2.606. Giãn thời hạn “siết” tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: Cần căn chỉnh khéo léo!

(ET) – Việc giãn thời hạn áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc lùi thời hạn trong bao lâu cần có sự căn chỉnh khéo léo, vừa đảm bảo hệ thống lành mạnh hoá theo các chuẩn mực quốc tế, hạn chế rủi ro vừa hỗ trợ tích cực nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN. Nội dung chính của dự thảo lần này là xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn.

“Để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn. Do vậy, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn từ mức 40% về 37% kể từ ngày 01/10/2020 theo lộ trình tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm”, thuyết minh dự thảo đề cập.

Do đó, để đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi lãi suất, duy trì dư nợ trung, dài hạn ổn định cho khách hàng, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thấy rằng, có thể xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo 02 phương án đó là: Lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 06 tháng hoặc lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 01 năm.

Phương án 1, lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 6 tháng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2021: 40%; từ 1/4/2021 đến hết ngày 31/3/2022: 37%; từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/3/2023: 34%; từ ngày 1/4/2023: 30%.

Phương án 2 là lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 1 năm, như sau: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%; từ ngày 1/10/2023: 30%

Đề xuất này của NHNN đang nhận được ý kiến trái chiều của giới chuyên gia.

Tính đến hết quý I/2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là 28,92%; Ngân hàng thương mại Cổ phần (28,7%); Công ty tài chính, cho thuê (34,45%). Tính chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chỉ ở mức 25,52%.

Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, con số này cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không vướng mắc với nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, nên có sự linh hoạt cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp và bản thân các ngân hàng.

Đặc biệt, Chính phủ đang muốn thúc đẩy đầu tư công, trong đó vốn ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng. Chưa kể, việc hỗ trợ phục hồi kinh tế tại một số lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn trung dài hạn, thì rõ ràng giãn thời hạn áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là hợp lý.

Dưới góc nhìn khác, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện lãi suất huy động đang ở mức thấp, trong khi các kênh đầu tư khác lợi nhuận cao hơn khiến người gửi tiền đang có sự so sánh phần nào ảnh hưởng đến kênh gửi tiết kiệm.

Đứng trước tình hình khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn bền vững hơn nên việc lùi lại thời hạn áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tạo độ trễ cho ngân hàng có thêm thời gian áp dụng chính sách tốt hơn.

Việc nới thời hạn “siết” tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhận được các ý kiến trái chiều

Về thời hạn lùi, NHNN đã đánh giá khá sát tình hình thực tế, cân đo đong đếm kỹ càng để đưa ra thời gian cho phù hợp. Vì tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh từ bên ngoài.

Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, việc lùi trong bao lâu cần có sự căn chỉnh khéo léo cân bằng để vừa đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh hoá theo các chuẩn mực quốc tế, hạn chế rủi ro vừa hỗ trợ tích cực nền kinh tế.

Ở chiều ngược lại, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nới thời hạn thực hiện siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể sẽ gây hiệu ứng không tốt về việc ban hành và thực thi quy định pháp luật. “Để tránh tình trạng “nhờn” luật thì việc lùi thời gian thực hiện các quy định pháp luật cần phải được hạn chế”, ông Đức nói và nhấn mạnh, việc lùi thời hạn này chỉ nên tính đến trong trường hợp cấp thiết.

“Thực tế hiện nay, các ngân hàng đang thừa vốn. Chưa kể, đây là quy định đã được nghiên cứu từ lâu, cân nhắc thực hiện từ nhiều năm nay nên càng không nên hoãn”, luật sư Trương Thanh Đức thông tin thêm.

Huyền Anh

—————

Etime (Góc nhìn) 27-7-2020:

https://etime.danviet.vn/gian-thoi-han-siet-ty-le-su-dung-von-ngan-han-cho-vay-trung-dai-han-can-can-chinh-kheo-leo-20200727140246768.htm

(139/1.055)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780