(VNB) – Theo giới chuyên môn, thị trường ảm đạm, sức mua yếu, mức định giá quá cao và các vấn đề liên quan đến pháp lí là những nguyên nhân khiến ngân hàng gặp khó khăn trong việc xử lí các khoản nợ xấu.
Ngân hàng chật vật xử lí nợ xấu
Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động phát tài sản đảm bảo và thanh lí các khoản nợ khó đòi. Tuy nhiên, nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo được đấu giá hàng chục lần với giá chào bán giảm hàng trăm tỉ đồng nhưng vẫn không có người mua.
Sau 16 lần chào bán thất bại, BIDV vừa qua thông báo tổ chức bán đấu giá lần thứ 17 đối với khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân. Giá khởi điểm được đưa ra là 800 tỉ đồng, thấp hơn 1.935 tỉ đồng so với tổng dư nợ (cả gốc và lãi).
Đây là lần thứ ba trong năm 2020, BIDV rao bán khoản nợ của nhóm khách hàng này. Trước đó, vào tháng 8/2018, khoản nợ được bán đấu giá lần đầu với mức khởi điểm là 1.208 tỉ đồng. Như vậy, giá khởi điểm hiện tại đã giảm tới 408 tỉ đồng so với lần đấu giá đầu tiên.
Ngoài ra, BIDV cũng tổ chức bán đấu giá lần thứ 6 khoản nợ của CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) tại chi nhánh Hàm Nghi, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ.
Ngân hàng chào giá khởi điểm cho khoản nợ này là gần 369 tỉ đồng, chỉ bằng gần 84% giá trị của khoản nợ và thấp hơn 66 tỉ đồng so với giá đưa ra trong đợt đấu giá lần đầu vào ngày 31/8/2019.
Agribank chưa thể bán được khoản nợ hơn 700 tỉ đồng của Doanh Nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Kể từ đầu năm 2019 tới nay, ngân hàng đã liên tục rao bán khoản nợ này nhưng không thành công.
“Ông lớn” VietinBank cũng đang “chôn” hàng trăm tỉ đồng tại CTCP Beton 6, CTCP Đầu tư Royal Việt Nam và Công ty TNHH Gnotech. Ngân hàng từng nhiều lần rao bán các khoản nợ này với giá chào thậm chí chỉ bằng 20% giá trị nhưng đều bất thành.
Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh, khối ngân hàng tư nhân cũng gặp tình trạng “khó bán” các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo.
Cuối tháng 7/2020, Sacombank thông báo đấu giá lần thứ 10 quyền sử dụng đất diện tích 6.878 m2 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM do ông Vương Thoại Nguyên thế chấp tại ngân hàng. Mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước và giá khởi điểm là 28 tỉ đồng.
Ngân hàng này cũng từng nhiều lần chào bán khoản nợ 1.217 tỉ đồng của CTCP Tư vấn đầu tư Bất động sản Minh Dương và một loạt khu đất của CTCP Bất động sản Trí Dũng và CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Tân Phong để xử lí nợ.
SCB tiếp tục tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng Dự án BMC Hưng Long với giá khởi điểm 2.530 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhà băng này cũng đang rao bán lô tài sản đảm bảo là kho Phước Sơn tại phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích đất 100.900 m2. Giá khởi điểm được SCB đưa ra là 830 tỉ đồng.
Dự án nghìn tỉ đồng – BMC Hưng Long. (Nguồn: SCB)
“Khó càng thêm khó” vì dịch COVID-19
Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến nhiều phức tạp như hiện nay, việc tổ chức đấu giá, thanh lí tài sản đảm bảo của các ngân hàng sẽ gặp phải không ít khó khăn.
Theo ông Hiếu, ảnh hưởng của dịch bệnh làm sức mua của doanh nghiệp, người dân bị suy yếu, khiến giá các loại tài sản xuống thấp đặc biệt là các loại tài sản bị thanh lí. Trong khi đó, các ngân hàng không muốn chịu lỗ quá sâu nên “đấu đi, đấu lại, đấu mãi” cũng không xử lí được tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, người mua cũng còn e ngại hơn khi việc chuyển nhượng bất động sản được ngân hàng thanh lí còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lí.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng việc đấu giá, thanh lí tài sản đảm bảo của các khoản nợ còn gặp nhiều khó khăn một phần do thị trường trầm lắng do ảnh hưởng dịch bệnh.
Nguyên nhân thứ hai là liên quan đến vấn đề định giá tài sản. Trong nhiều trường hợp, mức giá khởi điểm đưa ra chưa sát với thị trường, dẫn đến chênh lệch giá cao hơn so với thực tế. Ngoài ra, việc xử lí nợ xấu cũng gặp khó do các vấn đề liên quan đến pháp lí và thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa phát triển.
Nói về khó khăn trong việc xử lí tài sản đảm bảo, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank, cho biết tiến độ xử lí thu hồi nợ qua toà án còn rất chậm, kéo dài khoảng 12 – 18 tháng thậm chí có vụ kéo dài nhiều năm, tiến độ thi hành án còn rất chậm.
“Khi phát sinh nợ xấu, đi thu hồi nợ mà không có sự hợp tác của khách hàng thì cực kì khó khăn. Khi kiện ra toà, ngân hàng gặp vô vàn khó khăn, rắc rối khi khách hàng tạo ra các tranh chấp mới, để trì hoãn, kéo dài để ngân hàng phải đưa ra những đề nghị có lợi cho họ như miễn, giảm lãi,…”, ông Huân nói
Quốc Thuỵ
—————————
VietnamBiz (Tài chính) 08-10-2020:
https://vietnambiz.vn/ngan-hang-chat-vat-xu-li-no-xau-trong-mua-dich-20201008110516242.htm
(118/1.082)