(TCPL) – Từ ngày 1/1/2018, các quy định tại Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) về các tội danh liên quan đến gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN chính thức có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm, các điều luật này vẫn chưa thể vào cuộc sống dù trên thực tế không ít doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về bảo hiểm. Vì sao vậy? và tháo gỡ thế nào? Phóng viên Pháp lý sẽ phân tích trong bài viết sau.
Nợ đọng, trốn đóng hàng trăm tỷ … doanh nghiệp vẫn “vô can”
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 02/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do: Tình hình sản xuất của các đơn vị đang gặp khó khăn; Một số đơn vị có ý thức chấp hành chưa tốt quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN); Số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao… Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác. Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp có số nợ “rất lớn”: như: Công ty Cổ CP Lilama 3 (Hà Nội) hơn 32 tỷ; Công ty CP xây dựng Công trình Giao thông 1 – Hà Nội hơn 20 tỷ; Công ty CP Cầu 12 gần 20 tỷ; Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VIT Garment hơn 19 tỷ; Công ty CP Cơ khí xây dựng 121 CIENCO1 hơn 17 tỷ; Công ty CP Sông Đà 12 hơn 16 tỷ; Công ty CP Sông Đà – Thăng Long 16 tỷ; Công ty TNHH Nam Phương (TP. HCM) hơn 28 tỷ; Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn và Công ty CP Mai Linh miền Nam hơn 27 tỷ đồng… Đặc biệt tại TP. Hải Phòng, có doanh nghiệp nợ BHXH lên đến 64 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng kết của cơ quan chức năng cho thấy, sau hơn một năm thi hành BLHS 2015, Cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án nào liên quan đến lĩnh vực BHXH quy định tại các Điều 214, 215 và 216 của BLHS liên quan đến lĩnh vực BHXH, mặc dù các cơ quan BHXH đã gửi 43 hồ sơ sang Cơ quan điều tra.
Vì sao chưa thể khởi tố?
Phân tích về tội danh trốn đóng BHXH (Điều 216), Luật sư Trần Đại Ngọc, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Theo quy định của Luật BHXH 2014, Luật BHYT sửa đổi 2014, Luật việc làm 2013 thì việc tham gia các loại bảo hiểm nêu trên là nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động. Khoản 1 điều 186 Bộ luật Lao động khẳng định: “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về BHYT”.
Trên thực tế, mặc dù có rất nhiều quy định kiểm soát việc tham gia BHXH cho người lao động của chủ sử dụng lao động nhưng vẫn tồn tại thực tế trốn đóng các loại bảo hiểm này. Thực trạng đó diễn ra một cách thường xuyên, dưới nhiều hình thức gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực lao động, tới việc đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động và cho nhà nước cũng như việc duy trì công bằng xã hội. Để tránh hiện tượng này xảy ra, BLHS 2015 đã quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại Điều 216.
Về chủ thể thực hiện tội phạm: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 216 BLHS 2015, chủ thể thực hiện tội phạm tại Điều 216 BLHS 2015 có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đó là người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Như vậy đây là chủ thể đặc biệt, có nghĩa chỉ những chủ thể có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mới có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự khi trốn đóng BHXH. Hiểu một cách đơn giản, chủ thể thực hiện tội phạm ở đây là cá nhân người sử dụng lao động bởi đây là chủ thể được pháp luật quy định có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc đóng các loại bảo hiểm nêu trên cho người lao động. Ngoài cá nhân phạm tội, căn cứ theo quy định tại Điều 76 BLHS 2015 thì tội phạm này nằm trong phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Như vậy cá nhân và pháp nhân là 2 chủ thể của tội phạm này.
Về hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội ở đây bao gồm tổng hợp nhiều hành vi được thể hiện dưới hai dạng chung nhất là sử dụng những thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên. Thủ đoạn gian dối có thể được hiểu là việc giả mạo các hóa đơn chứng từ liên quan đến việc sử dụng lao động hoặc cố tình khai báo không trung thực với cơ quan BHXH về nghĩa vụ đóng BHXH của người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm. Ngoài ra, việc sử dụng các thủ đoạn khác có thể được hiểu là những giao kèo, thỏa thuận trái pháp luật để ép hoặc yêu cầu người lao động không tham gia bảo hiểm để người sử dụng lao động trốn tránh việc đóng BHXH…
Tuy nhiên, Luật sư Trần Đại Ngọc nhấn mạnh, chúng ta cũng cần lưu ý, không phải mọi trường hợp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn điều kiện ràng buộc. Thứ nhất là nếu trường hợp hành vi không đóng đầy đủ thì phải từ 06 tháng trở lên mới có khả năng bị xử lý. Ở đây điều luật không quy định 06 tháng liên tục nên được hiểu là cộng dồn đủ 06 tháng trong cả quá trình đóng bảo hiểm cho người lao động là sẽ đủ căn cứ về mặt thời gian. Thứ hai là phải thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 216 BLHS 2015, đó là các trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. Thứ ba là đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn vi phạm. Phải đủ 3 yếu tố nêu trên thì mới đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm nhưng trốn đóng.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc hình sự hóa đối với một số doanh nghiệp trốn đóng, trục lợi BHXH theo Điều 216 Bộ luật Hình sự sửa đổi có thể thực hiện. Bởi khi doanh nghiệp muốn sản xuất, kinh doanh luôn phải có sổ sách, giấy tờ, hợp đồng rõ ràng. Trên cơ sở những chi phí hợp pháp, hợp lệ của doanh nghiệp, hoàn toàn có thể tính toán ra số tiền bảo hiểm cần phải đóng. Nếu doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm trước ngày 1/7/2016 thì xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013, còn các khoản nợ bảo hiểm phát sinh sau đó xử lý theo quy định mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Song trên thực tế hiện nay, việc xử lý bằng cách khởi kiện ra Tòa án đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH là chưa mấy khả quan. Các báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ 2015 đến nay, các cấp công đoàn đã tiếp nhận trên 2.700 hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang. Trong số này có gần 200 vụ cơ quan BHXH đề nghị khởi kiện, nhưng Tòa án chỉ thụ lý khoảng 30 vụ. Các trường hợp khác, Tòa đều trả lại hồ sơ do không có giấy ủy quyền khởi kiện của người lao động.
Để doanh nghiệp không “nhờn” Luật….
Để triển khai thi hành Bộ luật Hình sự, ngày 9/8/2017, TANDTC đã ban hành Quyết định số 151/QĐ-TANDTC, theo đó một trong những nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn áp dụng thống nhất luật. Bên cạnh đó, TANDTC cũng phối hợp với BHXH Việt Nam triển khai nghiên cứu đề án: “Xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN- Thực trạng và giải pháp”. Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, Luật BHXH quy định tổ chức công đoàn là đại diện người lao động khởi kiện những vấn đề liên quan đến BHXH ra Tòa, nhưng để ra Tòa án thì liên quan đến Luật tố tụng dân sự, phải có sự ủy quyền và rất nhiều vấn đề liên quan mà cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều vướng mắc cần có hướng dẫn.
Các chuyên gia, nhà khoa học bàn giải pháp thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN
Từ đầu năm 2019 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về “Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự và những vấn đề cần hướng dẫn thi hành”. Mặc dù còn nhiều tranh luận, góp ý song một Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đưa ra đã làm rõ và định hình khá đầy đủ các loại tội phạm về BHXH. Những hành vi vi phạm mà trước khi có chế tài hình sự nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn xem nhẹ thì sắp tới phải xem lại. Đơn cử, trường hợp không đóng tiền BHXH quy định tại khoản 1, Điều 216 của Bộ luật Hình sự được hướng dẫn rất rõ là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng không đóng BHXH đã trích nộp cho cơ quan BHXH. Hoặc trường hợp chiếm đoạt tiền BHXH quy định tại khoản 1, Điều 214 Bộ luật Hình sự cũng được hướng dẫn rất cụ thể. Đó là hành vi lập hồ sơ BHXH giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ để hưởng ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí trái quy định…
Trong đó, nhiều ý kiến thống nhất cách hiểu đối với một số khái niệm, tình tiết là yếu tố định tội, định khung hình phạt trong các điều luật như: Gian lận BHXH, BHYT, BHTN; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp… (một số tình tiết này đã được TANDTC hướng dẫn trước đây nhưng hiện nay đã hết hiệu lực). Xác định rõ phạm vi BHXH quy định tại các điều khoản trên, bao gồm BHXH bắt buộc và tự nguyện theo quy định của Luật BHXH (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất). Xác định thế nào là “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm, hành vi chiếm đoạt này có gì khác với các tội chiếm đoạt tài sản khác, tại sao lại tách hành vi chiếm đoạt này ra xử lý bằng tội phạm riêng, có phải vì khách thể mà điều luật này bảo vệ không chỉ là quyền sở hữu tài sản mà còn là quan hệ lao động và hoạt động bình thường của hệ thống an sinh xã hội. Việc xác định số tiền chiếm đoạt cũng cần phải hướng dẫn cụ thể (số tiền chiếm đoạt bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt nhiều lần khác nhau bao nhiêu để xác định khung hình phạt).
Ngoài ra, căn cứ, cơ sở để xác định thiệt hại cũng là vấn đề cần phải hướng dẫn. Thiệt hại do các hành vi gian lận BHXH, BHTN gây ra phải được xác định bằng tiền. Thiệt hại này được xác định trên cơ sở nào, có thể bao gồm cả chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại như chi phí cho việc thanh tra, kiểm tra, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi vi phạm và chi phí cho việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm… Bên cạnh đó, cần phải hướng dẫn cụ thể trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền bảo hiểm vừa gây thiệt hại theo mức quy định thì xác định họ phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào; việc không đóng hoặc đóng BHXH không đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên (6 tháng liên tiếp hay không liên tiếp) để có căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự; xác định tư cách pháp lý tham gia tố tụng của Cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả chế độ BHXH, BHTN có liên quan là bị hại hay là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hay nguyên đơn dân sự; xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BHTN.
Kết mở
Sau hơn 01 năm thi hành kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), chúng ta chưa khởi tố vụ án nào liên quan đến 04 tội danh được quy định tại các Điều 214, 215 và 216 của BLHS, mặc dù cơ quan bảo hiểm xã hội đã gửi hơn 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra, thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng mà chúng ta phải bàn là quy định của Bộ luật Hình sự còn có những điểm chưa cụ thể, chưa chi tiết, cần phải có văn bản hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, nếu không sẽ vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn. Và việc sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn xử lý từ phía Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chính là điều mà rất nhiều người lao động và nhân dân đang bị xâm phạm quyền lợi BHXH trong cả nước chờ đợi từng ngày.
Thành Chung
————
Tạp chí Pháp lý 29-4-2019:
http://phaply.net.vn/de-doanh-nghiep-khong-nhon-luat-bao-hiem-xa-hoi/
(130/2.654)