(NĐT) – Việc tổ chức cuộc họp mới để miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc có thể xem là cách mà nhóm của bà Lương Thị Cẩm Tú “loại bỏ” hiệu lực của vụ kiện lẫn quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án nhân dân TP.HCM đã ban hành.
Ảnh chụp từ nội dung thư mời
Nhóm 5 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) gồm ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki sáng 23/4 vừa có thông báo mời họp HĐQT với nội dung chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112/2019/EIB-NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank.
Cùng với đó là nội dung bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc, và xem xét gia hạn hoặc bổ nhiệm mới chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Văn Quyết.
Theo trình bày tại thư mời, ngày 5/4/2019, nhóm 5 thành viên HĐQT vừa đề cập đã có văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc triệu tập họp HĐQT để xem xét các nội dung trên.
Ngày 4/4/2019, Ban kiểm soát Eximbank cũng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT nhanh chóng triệu tập cuộc họp HĐQT theo đúng luật định để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Tuy nhiên hết thời hạn 15 ngày theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank song Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc không triệu tập họp HĐQT.
Đây là cơ sở để nhóm 5 thành viên HĐQT quyết định triệu tập cuộc họp HĐQT vào sáng ngày 6/5 tới đây.
Nhadautu.vn đã liên hệ với ông Lê Minh Quốc để tìm hiểu sâu hơn tuy nhiên không nhận được phản hồi.
Trích thư mời của 5 thành viên HĐQT Eximbank, trong đó ông Yutaka Moriwaki – đại diện cho cổ đông ngoại SMBC nhấn mạnh “đồng ý thảo luận với toàn bộ các thành viên HĐQT, đặc biệt về nội dung thay đổi Tổng giám đốc”
Bình luận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định phía ông Lê Minh Quốc đang lâm vào thế “khó” trong cuộc tranh đấu quyền lực ở Eximbank.
“Không có quy định nào cấm HĐQT Eximbank họp và đưa ra Nghị quyết bầu Chủ tịch mới vào ngày 6/5 tới. Kể cả khi không đủ người thì họ có thể triệu tập cuộc họp lần hai trong vòng 7 ngày sau đó. Điều quan trọng là đa số thành viên đã không ủng hộ thì anh không thể cưỡng lại được”, Luật sư Trương Thanh Đức trả lời
Ông Đức nhấn mạnh việc một nhóm thành viên HĐQT họp và bầu Chủ tịch HĐQT mới không có “vấn đề gì” về mặt pháp lý, và tách bạch với vụ kiện đã được TAND TP.HCM đã thụ lý. Đây cũng có thể xem là cách mà nhóm của bà Lương Thị Cẩm Tú “loại bỏ” hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà TAND TP.HCM đã ban hành.
Như đã đưa tin, HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019 đã có Nghị quyết 112/2019/EIB-NQ-HĐQT miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc, bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Minh Quốc và một cổ đông nắm trên 1% cổ phần sau đó khởi kiện 7 thành viên HĐQT tham gia phiên họp. TAND TP.HCM ngày 27/3 đã thụ lý vụ án và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là dừng thực hiện Nghị quyết ngày 22/3.
Eximbank trong hai ngày 28-29/3 liên tiếp có các đơn khiếu nại Quyết định thụ lý vụ án và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án. Ở diễn biến mới nhất, TAND TP.HCM ngày 18/4 đã bác đơn khiếu nại của Eximbank, khẳng định Quyết định tạm dừng thực hiện Nghị quyết ngày 22/3 là có đủ căn cứ pháp lý.
Tình trạng rối ren ở Eximbank đã kéo dài một tháng qua, đặc biệt gây nhiều lo ngại trong bối cảnh hợp đồng lao động với Tổng giám đốc Lê Văn Quyết hết hạn từ ngày 5/4. Ngân hàng này gần 20 ngày kể từ đó không có Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật duy nhất.
PV Nhadautu.vn đã tìm cách liên hệ với Thống đốc Lê Minh Hưng, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi từ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước.
NGHI ĐIỀN
——-
Nhà đầu tư (Tài chính) 23-4-2019:
(182/791)