2.617. Ngân hàng ồ ạt phát mãi tài sản nhưng người mua chưa mặn mà

(VTV.vn) – Dù các tài sản phát mại từ các ngân hàng có giá “mềm” hơn bên ngoài thị trường, nhưng người mua vẫn không mặn mà với những tài sản này.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều khách hàng không đủ khả năng để trả nợ, hàng loạt ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây phải tiến hành rao bán khoản nợ hoặc phát mãi các tài sản gắn liền với khoản nợ như bất động sản hay nhà xưởng.

Dù tài sản phát mại từ các ngân hàng sẽ có giá “mềm” hơn bên ngoài thị trường, nhưng người mua chưa mặn mà. Thậm chí, giao dịch từ đầu năm tới nay còn chậm hơn so với năm ngoái.

Rao bán từ sắt thép đến ô tô để thu nợ

Nhiều ngân hàng đồng loạt thanh lý ô tô với mức giá rẻ, thậm chí chỉ từ 60 triệu đồng/chiếc. Hiện ngân hàng NCB đang rao bán 2 ô tô khách nhãn hiệu Ford Transit, 2 ô tô tải hiệu Veam và Chevrolet cùng với 3 ô tô con hiệu Toyota, Huyndai, Chevrolet. Giá khởi điểm cho các tài sản đấu giá này chỉ từ 142,2 triệu đồng/chiếc.

Ngân hàng TPBank đã ra thông báo bán đấu giá 5 ô tô để thu hồi nợ. Các mẫu xe rao bán đợt này gồm Ford Transit giá khởi điểm 425 triệu đồng, Chevrolet Aveo giá 140 triệu đồng, 1 xe hiệu Veam giá 200 triệu đồng và 2 xe Samco Felix giá 700 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng này còn đang thông báo quyết định xử lý tài sản bảo đảm của nhiều khách hàng khác, dự kiến thời gian tới sẽ còn rao bán nhiều hơn nữa.

Đáng chú ý, hôm 17/8, VPBank thông báo bán đấu giá 62 chiếc ô tô các loại thuộc nhiều nhãn hiệu khác nhau sản xuất năm 2014 – 2018. Theo nội dung tin đấu thầu, hầu hết các tài sản đều có giá chưa tới 500 triệu đồng, có những chiếc ô tô hiệu Changan chỉ được bán với giá 61 và 67,5 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều tài sản đảm bảo khác như vật liệu, tàu cá… cũng được nhiều ngân hàng rao bán.  Như VPBank mới đây vừa thông báo bán đấu giá 10 cuộn thép không gỉ, đơn giá từ 9.500 – 19.000 VNĐ/kg, với tổng mức giá khởi điểm hơn 400 triệu đồng.

Cho đến các bất động sản giá trị trăm tỷ đồng 

Ngày 21/08, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV thông báo bán đấu giá 25 tài sản tại Sa Đéc, Đồng Tháp với tổng giá khởi điểm gần 283 tỷ đồng. Trong đó, 25 tài sản bao gồm 21 quyền sử dụng đất ở, sản xuất kinh doanh, trồng cây lâu năm, hàng năm khác với tổng diện tích 24,329 m2 tại xã Tân Quy Tây. Cùng với 3 nhà kho có tổng diện tích xây dựng gần 8,142 m2 và toàn bộ máy móc thiết bị dây chuyền xây xát, lau bóng gạo.

Trước đó, BIDV – Chi nhánh Gia Định thông báo bán phát mãi 55 căn hộ tại dự án chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) với giá giảm 5% so với các đợt chào bán trước từ 2 – 5,2 tỉ đồng/căn.  Trước đó, BIDV cũng đã ba lần rao bán phát mãi căn hộ tại dự án này nhưng chưa có giao dịch thành công.

Ngày 20/08, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại địa chỉ 543 quốc lộ 62, khu phố 5, phường 2, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có diện tích sử dụng hơn 143,178 m2 cùng với máy móc thiết bị của công ty Ngọc Mekong. Tổng giá khởi điểm hơn 78 tỷ đồng.

Ngân hàng ồ ạt rao bán, người mua không mấy…mặn mà

Theo các chuyên gia, đây là những khoản nợ xấu từ năm 2014, 2015, đến nay phải tất toán. “Đó là những tài sản càng để lâu càng mất giá, đặc biệt thời điểm khó khăn cần dòng tiền, phải thanh lý ngay. Một lý do nữa, năm 2020, theo đề án của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải tiếp tục giảm tỷ lệ nợ xấu. Một trong những nhiệm vụ là phải xử lý được các tài sản nợ xấu đã tồn đọng bấy lâu nay.”. Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết.

Tuy nhiên, dù nhiều tài sản giá rẻ nhưng người mua cũng không mấy mặn mà. Ông Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận định, lượng giao dịch thành công của VAMC trong nửa đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, do khó khăn chung về kinh tế. Đặc biệt, có những tài sản rao bán tới 4, 5 lần nhưng chưa có người mua.

Người mua nên cẩn trọng về tính pháp lý

Việc các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản nhằm thu hồi khoản nợ được đánh giá là cơ hội với các doanh nghiệp và người dân, bởi mức giá mà các ngân hàng đưa ra thường được nhìn nhận là khá hấp dẫn so với mặt bằng giá của thị trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc mua lại nhà ở, bất động sản là tài sản thế chấp khoản vay từ các ngân hàng không đơn giản do đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản đến sự đồng thuận của chủ tài sản cũng như các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng nên người mua cần thận trọng.

Trao đổi với phóng viên VTV Digital, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, người mua cần quan tâm đến pháp lý xem thực sự có vướng mắc gì không, có đúng pháp luật không. Đặc biệt cần quan tâm đến tình trạng thực tế của tài sản, đã được bàn giao, do ngân hàng quản lý; hay chủ sở hữu có đang chiếm giữ hay tranh chấp gì không.

Bên cạnh đó, người mua cũng cần xác minh từ cơ quan thi hành án, xem chủ sở hữu có thực hiện nghĩa vụ gì khác sau khi đấu giá thành công hay không? Quá trình làm thủ tục phát mại tài sản có đúng hay không? Bởi lẽ, khi mua xong mà có người khởi kiện, tòa tuyên hủy mua bán phát mãi và khi đó, người mua phải tốn nhiều thời gian, công sức.

Điệp Anh

—————————

VTV.vn (Kinh tế) 28-8-2020:

https://vtv.vn/kinh-te/ngan-hang-o-at-phat-mai-tai-san-nhung-nguoi-mua-chua-man-ma-20200827183129433.htm

(156/1.176)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,904