2.621. Đề xuất bán thoái vốn 12 dự án thua lỗ thông qua thị trường.

(ĐTCK) – Trong khi cơ quan chủ quản, bộ quản lý chuyên ngành và các doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm lối thoát cho 12 dự án thua lỗ ngành công thương thì nhiều quan điểm cho rằng, đã đến lúc cần mạnh dạn để thị trường thực hiện vai trò định đoạt, thay vì tiếp tục dùng nguồn lực nhà nước gia cố thêm.

Hiện nhiều dự án trong số này dù đã hoạt động lại, song chi phí khấu hao quá lớn, bản thân các doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, trong khi cửa vay từ các ngân hàng hầu hết đã khép lại nên tiếp tục rơi vào bế tắc, như trường hợp Nhà máy Gang thép Thái Nguyên thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam, hay Đạm Ninh Bình thuộc Vinachem.

Giải pháp được các doanh nghiệp đề xuất vẫn là tiếp tục kéo dài thời hạn vay và giảm lãi suất đối với các khoản vay ngân hàng thương mại, tiếp tục được vay vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh, khoanh nợ để có thời gian phục hồi sản xuất…

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu không mạnh dạn chấp nhận các giải pháp mang tính thị trường thì sẽ rất khó xử lý triệt để, thậm chí nếu càng quanh quẩn với các nguồn lực của nhà nước thì có nguy cơ thiệt hại thêm.

Vai trò của thị trường và tư nhân tham gia tái cơ cấu dự án đã có những kết quả kiểm chứng thực tế khá rõ ràng, thể hiện ở sự hồi sinh của dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PV Tex). Sau khi có sự tham gia tái cơ cấu của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings, từ chỗ thua lỗ nặng nề, PV Tex đã có lãi tăng dần đều trong 2 năm gần đây, trong khi nhà nước không phải bỏ thêm vốn. Hiện Nhà máy đang vận hành ổn định 10 dây chuyền, sản lượng đến ngày 25/2/2019 đạt 3.368 tấn sợi các loại; dự kiến trong quý II/2019 sẽ nâng quy mô vận hành 15 – 18 dây chuyền và tiến tới sẽ vận hành toàn bộ Nhà máy trong năm 2019. Điều này cho thấy hướng đi thị trường hóa với sự tham gia của khu vực tư nhân là lối thoát đúng đắn cho dự án trong điều kiện hiện nay.

Đồng tình quan điểm nên thị trường hóa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành cho rằng, nguyên tắc xử lý hiệu quả nhất là niêm yết trên thị trường và để thị trường định giá. Đương nhiên, sẽ rất khó có thể đạt điểm dung hòa ở mức giá kỳ vọng của người bán là phía nhà nước thường đặt kỳ vọng ở mức cao và người mua là doanh nghiệp tư nhân ở mức chấp nhận được.

Bởi thực tế là họ đang mua dự án “xấu” để tái cơ cấu, mua khoản nợ hay thậm chí là mua “sắt vụn”, do đó, người bán cũng không nên quá kỳ vọng về một mức giá cao.

“Có thể bán theo phương pháp dò thị trường, tức là không phải bán toàn bộ ngay cùng một lúc, mà vừa đẩy ra một ít vừa thăm dò nghe ngóng động thái của thị trường.

Trước mắt, có thể đưa ra khoảng 5% để thị trường thẩm định, nếu dự án có triển vọng phục hồi, doanh nghiệp tư nhân sẽ thực sự quan tâm và sẵn sàng mua lại ở mức giá hợp lý mà họ chấp nhận được. Sau khi bán được 5% này rồi thì tiếp tục bán tiếp, mức giá tiếp theo có thể tùy theo mức chấp nhận của thị trường lúc đó cao hơn nếu dự án phục hồi tốt, có lợi nhuận”, ông Thành gợi ý.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, cách làm này vừa xử lý triệt để, mang lại lối thoát sáng nhất cho dự án, mặt khác nhà nước không cần phải đổ thêm nguồn lực, trong khi tư nhân có cơ hội từ tái cơ cấu lại, tức là đôi bên cùng có lợi.

Còn đối với những dự án không thể cứu vãn được, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nên mạnh dạn cho phá sản để sớm thu lại các tài sản của nhà nước đưa ra kinh doanh, giải phóng các nguồn lực, thay vì bị tắc nghẽn lãng phí như hiện nay.

“Nhà nước chỉ nên tập trung cứu 1 – 2 dự án thật sự có tiềm năng mang lại hiệu quả, còn lại mạnh dạn chấp nhận cho phá sản hoặc bán thanh lý, thậm chí giá 0 đồng. Ví dụ như đối với dự án Bột Giấy Phương Nam bán mấy lần không ai mua nên thanh lý 0 đồng để nhà đầu tư thực sự quan tâm sẽ mua”, ông Đức đề xuất.

Theo chuyên gia này, về nguyên tắc, đã chấp nhận thanh lý là để thị trường định đoạt, chứ không phải là thất thoát, mất vốn nhà nước. Vấn đề là cho thị trường cạnh tranh thực sự minh bạch, cho doanh nghiệp đầu tư vào thật, chứ không phải tiêu cực “quân xanh quân đỏ” để nhân cơ hội “đục nước béo cò”, chia chác tài sản nhà nước.               

Hiếu Minh


Đầu tư Chứng khoán (Thời sự) 24-4-2019:

https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/de-xuat-ban-thoai-von-12-du-an-thua-lo-thong-qua-thi-truong-263934.html

(208/961)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,920