2.618. Trống pháp lý, cho vay kiểu Mofin ‘khủng bố’ nhiều người.

(TP) – Cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang nở rộ ở Việt Nam vài năm gần đây. Những cảnh báo đã được đưa ra, song kiểu đòi nợ “khủng bố” điện thoại con nợ và cả người không liên quan đang diễn ra trong thực tế. Điển hình là ứng dụng Mofin.

Giao diện website Mofin.vn (đang báo lỗi) và Mofin.asia của MofinẢnh: PV

Dễ bị lợi dụng

Như Tiền Phong phản ánh trong bài “Thuê bao khốn đốn vì bỗng dưng bị khủng bố đòi nợ” (số báo ra ngày 17/4), kể câu chuyện, một cá nhân tên Khánh Hà chỉ vay 3,8 triệu đồng qua ứng dụng Mofin. Người vay khi làm hồ sơ qua mạng phải kê khai số điện thoại người thân. Việc thẩm định của Mofin lỏng lẻo nên khi người vay không trả nợ, nhiều người bị vơ vào là người thân của con nợ bỗng dưng phải chịu trận hàng chục cuộc gọi truy nợ tự động mỗi ngày, bất kể ngày giờ nào. Khi người bị “khủng bố” khiếu nại, nhân viên tổng đài 1900636390 của Mofin từ chối trách nhiệm và đưa ra các yêu cầu phi lý, thay vì xác minh xử lý vụ việc.

Theo giới thiệu trên website http://www.mofin.vn/ hiện ứng dụng này được quản lý bởi Cty CP Công nghệ Tài chính NETFIN, địa chỉ: Số nhà 10, ngõ 1194 đường Láng, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội. Tiền cầm cố của khách hàng do công ty này thụ hưởng, giải quyết khiếu nại cũng tại địa chỉ này. Tuy nhiên, theo website http://www.mofin.asia,  Mofin được tự giới thiệu là sàn kết nối tài chính hàng đầu Việt Nam. Không nói về đối tác phía Việt Nam, trang web này chỉ giới thiệu về Mofin và địa chỉ tại Mỹ.

Ứng dụng Mofin là một trong các ứng dụng về cho vay ngang hàng phát triển mạnh tại Việt Nam từ khoảng năm 2016 tới nay. Các khoản vay thường dưới 10 triệu đồng. Đây là bên trung gian kết nối người cho vay và người vay qua mạng internet (tương tự loại hình vận tải Uber, Grab). Mofin chỉ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ người vay và kết nối với người cho vay, sau đó lấy phí. Khi bên vay chậm trả nợ, Mofin sẽ đứng ra nhắc nợ, đòi nợ thay bằng cách gọi điện thoại đến người thân của người đã vay tiền (phải kê khai trước khi vay). Việc nhắc nợ này thậm chí được thực hiện tự động. Công ty quản lý ứng dụng còn nhắc nợ qua các tài khoản mạng xã hội.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, hiện Việt Nam chưa có quy định về quản lý cho vay ngang hàng, nhưng luật cũng không cấm, nên hình thức này vẫn được triển khai. Cũng vì thiếu quy định, nên hình thức vay mới này dễ bị lợi dụng, dễ từ hợp pháp sang bất hợp pháp, đa cấp.

“Đây là mô hình mới đan xen, chồng lấn giữa công nghệ và tài chính. Hiện Việt Nam đang xây dựng quy định để quản lý loại hình này, như quy định về hạn mức cho vay, nhắc nợ, bảo hiểm rủi ro…”, ông Đức nói. Theo vị này, quy định về nhắc nợ với cho vay tiêu dùng, hay vay ngang hàng để ngăn chặn tình trạng nhắc nợ kiểu “khủng bố” người vay đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng. Các quy định này cần cấm đòi nợ kiểu xúc phạm nhân phẩm người khác, đòi nợ qua người thân, đòi nợ vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, lễ, tết…

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo

  1. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, cho vay ngang hàng mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng đã có khoảng 10 công ty hoạt động (giống như Mofin). Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa có nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến tướng, như: Lãi suất lên tới trên 100%/năm; Biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen, đòi nợ kiểu “xã hội đen”… diễn biến rất phức tạp. Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội.

Tuy vậy, theo ông Lực, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp quản lý để tránh hình thức này biến tướng thành tín dụng đen, đầu tư đa cấp trá hình, rửa tiền… “Cần có các quy định ràng buộc trách nhiệm các bên, quản lý rủi ro với hệ thống tài chính, tuyên truyền nâng cao hiểu biết người dân trong đầu tư cũng như vay tiền qua hình thức này…”, ông Lực nói.

Trước đó, vào cuối năm 2018, NHNN đã phát đi cảnh báo về hình thức cho vay ngang hàng. Theo NHNN, hoạt động cho vay ngang hàng thời gian qua tồn tại một số vấn đề như: Quảng cáo không minh bạch, cung cấp thiếu thông tin, lãi suất cao phi thực tế. Ngoài ra, một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên ứng dụng để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp, chiếm dụng vốn, lừa đảo.

NHNN khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ thông tin, thận trọng khi tham gia cho vay ngang hàng. NHNN đang nghiên cứu xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức cho vay trên.

Luật sư Bùi Đình Ứng thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc công ty cho vay ngang hàng tài chính tiêu dùng đòi nợ nhầm người là biểu hiện của công ty đó có vấn đề. Vì Công ty cho vay mà không biết người vay là ai, những người liên quan để đối chứng là ai thì chưa làm hết trách nhiệm. Người không biết người vay là ai nhưng bị đòi nợ, “khủng bố” điện thoại, dọa nạt… gây phiền hà có thể yêu cầu công ty cho vay phải dừng gây phiền hà. Nếu công ty cho vay vẫn tiếp tục cố tình, người bị đòi nợ sai chứng minh được thiệt hại có thể yêu cầu đòi bồi thường, xin lỗi công khai. Người bị oan có thể trình báo cơ quan công an nơi gần nhất, cơ quan công an sẽ có trách nhiệm xác minh, xử lý công ty cho vay. Thậm chí “nạn nhân”có thể khởi kiện ra tòa.

Có thể thu hồi đầu số điện thoại quấy rối
Theo một chuyên gia về viễn thông, trường hợp khách hàng liên tục bị đòi nợ bằng các cuộc gọi di động nếu chứng minh được mình không phải là người vay nợ, có thể thu thập bằng chứng thông tin về việc này và gửi đến cơ quan chức năng đề nghị xử lý.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay các đầu số di động được Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ cho các nhà mạng. Trên cơ sở đó, các nhà mạng sẽ ký hợp đồng với khách hàng. Trường hợp khách hàng vi phạm các điều khoản của hợp đồng, nhà mạng có trách nhiệm xử lý theo nội dung đã thống nhất trong hợp đồng như thu hồi đầu số. Trường hợp khách hàng có những hành vi vi phạm pháp luật, người dùng có thể thông tin đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định hiện hành.

Nguyễn Hoài

—–

Tiền phong (Kinh tế) 19-4-2019:

https://www.tienphong.vn/kinh-te/trong-phap-ly-cho-vay-kieu-mofin-khung-bo-nhieu-nguoi-1404209.tpo

(184/1.317)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,920