(VNNet) – Nhiều doanh nghiệp đang tạo ra tài sản ảo, thông qua phát hành trái phiếu. Các chuyên gia kinh tế quan ngại rằng đại dịch Covid-19 chưa qua mà “bong bóng” trái phiếu đã tới thì đó là nguy cơ lớn.
“Bong bóng” trái phiếu?
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 8/2020, các doanh nghiệp đã đăng ký phát hành 723 đợt trái phiếu, để huy động 127.000 tỷ đồng, tăng gần 70% so với tháng trước. Trong đó, có 37 doanh nghiệp tổ chức phát hành thành công với 172 đợt, huy động được 38.400 tỷ đồng. Như vậy, giá trị phát hành trong tháng 8 gấp gần 2 lần so với giá trị phát hành thành công trong tháng trước đó.
Trong số này, các công ty bất động sản tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ vốn huy động, chiếm hơn 30%, tiếp đến là các tổ chức tín dụng, dịch vụ, sản xuất và chứng khoán. Đáng quan tâm là một doanh nghiệp (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ), có ngành nghề kinh doanh chính là cắt tóc, làm đầu, gội đầu đã phát hành thành công lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm, với giá trị 738 tỷ đồng vào ngày 25/8/2020, mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bùng nổ phát hành trái phiếu trong tháng 8 là do doanh nghiệp gấp rút chạy đua trước thời điểm Nghị định 81/2020 NĐ-CP với những ràng buộc chặt hơn về điều kiện phát hành, có hiệu lực từ 1/9/2020.
Với cơ chế phát hành khá dễ dàng, từ đầu năm tới nay, nhiều doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao hơn đáng kể so với lãi suất ngân hàng, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân tham gia. Hiện Việt Nam cùng Trung Quốc và Malaysia là 3 quốc gia có thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á.Theo HNX, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 có 174 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, huy động hơn 237.700 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê, trong 8 tháng qua, nhiều công ty có tần suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp dày đặc, giá trị phát hành vượt tới từ 10-100 lần vốn chủ sở hữu. Có doanh nghiệp phát hành tới 2 đợt/ngày. Trong đó chủ yếu là trái phiếu phát hành riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo. Tuy triển khai dày đặc các đợt phát hành trái phiếu huy động vốn, nhưng thông tin về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, công nợ… của nhiều doanh nghiệp còn chưa được công khai, minh bạch.
Lo ngại những nguy cơLãi suất phát hành trái phiếu từ 10-20%, cao nhất thuộc về một DN tại TP.HCM khi phát hành 163 tỷ đồng trái phiếu, để đầu tư cho Trung tâm phụ tùng sửa chữa xe cơ giới và 50 salon Vissa Beauty. Nếu lĩnh lãi theo tháng, đầu tư 5 triệu đồng, sẽ được hưởng lãi suất 15%/năm, đầu tư 10 triệu đồng, hưởng lãi suất 15,5%/năm, đầu tư 1 tỷ đồng, hưởng lãi suất 19,5%/năm. Nếu nhận lãi theo năm, mức lãi suất được trả sẽ cao hơn 0,8%/năm so với lãi suất nhận theo tháng.
Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, không gắn với nhu cầu huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp nhưng phát hành trái phiếu với khối lượng lớn. Đáng báo động hơn, trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngày càng nhiều, lại chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, khiến nhà quản lý quan ngại.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không bị giám sát về giải ngân, về sử dụng vốn, nên nguồn vốn huy động được không rõ có đầu tư cho dự án hay lại dùng để làm việc khác, vấn đề này rất khó kiểm soát.Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát hành trái phiếu quá dễ dàng, khiến cho nhiều doanh nghiệp huy động được số tiền lớn, chỉ với những tờ giấy (trái phiếu) in ấn đẹp. Chẳng hạn như doanh nghiệp Xích Lô Đỏ, phát hành lô trái phiếu có quy mô rất lớn, gấp 36,9 lần so với vốn điều lệ, đó là chưa kể so với vốn chủ sở hữu, thấp hơn vốn điều lệ. Trong khi doanh nghiệp này làm ăn chưa có lãi. Như vậy, những trái chủ đang phải đối mặt với rủi ro lớn, khi khả năng trả nợ của công ty này còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Các chuyên gia kinh tế quan ngại rằng, đại dịch Covid chưa qua mà “bong bóng” trái phiếu đã tới thì đó là một thảm họa. Hiện tại, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một tài sản chưa đến hạn trả nợ. Nhưng đến hạn mà doanh nghiệp không thể thanh toán cho trái chủ thì trái phiếu trở nên vô giá trị. Hệ lụy xảy ra là rất lớn, không chỉ đối với nhà đầu tư mà còn với cả nền kinh tế. Bởi nhiều doanh nghiệp đang tạo ra tài sản ảo, không dựa trên thực lực của mình, không đánh giá được tình hình kinh tế đang khó khăn.
Trên thực tế, hiện tượng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc gần đây là một cảnh báo. Nhiều doanh nghiệp ở quốc gia này mất khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu, đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Trần Thủy
—————————
Vietnamnet (Kinh doanh) 19-9-2020:
(53/1.066)