(TT) – Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành có giải pháp mạnh hơn hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng cần hỗ trợ tập trung các ngành thiệt hại nặng, có độ lan tỏa cao và phải làm nhanh.
Các ngành chức năng như nông nghiệp, công thương, đặc biệt là kế hoạch và đầu tư, tài chính đều phải có các giải pháp huy động nguồn lực, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC (phát biểu ngày 2-8)
Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhưng cho hay còn nhiều chính sách hỗ trợ chưa đi vào cuộc sống, có cách hiểu khác nhau giữa các địa phương, giữa văn bản và thực tế. Cần hiểu, phải cứu được doanh nghiệp, thì dịch đi qua thị trường mới có thể phục hồi.
Tình hình đang rất cấp bách
Ghi nhận ngày 11-8, sân bay Tân Sơn Nhất nhiều thời điểm đã không còn cảnh đông đúc. Tình trạng vắng vẻ giống đợt dịch COVID-19 lần đầu tái lập.
Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết số liệu thống kê sơ bộ từ các địa phương và doanh nghiệp cho thấy con số du khách hoãn, hủy tour du lịch đã lên cả trăm ngàn, gây thiệt hại rất lớn, như du lịch Hà Nội gần 32.000 khách hủy tour nội địa, TP.HCM trên 35.000 lượt khách hủy. Tỉnh Quảng Ninh vào tháng 7 có ngày đón 100.000 lượt khách, nhưng dịch quay lại nên hiện chỉ còn cỡ 1.000 người…
Tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 10-8, ông Dương Trí Thành – tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) – cho hay COVID-19 đã “bẻ gãy” đà phục hồi của ngành hàng không trong nước. Giai đoạn từ tháng 5 đến ngày 20-7, mỗi ngày tổng công ty khai thác khoảng 500-510 chuyến bay nhưng đến 8-8 chỉ còn bay 102 chuyến, ngày tiếp theo 9-8 chỉ bay 109 chuyến, tức bằng khoảng 20% thời kỳ trước dịch bùng phát đợt 2.
Hiện tại, các sân bay đều vắng vẻ, kéo theo hàng loạt mảng màu tối trong bức tranh tài chính. Khả năng phục hồi ngành hàng không, ông Thành dự đoán phải kéo dài sang năm 2024 thay vì kế hoạch “hồi sức” vào năm 2022.
Về đề xuất xin vay 12.000 tỉ đồng, lãnh đạo VNA cho biết Chính phủ đang chỉ đạo hãng và Ủy ban Quản lý vốn hoàn tất hồ sơ trình lên các cấp cao hơn để có phương án giải cứu, có thể là cho vay khoảng 4.000 tỉ đồng và tăng vốn chủ sở hữu khoảng 8.000 tỉ đồng. Hiện các thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất.
Trong cuộc họp với Tổng cục Du lịch cuối tuần qua, đại diện Vietjet Air cho biết sản lượng vận chuyển hiện nay của hãng cũng giảm 70-75%. Ngay trước đó, số lượt khách nội địa đi trong tháng 6 và 7 của hãng còn cao hơn 30% so với cùng kỳ 2019, có ngày hãng bay nhiều hơn gấp 1,5 lần cao điểm tết.
Tuy vậy, dịch bùng phát khiến mọi thứ trở về lại từ đầu. Gần đây hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và đầu tư khoản tài chính gom góp nhiều năm qua để bù lỗ nhưng nếu tính riêng lĩnh vực chủ lực của Vietjet, hãng vẫn lỗ hơn 2.100 tỉ đồng vận chuyển hàng không.
Ông Võ Anh Tài – phó tổng giám đốc Saigontourist Group – nói tình hình rất cấp bách, những giải pháp đã đề ra cần phải được thực hiện lúc này để giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19. Trong đó, chú trọng đến giải pháp về tài chính và thuế như miễn giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, giảm thuế, cho vay ưu đãi…
Vẫn khó tiếp cận ưu đãi
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, hiện doanh nghiệp mới tiếp cận được chính sách ưu đãi giá điện, giảm phí, lệ phí với các hồ sơ, thủ tục… Với các chính sách còn lại các doanh nghiệp đều đánh giá khó tiếp cận như chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, phí, bảo hiểm.
“Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, nhưng rõ ràng đang có độ vênh trong cách hiểu từ chính sách đến thực tế triển khai giữa các địa phương khác nhau, còn gây khó khăn” – bà Hoa nói, đồng thời nhấn mạnh lúc này trong thời điểm khó khăn của dịch quay trở lại lần 2, chúng ta điều chỉnh để chính sách đi vào cuộc sống, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động hơn.
Ngoài ra, theo bà Hoa, hiện các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ tín dụng. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng để duy trì hoạt động, khôi phục kinh doanh nhưng bị từ chối vì ngân hàng xem doanh nghiệp du lịch nằm trong nhóm rủi ro cao, do đó không được vay, thậm chí ngay cả khi chấp nhận lãi suất cao.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng thừa nhận hiện nay ngoài chính sách hỗ trợ giá điện cho các cơ sở lưu trú đang đi vào cuộc sống, nhiều chính sách khác vẫn chưa như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
“Ngay cả chính sách ưu đãi giá điện này cũng khá ngắn, tổng cục đang xem xét làm việc với Tập đoàn Điện lực để kéo dài thời gian hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ khác, tổng cục sẽ có báo cáo với bộ, từng bước tháo gỡ” – ông Khánh nói.
Tăng hỗ trợ nhưng cần công bằng
Trong bối cảnh nhiều ngành, nhất là mảng du lịch và hàng không chịu thiệt hại nặng do Covid-19, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận xét các chính sách hỗ trợ hiện còn “nhỏ giọt, quá ít, quá ngắn, quá chậm”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng – cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết bên cạnh nhiều giải pháp đã thực hiện như giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% giá cất hạ cánh máy bay và giá điều hành bay với các chuyến bay nội địa đến hết tháng 8-2020… trước mắt, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải vẫn theo dõi diễn biến dịch để có thể kiến nghị thêm giải pháp hỗ trợ.
“Với những kiến nghị của các hãng hàng không lên Chính phủ xem xét, có biện pháp hỗ trợ về lãi suất vay vốn để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, quan điểm của Cục Hàng không là ủng hộ” – ông Thắng nói và cho biết thêm cả VNA, Vietjet và Bamboo Airways đều đã kiến nghị Chính phủ các chính sách hỗ trợ tài chính theo mong muốn của từng hãng.
Đồng tình hỗ trợ hàng không nhưng nhiều chuyên gia lo tình huống nếu VNA được cứu trước, tung chiêu cạnh tranh giảm giá, các hãng hàng không tư nhân sẽ khó gấp nhiều lần. Thực tế là vừa qua, có lúc hãng hàng không 4 sao đã bán vé bay thấp hơn cả Vietjet. Người tiêu dùng sẽ thiệt nếu tình trạng độc quyền 10 năm trước lặp lại.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng, cho rằng hàng không cần được ưu tiên chủ yếu vì vai trò quan trọng và tác động lan tỏa của nó với nền kinh tế. Giao thông lại là mạch máu của nền kinh tế. Mạch máu tắc nghẽn, nền kinh tế có thể “đột quỵ”.
Tuy vậy, theo ông Dũng, cần tránh chỉ cứu một hãng vì sẽ hủy hoại môi trường kinh doanh mà Chính phủ đã xây đắp nhiều năm qua. Vietjet năm 2019 đã nộp thuế, phí trực tiếp và gián tiếp khoảng 9.000 tỉ đồng. Nếu để hỗ trợ làm cạnh tranh bị triệt tiêu sẽ làm giảm doanh thu của những hãng tư nhân, ngân sách cũng giảm thu theo.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng Luật doanh nghiệp quy định rõ phải bảo đảm bình đẳng cho các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế. Tuy nhiên thực tế, không ít cơ quan quản lý vẫn coi doanh nghiệp nhà nước là “con đẻ” nên đã ưu ái. Sự ưu ái trong bối cảnh các hãng tư nhân đều đang yếu vì covid-19 sẽ khiến hậu quả trầm trọng hơn.
Ông Đức nhấn mạnh trong bối cảnh chịu tác động do COVID-19, việc hỗ trợ doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu nhằm làm lợi cho người tiêu dùng, cạnh tranh, thị trường và toàn xã hội. “Các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau, cùng tạo ra lợi ích cho xã hội, công ăn việc làm và nộp thuế cho Nhà nước thì lý gì chỉ hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước?” – ông Đức đặt vấn đề.
Mức hỗ trợ sụt giảm vì vắng khách
Theo tính toán của VNA, quyết định của Chính phủ giảm 50% giá điều hành các chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến tháng 9-2020 có thể giúp hãng này giảm được hơn 75 tỉ đồng; giảm 50% giá cất hạ cánh chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến tháng 9-2020 có thể giảm hơn 98 tỉ đồng…
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 7 khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng và lan ra, mức giảm thuế môi trường với nhiên liệu hàng không (áp dụng từ 1-8 đến hết tháng 12-2020) dự kiến giúp hãng giảm được hơn 220 tỉ đồng sẽ không thành vì từ 25-7 số chuyến bay sụt giảm.
C.TRUNG – N.BÌNH – T.PHÙNG
—————
Tuổi trẻ (Du lịch) 12-8-2020:
(166/1.720)