(TN) – Luật sư Trương Thanh Đức gọi đề xuất đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền” là một “đề xuất ngây ngô” và cho rằng, không luật nào cấm dùng chữ “phí”.
Trạm thu phí đã 2 lần phải đổi tên năm 2018
ẢNH KHÔI NGUYÊN
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đầu năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đã từng đổi “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” với lý do phí giao thông không có trong luật Phí, lệ phí 2015.
“Không có luật nào cấm không được dùng chữ “phí”. Sau luật Phí, lệ phí, có thêm nhiều luật khác, nghị định khác đề cập đến chữ phí. Có rất nhiều loại hình khác vẫn dùng phí như khái niệm, ngôn ngữ quen thuộc, dễ hiểu và điển hình. Không lẽ phí môi giới, bưu phí, học phí, viện phí, công tác phí, sinh hoạt phí… trong hàng chục nghị định hay luật khác phải bỏ đi”, ông Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng dẫn chứng cho biết mới đây, luật Sửa đổi giáo dục đại học 2018 vẫn dùng khái niệm học phí. Nghị định 29/2019/NĐ-CP cũng đưa ra khái niệm về “phí dịch vụ ngân hàng”.
Dẫn lại việc đầu năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đưa ra khái niệm “trạm thu giá” để thay thế cho “trạm thu phí”, dẫn đến phản ứng mạnh, buộc phải đổi lại tên trạm thu phí, luật sư Đức cho rằng những đề xuất này có thể tác động tốn kém không quá lớn khi đổi tên bảng hiệu, nhưng gây ức chế rất lớn cho người dân, doanh nghiệp.
“Những người soạn thảo của Bộ Giao thông vận tải quá cứng nhắc trong việc hiểu luật và áp dụng luật”, ông Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo đại diện một doanh nghiệp giao thông, với những trạm thu phí đang sử dụng bảng hiệu (không dùng bảng điện tử), việc đổi tên trạm sẽ gây lãng phí khi phải thay hoặc sơn lại bảng. Ngoài việc phải đổi tên bảng hiệu, các loại giấy tờ liên quan đến trạm thu phí đều phải thay đổi, ký lại…
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, thì cho rằng tên gọi là “trạm thu tiền” hay “trạm thu phí” không thay đổi được bản chất là người dân, doanh nghiệp đi qua trạm vẫn phải đóng đủ số tiền do cơ quan nhà nước ban hành, quy định.
“Việc quan trọng của Bộ Giao thông vận tải là quản lý chặt, làm thế nào để các trạm thu phí thu đúng, thu đủ, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, chứ không phải nay muốn đổi tên này, mai lại muốn đổi tên khác”, ông Liên cho hay.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 3 Bộ Giao thông vận tải muốn đổi tên các trạm thu hoàn vốn dự án. Đầu năm 2018 và cao điểm là tháng 5.2018, dư luận đã lên tiếng chỉ trích gay gắt việc đặt các trạm thu phí BOT tùy tiện tại nhiều địa phương cùng với việc đổi tên gọi các trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá”, từ “thu phí” thành “thu giá”. Tại phiên họp Chính phủ hồi đầu tháng 6.2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân để nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT và không sử dụng tên “trạm thu giá”. Ngày 10.7.2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long yêu cầu chính thức triển khai việc sử dụng tên gọi “trạm thu phí”. |
Mai Hà
———-
Thanh niên (Thời sự) 08-5-2019:
(298/711)