi suất cao “cắt cổ” hoặc khách hàng có thể chịu thiệt khi phát sinh tranh chấp, thậm chí trong khoảng thời gian chờ giải quyết khiếu nại liên quan đến khoản tiền vay, người vay còn có thể bị đe dọa, “khủng bố” tin nhắn đòi nợ thông qua các tổ chức trung gian…
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng liên tiếp cảnh báo, trong khi lãi suất cho vay mua hàng trả góp của các ngân hàng thương mại trung bình từ 20 – 25%/năm thì mức lãi suất của các công ty tài chính từ 55 đến trên 84%/năm. Vấn đề bất cập ở đây còn là câu chuyện lãi, phí.
Nhân viên tư vấn cam kết mức lãi suất chỉ từ 1 – 2%/tháng nhưng thực tế lãi suất trên hợp đồng lên đến hơn 6%/tháng… Số lượng khiếu nại mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận được chủ yếu tập trung vào nhóm công ty tài chính như cung cấp thông tin không chính xác, không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là các công ty tài chính cho vay tiêu dùng với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất của các ngân hàng thương mại rất nhiều liệu có sai phạm?
Theo tìm hiểu của PV, quy định về mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay là theo thỏa thuận giữa công ty tài chính và khách hàng khi giao kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Nhưng lãi suất này vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Hiện nay, lãi suất cơ bản bằng tiền đồng Việt Nam là 9%/năm. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng, công ty tài chính căn cứ để công bố mức lãi suất cao nhất và thấp nhất đối với hoạt động cho vay. Mức lãi suất cao nhất được phép cho vay hiện nay chưa có quy định.
Cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh
Trao đổi với PV Một Thế Giới, chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Cấn Văn Lực cho rằng mức lãi suất tiêu dùng của các công ty tài chính đang ở mức rất cao, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tập trung vào một phân khúc khách hàng mà không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, có những công ty nắm phần lớn thị phần dẫn đến rủi ro và khả năng thao túng.
Về phía khách hàng đi vay, vị chuyên gia khuyến cáo cần trang bị kiến thức để bảo vệ lợi ích của mình, tránh trường hợp bị công ty tài chính tư vấn không rõ ràng, không chính xác.
TS Lực cho biết thị trường hoạt động của các công ty tài chính rất tiềm năng. Các công ty này hiện nay đóng góp ít nhất khoảng 20% lợi nhuận cho các ngân hàng đứng sau.
Trước tình hình hoạt động của các công ty tài chính còn nhiều bất cập, TS Cấn Văn Lực đề xuất cần có khung pháp lý cho phân khúc cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính. Đặc biệt cần tách riêng cho vay tài chính tiêu dùng với tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại. Các công ty tài chính cũng có thể giảm bớt chi phí để giảm lãi suất cho người tiêu dùng.
Nói về hành lang pháp lý của các công ty tài chính, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết vẫn còn nhiều điểm bất cập, thụt lùi. Theo đó, cần có luật riêng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và luật riêng cho thị trường tài chính tiêu dùng.
Trong khi đó, các chuyên gia tài chính đều cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý để quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính.
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ rà soát lại mức lãi suất và việc công khai mức lãi suất của các công ty tài chính hiện nay để có sự điều chỉnh phù hợp; sẽ xem xét hình thức đòi nợ của các doanh nghiệp này…
Tuyết Nhung
—————
Một thể giới (Kinh tế – Đầu tư – Dự án) 08-7-2020:
(50/1.262)