(NCĐT) – Luật Đầu tư đang khiến hệ thống pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn.
Ảnh: thuonggiaonline.vn
Mới hơn 3 năm thực hiện kể từ tháng 7.2015, một lần nữa Luật Đầu tư 2014, lại được đòi hỏi phải sửa đổi. Bởi vì, thực tế, Luật Đầu tư đang khiến hệ thống pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn nhiều. Thậm chí, có ý kiến đề nghị bỏ Luật Đầu tư và viết lại Luật Doanh nghiệp, chuyển những nội dung cần thiết của Luật Đầu tư sang Luật Doanh nghiệp.
Phần lớn các ý kiến đều xác quyết, những chồng chéo, trùng lặp không cần thiết, bất hợp lý giữa Luật Đầu tư và các luật khác, tạo thêm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp, làm xấu môi trường kinh doanh. Mặt khác, cốt lõi của Luật Đầu tư là danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh gắn với kinh doanh, mà như một chuyên gia kinh tế từng phát biểu, điểm này phải lấy từ Luật Doanh nghiệp bởi nếu không luật sẽ… không có gì.
Tất nhiên, những trắc trở hơn 10 năm qua đủ minh chứng, mọi việc không diễn ra theo cách giản dị như vậy. Trong tư duy của những người đã xây dựng và đang sửa đổi Luật Đầu tư, không thể đơn thuần coi đầu tư như một hoạt động trong quá trình kinh doanh, có thể quy định trong Luật Doanh nghiệp và các văn bản cấp dưới của luật này. Trước mắt, sẽ phải hài lòng với những sửa đổi của luật này, cùng kỳ vọng sự điều chỉnh sẽ “gãi trúng chỗ ngứa” của cộng đồng doanh nghiệp.
Giấc mơ này có lẽ chỉ có thật đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Trong lần sửa đổi này, Điều 31 về Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đã tạo thêm quyền tự chủ cho doanh nghiệp, kể cả những dự án có quy mô trên 5.000 tỉ đồng, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài. Khoảng trống pháp lý có thể tồn tại giữa Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công cũng sẽ không làm khó nhiều doanh nghiệp nhà nước nữa.
Điều 26 sửa đổi về Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cũng mang lại ấn tượng tương tự. Theo đó, thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp sẽ được bãi bỏ. Room chính sách cho doanh nghiệp nước ngoài được nới lỏng, nhưng những hệ lụy về việc trốn thuế, chuyển giá… biến tướng mà Việt Nam chưa có cách phòng tránh hữu hiệu lại chưa được đề cập. Bằng tư duy kinh doanh thuần túy, ai cũng hiểu, không có doanh nghiệp nào chịu bỏ thêm tiền mà chỉ nhận quyền lợi như cũ.Về phần doanh nghiệp tư nhân, khi sự tồn tại còn đang bấp bênh, sẽ không có nhiều cơ hội tiếp cận và thực hiện những dự án quy mô lên tới 5.000 tỉ đồng. Vì vậy, sự cẩn trọng cần phải tính đến, không chỉ bởi những sai lầm, lãng phí trong đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đã ghi nhận mà còn bởi cả tài nghệ và sự lắt léo trong điều hành doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để mang lại lợi ích tối đa. Nói cách khác, đường đã thông nhưng không khéo tiền sẽ đi lạc chỗ.
Điều đáng nói, dù tinh thần chung được ghi nhận trong lần sửa đổi Luật Đầu tư này là tinh thần nền kinh tế thị trường đã được coi như kim chỉ nam nhưng không thể phủ nhận, doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa nhận được những biến chuyển thật sự tích cực. Thực trạng trở nên tréo ngoe hơn khi ngoài những thiệt thòi ghê gớm về mặt nguồn lực so với 2 khối doanh nghiệp lớn, nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn. Thêm một thủ tục là thêm một nguy cơ doanh nghiệp bị “bắt bẻ”, nhưng đề xuất bỏ Luật Đầu tư chưa được lắng nghe cũng bởi những lý do rất thật.
Trao đổi với NCĐT, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng nếu bỏ ngay Luật Đầu tư, sẽ phải sửa một số luật liên quan, vì gần như luật nào cũng có nhiều chỗ không hiểu nổi, hoặc hiểu theo cách nào cũng được. Đây chính là lý do dẫn đến việc doanh nghiệp dễ bị vướng vi phạm, sinh ra nhũng nhiễu và tiêu cực.
Ông Đức ví dụ nhỏ về cách sửa luật cho thống nhất: trả lại “danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh” trở lại Luật Doanh nghiệp, chuyển những nội dung cần thiết về vấn đề đầu tư thành một chương về Đầu tư trong Luật Doanh nghiệp nói trên. Như vậy, quy trình hợp lý nhằm hạn chế những rắc rối, vướng mắc cho doanh nghiệp sẽ là hoàn thiện các luật liên quan, tiến tới bỏ Luật Đầu tư.
Tiếp cận theo hướng này, rào cản lớn nhất chính là những người đã và đang điều hành dựa trên Luật Đầu tư có sẵn sàng buông bỏ quyền lực? Nếu đúng vai công bộc của người dân, câu trả lời đã rất rõ ràng. Để tránh những e ngại, nhường nể, người bắt đầu nên là người đề xuất kết thúc.
Hoàng Hạnh
———
Nhịp cầu Đầu tư (Thương trường) 15-4-2019:
https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/luat-dau-tu-sua-hay-bo-3328708/
(219/1.070)