2.626. Tước bằng lái vĩnh viễn lái xe sử dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng.

(VOV GT) – Đó là một trong nhiều ý kiến được đề xuất sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc gần đây. 

Hiện trường vụ tai nạn khiến 1 người chết đêm 22/4. Tài xế đã thừa nhận hành vi uống rượu bia trước khi lái xe

Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I, triển khai kế hoạch quý II năm 2019 đã được Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức ngày 24/4. Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy đang rất đáng lo ngại.

Do đó, phải xử lý nghiêm, sửa luật để phạt nặng, bắt buộc lao động công ích, tịch thu phương tiện, tước bằng với người vi phạm mà xe của họ là chính chủ. Nếu vi phạm này thuộc trách nhiệm của DN, thì phải rà soát quy định pháp luật để xử lý nghiêm.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khước – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – đề xuất tăng mức phạt tiền, xử lý hình sự, tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế uống rượu bia gây tai nạn chết người; tước bằng lái xe 3-5 năm với lái xe sử dụng rượu bia, ma túy tham gia giao thông; buộc lao động công ích với các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe; xử lý lực lượng thực thi công vụ bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm.

Nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này, vì nếu làm nghiêm như vậy thì mới có tính răn đe, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng (ở Đông Anh, Hà Nội), những chế tài như trên là cần thiết, vì ý thức của nhiều người tham gia giao thông hiện nay còn rất kém: Tôi thấy luật pháp phải xử lý nghiêm vấn đề này. Thứ nhất uống rượu mà lái xe ô tô là không được. Thứ hai là đường cấm cũng không nên vào. Nếu vào nên thu xe, kể cả xe máy, vì xe máy là phương tiện vi phạm nhiều nhất. Đây là một biện pháp để răn đe để người dân chấp hành tốt. Khi thực hiện phải làm quyết liệt, làm đến nơi chứ đang làm mà bỏ lửng là không được.

Những quốc gia như Nhật Bản, Singapore… áp dụng khung hình phạt rất cao với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe

Trên thế giới, những chế tài như tước bằng lái vĩnh viễn, buộc tài xế uống rượu bia đi lao động công ích đã được nhiều quốc gia áp dụng.

Tại Singapore, những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích. Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền tương đương 85 triệu đồng và đối diện với 6 tháng tù giam. Nếu tái phạm nhiều lần, hình phạt sẽ tăng thêm, trong đó, sẽ tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3. Scotland có quy định tịch thu xe khi tài xế điều khiển phương tiện có nồng độ còn vượt quá giới hạn. Phương tiện sẽ bị bán đấu giá hoặc tiêu hủy.

Còn tại Mỹ, bên cạnh những chế tài xử lý tài xế vi phạm, từ năm 1993, thiết bị đo nồng độ cồn đã bắt buộc phải gắn trên phương tiện cá nhân với những người có tiền án lái xe say rượu bia. Nếu nồng độ cồn vượt mức cho phép, chiếc xe sẽ không được phép khởi động. Theo thống kê, tại bang Virginia, sau khi buộc phải gắn thiết bị đo nồng độ cồn trên xe, có tới 67% trường hợp đã không còn tái phạm. Ông Christopher Morris – Điều phối viên của Chương trình hành động lái xe an toàn bang Virginia – cho biết:Trong 10 năm qua, thiết bị đo nồng độ cồn đã giúp ngăn chặn khoảng 2,3 triệu tài xế khỏi hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Cứ mỗi một trường hợp ngăn chặn được là chúng ta đã góp phần giảm bớt đi một vụ tai nạn, thậm chí là chết người hay thiệt hại nghiêm trọng.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn, buộc tài xế uống rượu bia đi lao động công ích có tính khả thi cao. Việc cấp bằng, quản lý, thu hồi, xử lý những trường hợp vi phạm đều thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng, nên nếu có quy định cụ thể thì sẽ thực hiện được:

Muốn áp dụng thì phải sửa luật. Vì hiện nay, luật chỉ cho phép tước bằng từ 1-6 tháng, chứ không có quy định tước vĩnh viễn, cũng không có quy định vĩnh viễn không cấp lại bằng. Tôi nghĩ cũng đến lúc phải nhanh chóng xem xét, chỉnh sửa quy định này để đảm bảo ATGT. Tất nhiên, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình, doanh nghiệp. Thế nhưng, đấy là biện pháp cần thiết để chấn chỉnh lại, hạn chế những tai nạn nghiêm trọng.

Có thể thấy, những chế tài như tước bằng lái vĩnh viễn, buộc tài xế uống rượu bia đi lao động công ích đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và đem lại hiệu quả rõ rệt. Còn tại Việt Nam, đề xuất này không chỉ nhận được sự đồng thuận của các đại biểu, mà còn nhận được sự ủng hộ của người dân. Hy vọng, Chính phủ sẽ sớm sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Luật giao thông đường bộ cũng được bổ sung các chế tài tăng nặng với hành vi người lái xe sử dụng rượu bia, ma túy điều khiển phương tiện, để hạn chế những vụ tai nạn giao thông thảm khốc như đã xảy ra trong thời gian qua.

Minh Hiếu

——–

VOV Giao thông (Đường tin) 26-4-2019:

http://vovgiaothong.vn/tuoc-bang-lai-vinh-vien-doi-voi-nguoi-lai-xe-su-dung-ruou-bia-gay-ra-hau-qua-nghiem-trong

(172/1.098)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,919